Tràng Định: Lợi ích từ mô hình 'Vườn rau của bé'Tin khácPhấn đấu bệnh viện luôn là 'vùng xanh' trong phòng chống dịchThông báo nội dung kỳ họp thứ sáu (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021- 2026

Tận dụng quỹ đất trong khuôn viên, từ năm học 2016 – 2017 đến nay, các trường mầm non trên địa bàn huyện Tràng Định đã xây dựng thành công mô hình 'Vườn rau của bé'. Mô hình này không chỉ tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp mà còn góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày của trẻ từ nguồn rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là mô hình giáo dục trực quan sinh động, giúp trẻ có những trải nghiệm thực tế trong quá trình học tập, vui chơi.

Đầu tháng 11/2021, chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non Tân Tiến, huyện Tràng Định. Chúng tôi ấn tượng với cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp nơi đây. Đặc biệt là những luống rau xanh mướt hiện hữu ngay trong vườn rau của nhà trường. Cô Nông Khánh Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến cho biết: Từ năm học 2017 – 2018, nhà trường đã dành hơn 100 m2 đất để thực hiện mô hình “Vườn rau của bé”. Những loại rau được trồng theo mùa như: mồng tơi, rau muống, các loại rau cải, bầu, mướp… “Vườn rau của bé” không chỉ góp phần tạo cảnh quan xanh cho nhà trường mà còn là mô hình để trẻ được trải nghiệm thực tế. Cùng với đó là giúp nhà trường bổ sung một phần nguồn rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào bữa ăn của trẻ.

Cô và trò Trường Mầm non Tân Tiến, huyện Tràng Định tham quan vườn rau của nhà trường

Cô và trò Trường Mầm non Tân Tiến, huyện Tràng Định tham quan vườn rau của nhà trường

Toàn huyện Tràng Định hiện có 20 trường mầm non thì 100% trường xây dựng mô hình “Vườn rau của bé”. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, đây là huyện điển hình của tỉnh trong thực hiện mô hình này. Để thực hiện thành công mô hình này, ban giám hiệu các trường mầm non đã phát động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh nhà trường dành nhiều ngày công, nhất là tranh thủ sau giờ đứng lớp, hoặc thứ bảy, chủ nhật để làm đất, gieo trồng, chăm sóc cẩn thận cho mỗi luống rau. Sau khi gieo trồng thành công, mỗi ngày, các cô dành 1 đến 2 giờ để chăm sóc vườn rau; thực hiện mỗi tuần 1 giờ lao động trong vườn trường. Hằng ngày, tổ chức cho trẻ tham quan, bắt sâu cho vườn rau sạch của mình, giúp trẻ biết phân biệt các loại rau, củ, quả và nhận thức được lợi ích của việc trồng rau sạch đối với sức khỏe con người và môi trường xung quanh.

Chị Lý Thị Hiệu, phụ huynh học sinh lớp 5 tuổi A2, Trường Mầm non 10/10 cho biết: Tại trường, con tôi được trải nghiệm nhiều hoạt động gần gũi với thiên nhiên, trong đó có hoạt động trồng rau xanh. Qua quá trình chăm sóc, con đã biết phân biệt các loại rau, củ, quả. Đặc biệt, khi về nhà bé còn biết phụ mẹ chăm sóc vườn rau.

Bà Nguyễn Thị Đào, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định cho biết: Đối với bậc học mầm non, chúng tôi đặt tiêu chí môi trường xanh, sạch, đẹp cho trẻ lên hàng đầu. Chính vì vậy, “Vườn rau của bé” là mô hình được phòng chỉ đạo các trường thực hiện trong gần 5 năm học gần đây. Mô hình nhằm giúp trẻ có không gian trải nghiệm thực tế với nông nghiệp xanh; giáo dục, rèn luyện cho trẻ thêm yêu lao động, quý trọng thành quả lao động do chính mình làm ra; để trẻ được trải nghiệm các hoạt động từ thực tế và rèn luyện một số kĩ năng cơ bản và để trẻ được hòa nhập với thiên nhiên.

Xây dựng mô hình “Vườn rau của bé” là một trong những nội dung chính của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Thời gian tiếp theo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định tiếp tục đôn đốc và khuyến khích các trường mầm non thực hiện tốt các nội dung xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm trong đó có việc thực hiện mô hình “Vườn rau của bé”… nhằm tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục toàn diện đối với trẻ mầm non.

THU HIỀN

TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/463703-trang-dinh-loi-ich-tu-mo-hinh-vuon-rau-cua-be.html