Trang bị, sử dụng, thanh toán cước phí điện thoại đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức theo quy định
Viện trưởng VKSND tối cao vừa có quyết định về việc ban hành Quy chế về trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại cho công chức lãnh đạo các cấp trong ngành KSND. Theo đó, việc trang bị, sử dụng và thanh toán phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Theo Quy chế, điện thoại cố định trang bị tại nhà riêng và điện thoại di động là tài sản của Nhà nước trang bị cho công chức lãnh đạo thuộc VKSND các cấp sử dụng vào các hoạt động công vụ. Việc trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại cho cá nhân được quy định thực hiện thống nhất trong Ngành.
Về nguyên tắc áp dụng, Quy chế nêu: Việc trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại cho công chức lãnh đạo các cấp trong ngành KSND phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được qui định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Đối tượng được trang bị điện thoại phải bảo quản, sử dụng theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Điện thoại trang bị cho cá nhân phải được đăng ký quản lý trên sổ sách của cơ quan, đơn vị.
Về đối tượng được trang bị điện thoại, theo Quy chế: Việc trang bị điện thoại cố định, điện thoại di động và thanh toán cước phí của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao được thực hiện theo Quy định số 68-QĐ/TW ngày 21/10/1999 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hướng dẫn số 10 HD/TCTW ngày 29/12/1999 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc thực hiện một số chế độ chính sách đối với cán bộ cấp cao.
Công chức lãnh đạo được trang bị 1 máy điện thoại cố định tại nhà riêng, bao gồm: Phó Viện trưởng VKSND tối cao; Kiểm sát viên VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao 1, 2, 3;
Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Vụ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Chánh Thanh tra VKSND tối cao, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát, Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao 1, 2, 3, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,0 đến dưới 1,2 thuộc VKSND tối cao;
Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Phó Vụ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Phó Chánh Thanh tra VKSND tối cao, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát, Phó Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật, Chánh Văn phòng và Viện trưởngViện nghiệp vụ VKSND cấp cao 1, 2, 3, Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,8 đến dưới 1,0 trong ngành KSND;
Trưởng phòng VKSND tối cao, Phó Chánh Văn phòng và Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ VKSND cấp cao 1, 2, 3, Trưởng phòng, Kế toán trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện, Thư ký Lãnh đạo VKSND tối cao.
Công chức lãnh đạo được trang bị 1 máy điện thoại di động, gồm: Các đối tượng được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quy chế này, ngoài việc trang bị một máy điện thoại cố định tại nhà riêng còn được trang bị 1 máy điện thoại di động (trừ Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện);
Kiểm sát viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp; Kiểm tra viên cao cấp, Chuyên viên cao cấp.
Ngoài các nội dung trên, Quy chế còn đề cập đến mức trang bị điện thoại cố định và di động; mức thanh toán cước phí; nguồn kinh phí chi trả và trách nhiệm thực hiện.