Trắng đêm cùng những bệnh nhân đặc biệt

Mồ hôi trên lưng áo blouse chưa kịp khô, các anh tiếp tục hỗ trợ nhau 'chiến đấu' với bệnh nhân ngáo đá.

Nửa đêm, tiếng chuông điện thoại reo liên tục trong Phòng Y tế - Cơ sở xã hội Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TPHCM). Nhận tin báo có học viên cai nghiện đột nhiên sốt cao, bác sĩ Trần Hữu Nghĩa, Phó trưởng phòng Y tế, cùng điều dưỡng Nguyễn Thanh Sơn vội chạy đến khu điều trị, khám rồi tiêm thuốc giúp người bệnh hạ sốt. Khi tình hình tạm ổn thì đồng hồ đã điểm 2 giờ sáng.

Trở về phòng trực chưa bao lâu, kíp trực nhận tin một học viên khác than nhức đầu và đau bụng nên không ngủ được. Anh Nguyễn Thanh Sơn nhanh chóng đến kiểm tra, khi xong việc cũng là lúc kết thúc ca trực.

Anh Sơn cho hay, ban đêm là khoảng thời gian bác sĩ, điều dưỡng Phòng Y tế thăm khám, điều trị, quản lý người cai nghiện vất vả, căng thẳng nhất. Một ca trực đêm, bác sĩ, điều dưỡng chạy tới chạy lui từ khu 2 tới khu 3, sang khu F hay đội tự nguyện.

Bác sĩ, điều dưỡng Phòng Y tế xử trí tình huống bệnh nhân phát bệnh đột xuất trong ca trực đêm

Bác sĩ, điều dưỡng Phòng Y tế xử trí tình huống bệnh nhân phát bệnh đột xuất trong ca trực đêm

Bác sĩ Trần Hữu Nghĩa kể, có những lần trực đêm, sau khi xử lý những tình huống bệnh đột xuất tại các khu - đội ổn định thì kíp trực của Phòng Y tế lại phải tiếp nhận gấp bệnh nhân sử dụng ma túy đá, do công an địa phương chuyển vào. Mồ hôi trên lưng áo blouse chưa kịp khô, các anh tiếp tục hỗ trợ nhau “chiến đấu” với bệnh nhân ngáo đá.

Bác sĩ Nghĩa nói: “Xử trí mấy trường hợp này không dễ, vì họ đang rối loạn hành vi, cảm xúc. Nhiều bệnh nhân chống đối, thậm chí xông vào hành hung cán bộ, bác sĩ. Thời gian giúp mỗi trường hợp như thế thường kéo dài đến sáng. Hầu như đêm nào cũng vậy! Cho nên, đối với Phòng Y tế, việc kíp trực đêm tăng ca đã thành chuyện quen thuộc”.

Trong Cơ sở xã hội Nhị Xuân, sau 17 giờ mỗi ngày, hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học viên do kíp trực đêm đảm trách. Mỗi kíp trực gồm 1 bác sĩ và 4 điều dưỡng. Kíp trực chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ công việc trong đêm, như: xử trí cấp cứu, tiếp nhận bệnh mới, khám bệnh đột xuất

Sau giờ cơm chiều, điều dưỡng tất bật phát thuốc cho học viên, người cai nghiện. Đây là công việc thường ngày của y tá, điều dưỡng. Tuy nhiên, trong điều trị cai nghiện, người phát thuốc cần cẩn thận, tỉ mỉ hơn rất nhiều vì đây là đối tượng bệnh nhân cần sự chăm sóc, quan tâm đặc biệt. Dù mưa gió hay dông bão thì việc phát thuốc, xử lý bệnh vẫn phải tiến hành, vì người điều trị cai nghiện không thể ngưng thuốc.

Cũng thời gian này, ở khu cắt cơn xã hội, bác sĩ và những điều dưỡng khác của kíp trực tất bật tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định do địa phương bàn giao.

Ngày nào cũng có trường hợp người nghiện la hét, chửi bới, đập phá. Bằng những biện pháp nghiệp vụ và kinh nghiệm lâu năm, bác sĩ, điều dưỡng ở Phòng Y tế chưa “bó tay” với bất kỳ tình huống nào.

Tập thể Phòng Y tế - Cơ sở xã hội Nhị Xuân thường động viên nhau dù vất vả, căng thẳng, nhưng đã là nghề mình lựa chọn thì hãy theo đuổi đến cùng. Việc học viên cai nghiện được ngủ ngon giấc, khỏe mạnh để ra sinh hoạt, học tập là thành quả, niềm vui dành cho kíp trực đêm.

“Nhìn học viên khỏe mạnh sau những ngày cắt cơn, giải độc, chúng tôi như được tiếp thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong ca trực đêm kế tiếp”, bác sĩ Nghĩa bộc bạch.

Với tinh thần làm việc hết sức mình, tập thể Phòng Y tế - Cơ sở xã hội Nhị Xuân đã nhiều lần vinh dự được nhận giấy khen, bằng khen; được chọn đơn vị điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/trang-dem-cung-nhung-benh-nhan-dac-biet-468004.html