Trắng đêm thi công ở dự án giao thông phức tạp nhất Hà Nội

Sau nhiều năm chậm tiến độ, dự án mở rộng đường Âu Cơ (Hà Nội) đến nay đã đạt khoảng 85% khối lượng. Trên công trường những ngày này, nhà thầu tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, tập trung vào đoạn 1,6 km từ nút giao Xuân Diệu đến Lạc Long Quân.

Đêm trên công trường thi công dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nhật Tân

Đêm trên công trường thi công dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nhật Tân

Dự kiến, thông xe cuối tháng 6/2024

Đêm ngày 29/5, ghi nhận của Tạp chí GTVT trên công trường dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm (TP. Hà Nội) đoạn từ lối vào khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân có chiều dài tuyến bổ sung khoảng 3,7 km, quy mô mặt cắt ngang từ 26,5 - 31 m. Trong đó, mặt đường chính từ 16,5 - 21 m (tương đương từ 4 đến 6 làn xe, tính cả 2 chiều).

Gần 4 năm triển khai thi công với nhiều lần "lỡ hẹn", đến nay đoạn đường mở rộng có chiều dài 3,7 km này mới hoàn thành được khoảng 85% khối lượng.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí GTVT, khối lượng công việc đang "căng" nhất tại dự án này là đoạn từ chợ hoa Quảng An đến nút giao đường Lạc Long Quân, chiều dài khoảng 1,6 km. Tại đoạn này, 2 làn mở rộng đã hoàn thành, nhưng phần lõi (đường đê cũ) đến nay đang thi công kết cấu nền mặt đường được khoảng 300 m.

Thi công đào bóc lớp mặt đường cũ tại đoạn khoảng 1,6 km từ nút giao Xuân Diệu đến đường Lạc Long Quân

Thi công đào bóc lớp mặt đường cũ tại đoạn khoảng 1,6 km từ nút giao Xuân Diệu đến đường Lạc Long Quân

Trao đổi với phóng viên Tạp chí GTVT trên công trường, một cán bộ hiện trường của Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban QLDA Giao thông Hà Nội) khẳng định, hiện nay, tất cả những vấn đề khó khăn của dự án đều đã được giải quyết, nhà thầu đang đặt quyết tâm cao nhất để hoàn thành dự án theo kế hoạch vào cuối tháng 6 tới đây.

Những ngày này, toàn công trường đang thi công không ngừng nghỉ 3 ca, 4 kíp. Trong đó, đoạn 1,6 km này đang đào bóc mặt đường cũ, sau đó đắp nền bằng với cao độ của toàn tuyến.

"Nhiều thông tin cho rằng, đây là hạ cốt nền đường đê, nhưng thực tế không phải như vậy. Tôi khẳng định là dự án hoàn toàn không hạ cốt đường đê mà là thay đổi một phần kết cấu thân đê. Cao trình bảo vệ đê từ xưa vẫn giữ nguyên, không thay đổi", vị này cho biết.

Thi công đắp nền đoạn 1,6 km từ nút giao Xuân Diệu đến đường Lạc Long Quân

Thi công đắp nền đoạn 1,6 km từ nút giao Xuân Diệu đến đường Lạc Long Quân

Chia sẻ về những ý kiến cho rằng, việc thi công đào, đắp nền đoạn 1,6 km này trong vòng 1 tháng tới là khó thực hiện, cán bộ Ban QLDA Giao thông Hà Nội cho biết, khối lượng công việc tuy lớn nhưng các nhà thầu đang tích cực thi công "cuốn chiếu", đào đến đâu, đắp đến đó, phấn đấu hoàn thành 1,6 km cuối cùng này đảm bảo đúng kế hoạch thông xe cuối tháng 6 tới đây. Với máy móc, thiết bị, nhân sự được huy động rất lớn ở công trường, việc bảo đảm kế hoạch là có thể thực hiện.

Tuy nhiên, cán bộ Ban QLDA Giao thông Hà Nội thẳng thắn chia sẻ: "Nếu thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều thì việc triển khai thi công hạng mục này sẽ khó tính toán. Còn các hạng mục khác hoàn thiện tuyến dù nắng, hay mưa vẫn có thể triển khai thi công".

Thi công thảm nhựa đoạn từ nút giao Xuân Diệu đến chợ hoa Quảng An

Thi công thảm nhựa đoạn từ nút giao Xuân Diệu đến chợ hoa Quảng An

Thi công thảm nhựa đoạn từ nút giao Xuân Diệu đến chợ hoa Quảng An

Thi công thảm nhựa đoạn từ nút giao Xuân Diệu đến chợ hoa Quảng An

Theo thống kê của Ban QLDA Giao thông Hà Nội, trên toàn tuyến từ đoạn khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân đã thi công xong toàn bộ tường chắn đê bê tông cốt thép, cửa khẩu qua đê, tường chắn giao thông bên trái tuyến, thảm bê tông nhựa đường dân sinh 2 bên đường Âu Cơ.

Các hạng mục còn lại đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Xuân Diệu dài khoảng 200 m đã thảm thô xong để thông xe kỹ thuật.

Đoạn từ nút giao Xuân Diệu đến chợ hoa Quảng An đã thảm thô 1/2 mặt cắt đường Âu Cơ tuyến chính trước Tết Nguyên đán 2024. Hiện đã thảm thô 1/2 mặt cắt đường Âu Cơ; tuyến chính còn lại dự kiến thảm thô xong cả đoạn để thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 5.

Đoạn từ chợ hoa Quảng An đến nút giao Lạc Long Quân đã thảm thô xong 2 làn mở rộng đường Âu Cơ tuyến chính; đã chuyển sang thi công kết cấu nền mặt đường mới (phần lõi) còn lại từ ngày 18/5, phấn đấu hoàn thành thông xe kỹ thuật toàn tuyến trước 30/6.

Trong quý III/2024 dự án sẽ hoàn thành thảm mịn, thi công các hạng mục phụ trợ: trồng cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông…

Đoạn 200 m từ nút giao khách sạn Thắng Lợi đến nút giao đường Xuân Diệu

Đoạn 200 m từ nút giao khách sạn Thắng Lợi đến nút giao đường Xuân Diệu

Thi công tại đoạn nút giao Xuân Diệu - chợ hoa Quảng An

Thi công tại đoạn nút giao Xuân Diệu - chợ hoa Quảng An

Thi công kết cấu nền mặt đường mới (phần lõi) đoạn chợ hoa Quảng An đến nút giao đường Lạc Long Quân

Thi công kết cấu nền mặt đường mới (phần lõi) đoạn chợ hoa Quảng An đến nút giao đường Lạc Long Quân

Đoạn chợ hoa Quảng An - nút giao đường Lạc Long Quân, 2 làn mở rộng đường Âu Cơ tuyến chính đã thảm thô, phương tiện có thể lưu thông, nhưng mặt đường đê cũ (phần lõi) chưa thi công

Đoạn chợ hoa Quảng An - nút giao đường Lạc Long Quân, 2 làn mở rộng đường Âu Cơ tuyến chính đã thảm thô, phương tiện có thể lưu thông, nhưng mặt đường đê cũ (phần lõi) chưa thi công

Dự án phức tạp nhất của TP. Hà Nội

Dự án mở rộng đường Âu Cơ có tổng mức đầu tư 815 tỷ đồng, do Ban QLDA Giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án triển khai thi công từ tháng 6/2020, ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Theo chia sẻ của cán bộ hiện trường Ban QLDA Giao thông Hà Nội, đây không phải dự án lớn, có những yếu tố kỹ thuật phức tạp, nhưng lại là một trong những dự án khó khăn, phức tạp nhất của TP. Hà Nội với vô vàn thách thức làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công và thiệt hại cho nhà thầu, người dân tại khu vực...

Đường Âu Cơ mở rộng, đoạn chợ hoa Quảng An - nút giao đường Lạc Long Quân

Đường Âu Cơ mở rộng, đoạn chợ hoa Quảng An - nút giao đường Lạc Long Quân

Nổi bật có thể kể đến là tác động của sự bùng phát đại dịch Covid-19 trong giai đoạn triển khai dự án. Dự án nằm trên trục đường có mật độ giao thông rất lớn nên vừa thi công vừa bảo đảm giao thông là một công việc khó khăn.

Tiếp đó, dự án phải điều chỉnh thiết kế, thay đổi phương án thi công. Dự án nằm trên công trình của đê điều, nên phải tuân theo Luật Đê điều. Theo vị cán bộ hiện trường của Ban QLDA Giao thông Hà Nội, trong một năm, thời gian thực tế thi công có thể chỉ có 4 tháng. Bởi, theo quy định, thời gian mùa lũ (khoảng từ tháng 6 đến tháng 10) không được thi công.

Bất cập ở chỗ, trong khoảng 5 tháng dự án nghỉ, các nhà thầu phải cho công nhân di chuyển qua các dự án khác, hoặc thậm chí là cho công nhân nghỉ việc. Sau 5 tháng nghỉ, khi quay được thi công trở lại, nhiều nhà thầu gặp khó khăn rất lớn trong việc huy động nhân sự, thiết bị thi công. Tiếp đó, các kỳ nghỉ lễ, Tết, dự án trong nội đô không được thi công; thời tiết bất lợi mưa nhiều cũng khiến công trường "bất động".

"Trong quá trình thi công hạng mục đào, đắp nền, chỉ cần mưa 1 ngày có thể phải 'ngồi chơi' cả tuần. Bởi đất ngấm rất nhiều nước, đào cũng không nổi, mà đắp cũng không được. Thậm chí có lúc, chúng tôi phải cho máy đào tung đất lên để đất nhanh khô hơn", vị cán bộ hiện trường Ban QLDA Giao thông Hà Nội chia sẻ.

Trong 4 năm triển khai, nhiều thời điểm công trình dự án gần như "bất động"

Trong 4 năm triển khai, nhiều thời điểm công trình dự án gần như "bất động"

Đặc biệt, dự án tuyến đường điện ngầm 110kV Yên Phụ - Tây Hồ chạy dọc tuyến cũng triển khai trong giai đoạn này nên ảnh hưởng lớn đến mặt bằng thi công trên toàn tuyến đường Âu Cơ mở rộng.

Thậm chí, có thời điểm phải bàn giao lại toàn bộ mặt bằng dự án mở rộng đường Âu Cơ cho dự án tuyến đường điện 110kV.

Sau đó, công tác bàn giao lại mặt bằng cho dự án mở rộng đường Âu Cơ bị chậm, ảnh hưởng đến công tác tổ chức thi công và một số yếu tố khách quan nên tiến độ thi công dự án chưa đạt như mong muốn.

Chưa kể đến "bão giá" vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhà thầu. Theo tìm hiểu, nhà thầu trúng thầu và ký kết hợp đồng với đơn giá cố định, nhưng đến nay, nhiều loại vật liệu thậm chí đã tăng 2,4 lần so với thời điểm đấu thầu. Nhiều nhà thầu phải gồng lỗ nặng để bảo đảm thực hiện dự án.

Nhiều năm qua, người dân khu vực dự án chịu nhiều ảnh hưởng, giao thông càng thêm ùn tắc trên tuyến đường vốn có mật độ giao thông rất cao

Nhiều năm qua, người dân khu vực dự án chịu nhiều ảnh hưởng, giao thông càng thêm ùn tắc trên tuyến đường vốn có mật độ giao thông rất cao

Việc dự án chậm tiến độ nhiều năm cũng khiến người dân tại khu vực chịu nhiều ảnh hưởng, như khói, bụi; giao thông khó khăn, bất tiện cho kinh doanh… Những năm qua, tuyến đường vốn có mật độ giao thông cao này đã trở thành "điểm nóng" về ùn tắc giao thông....

Đây là những khó khăn, thách thức chính khiến dự án không đạt được tiến tiến độ thi công như mong muốn.

Vũ Thành Vũ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/trang-dem-thi-cong-o-du-an-giao-thong-phuc-tap-nhat-ha-noi-183240530015507979.htm