Trang bị kỹ năng sống: 'Lá chắn' chống xâm hại trẻ em

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, tình hình tội phạm xâm hại tình dục (XHTD) tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, trong đó một số vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Một phiên tòa xét xử bị cáo hiếp dâm người dưới 16 tuổi tại Tòa án nhân dân tỉnh. Ảnh: Tố Tâm

Một phiên tòa xét xử bị cáo hiếp dâm người dưới 16 tuổi tại Tòa án nhân dân tỉnh. Ảnh: Tố Tâm

Hậu quả nặng nề

XHTD trẻ em không chỉ gây ra những hậu quả nặng nề về thể chất, mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần, sự phát triển và tương lai của các nạn nhân.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng và cộng đồng, nhưng thực trạng XHTD trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra ngay tại những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em.

Trợ giúp viên pháp lý tỉnh Nguyễn Ngọc Huyền, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước số 1 (Sở Tư pháp) cho hay, việc trẻ bị XHTD ngoài gây hậu quả về mặt thể chất như: tổn thương bộ phận sinh dục, nguy cơ mắc bệnh lây truyền, mang thai ngoài ý muốn..., còn để lại di chứng tâm lý nặng nề. Trẻ em bị xâm hại thường rơi vào trạng thái trầm cảm, sợ hãi, mặc cảm, tự ti và mất lòng tin vào người lớn. Có em sau biến cố đã rơi vào khủng hoảng tinh thần kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập, khả năng hòa nhập xã hội và tương lai sau này.

Theo bà Nguyễn Ngọc Huyền, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng XHTD trẻ em, song chủ yếu vẫn là do sự thiếu hiểu biết và thiếu cảnh giác của chính trẻ và người lớn. Không ít phụ huynh vì quá tin tưởng người quen, người thân mà buông lỏng quản lý, để trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm. Một số khác lại thiếu kiến thức, thậm chí ngại ngùng khi nói với con về giới tính, kỹ năng tự bảo vệ.

Giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ

Phó chánh văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh, thẩm phán Phan Thị Thu Hương cho hay, tình trạng trẻ bị XHTD còn phản ánh một thực tế đau lòng là việc giáo dục giới tính, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ vẫn còn bị coi nhẹ hoặc thực hiện một cách hình thức mà không đi vào thực chất trong nhà trường, gia đình. Trong khi đó, môi trường mạng ngày càng phổ biến lại thiếu sự giám sát phù hợp, tạo điều kiện cho những đối tượng xấu tiếp cận, dụ dỗ trẻ em bằng các thủ đoạn tinh vi.

Theo cơ quan chức năng, vấn đề đáng quan tâm là tỷ lệ thủ phạm trong các vụ XHTD là người quen biết, thậm chí là người thân trong gia đình chiếm hơn 60%. Các vụ việc xảy ra không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, mà còn ngay tại thành thị. Con số thực tế có thể cao hơn bởi phần lớn các em và gia đình không dám lên tiếng vì sợ bị kỳ thị, tổn hại danh dự hoặc do thủ phạm là người thân quen

Do đó, theo thẩm phán Phan Thị Thu Hương, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên và chính các em nhỏ về quyền được bảo vệ khỏi xâm hại; tổ chức tuyên truyền, giáo dục giới tính và kỹ năng sống một cách bài bản, dễ hiểu và phù hợp với từng lứa tuổi. Nhà trường cần đưa nội dung giáo dục phòng, chống XHTD vào chương trình chính khóa, với phương pháp giảng dạy sinh động, thực tế, giúp học sinh biết cách nhận diện và ứng phó khi gặp tình huống nguy hiểm.

Đặc biệt, cần xây dựng và mở rộng mạng lưới tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị xâm hại. Đồng thời, có cơ chế bảo vệ nạn nhân khỏi sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc XHTD trẻ em, không chấp nhận việc thỏa hiệp, bao che.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/pho-bien-phap-luat/202507/trang-bi-ky-nang-song-la-chan-chong-xam-hai-tre-em-0842ad6/