Trăng khuyết tỏa sáng

Vượt qua số phận bất hạnh, cậu bé Phạm Chí Dũng, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Bình Minh (thành phố Lào Cai) luôn lạc quan, yêu đời và không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập.

Lọt lòng mẹ, khi được 17 tháng tuổi, mặc dù không muốn nhưng gia đình chị Vũ Thị Vinh - mẹ của Phạm Chí Dũng vẫn chấp nhận một thực tế cay đắng, đó là đứa con trai bị bệnh thoái hóa cơ tủy (teo cơ tủy).

“Đối với trẻ bình thường, 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi, nhưng ngược lại, con tôi đặt đâu nằm im đó, để đâu ngồi đó, không thể tự vận động. Lớn dần, cho cháu tập đứng, nhưng hai chân khuỵu xuống. Lên 6 tuổi, do không đi được, cháu tập lết, do chỉ lết được một bên dẫn đến lệch cột sống về bên phải”, chị Vinh nghẹn ngào.

Mặc dù khó khăn về vận động nhưng bù lại, Dũng rất nhanh trí, sáng dạ và ham học. Hiểu được mong muốn của con, khi Dũng đến tuổi vào tiểu học, chị Vinh đã đăng ký cho con đi học tại Trường Tiểu học Bình Minh. Được sự đồng ý của nhà trường, gia đình chị đóng riêng bộ bàn ghế phù hợp với tư thế “lệch” cột sống và để tránh bạn bè va chạm, bởi chỉ cần chạm nhẹ vào cơ thể là Dũng “đổ” ngay. Đặc biệt, hành trang đến trường của Dũng luôn có thêm chiếc khăn để khi ngồi vào ghế, chị Vinh sẽ dùng làm dây buộc cơ thể của con để không bị “đổ” về bên phải.

Suốt 6 năm học đã qua (từ lớp 1 đến lớp 6), dù mưa hay nắng, gia đình chị Vinh đều đặn đưa con đến trường, cõng con đến tận lớp học, buộc con cẩn thận trên ghế. Thậm chí, chị Vinh còn thuộc thời khóa biểu, thời gian từng tiết học để kịp cõng con từ lớp sang phòng học các môn chuyên biệt như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học… “Mặc dù nhà trường có bố trí thầy, cô giáo hỗ trợ Dũng nhưng tôi muốn trực tiếp cõng con, bởi không muốn làm phiền đến thầy cô, hơn nữa công việc này đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo”, chị Vinh tâm sự.

6 năm học đã qua, do sức đề kháng không tốt nên Dũng hay ốm, nhất là khi thời tiết thay đổi. Có những thời điểm, Dũng ốm đến hơn chục ngày. Không một lời than phiền, khi sức khỏe ổn hơn, Dũng đòi mẹ đưa đi học, bởi nhớ trường, nhớ lớp và hơn cả là em sợ bị rỗng kiến thức, không theo kịp các bạn. Mặc dù đã động viên con rất nhiều, với lời hứa, khỏi ốm, mẹ sẽ đưa đến trường, nhưng trước sự quyết tâm của con, chị Vinh hằng ngày vẫn đưa con tới lớp, cuối mỗi buổi học, xin cô giáo cho về sớm hơn để đưa con đi tiêm tại bệnh viện.

Thương bố mẹ, Dũng cố gắng học tập. Trong 5 năm học tiểu học, Dũng đều đạt học sinh có thành tích vượt trội, riêng năm lớp 3, em đạt học sinh xuất sắc. Em còn đoạt giải Nhất cuộc thi cờ vua do nhà trường tổ chức.

Bước vào cấp THCS, số lượng môn học tăng, lượng kiến thức nhiều hơn nhưng kết quả học tập của Dũng vẫn đứng thứ 20/43 học sinh của lớp 6A1. Điều đáng nói, mặc dù được ưu tiên thông qua đề kiểm tra, đánh giá đối với học sinh khuyết tật nhưng Dũng đề nghị được làm bài thi học kỳ theo đề dành cho học sinh đại trà và em đều đạt kết quả khá.

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 2 đồng hành với Dũng, cô Đoàn Thu Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A1 khẳng định: Dũng là học sinh ngoan và rất nghị lực. Em nhận thức rất nhanh, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên. Hơn nữa, trong các tiết học, em còn tích cực phát biểu, trả lời câu hỏi do thầy cô giáo đưa ra, thậm chí em còn đảm nhận làm bài tập nhóm.

Tuy khiếm khuyết, khó khăn về vận động nhưng bù lại Dũng rất thông minh và cần cù. Với những người bị vẹo cột sống, phải buộc cơ thể vào ghế để không bị “đổ”, ngồi cả tiếng đồng hồ là cực hình, nhưng Dũng đã luyện để mỗi buổi học ở trường, hoàn thành cả 5 tiết học, cũng như việc học và làm bài tập về nhà vào buổi tối

Nói về ước mơ của mình, Dũng tâm sự: Cháu muốn trở thành lập trình viên, bởi nghề lập trình không cần đến nhiều sức lực mà cần đến trí óc, cháu nghĩ mình có thể đáp ứng được.

Sự tự tin hiện rõ trên khuôn mặt của cậu học trò học lớp 7, dù hằng ngày vẫn đến trường bằng xe lăn, phải buộc cơ thể vào ghế nhưng Phạm Chí Dũng vẫn luôn tràn đầy nghị lực, tự tin, để “trăng khuyết tỏa sáng”.

Vũ Thanh Nam

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/trang-khuyet-toa-sang-post390352.html