Trang ký ức của người lính
Nhà văn Đào Sỹ Quang sinh năm 1954 tại Thái Nguyên, hiện sinh sống tại Đồng Nai. Từng là lính Sư đoàn 304 tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt, sau khi hòa bình lập lại, ông trở về miền Bắc theo nghề sư phạm, là giáo viên dạy vật lý tại một ngôi trường trung học phổ thông. Yêu thích vật lý nhưng ông cũng đam mê văn chương rồi thử sáng tác với truyện ngắn đầu tay được đăng báo là 'Thoát chết'.
Nhiều năm qua, Đào Sỹ Quang lặng lẽ viết. Chính sự dịch chuyển của đời lính - nghề giáo đã chắp bút để nhà văn viết lên những câu chuyện với đa dạng nhân vật ở nhiều tầng lớp xã hội. Năm 2013, tập truyện ngắn đầu tay “Sự đời” của ông “chào đời”, sau đó nhận được giải Khuyến khích do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng. Có lẽ, giải thưởng này đã góp phần khích lệ cho niềm đam mê văn chương của ông được “cất cánh”. Đều đặn sau đó là các tập truyện ngắn nối tiếp nhau, “Đất và người”, “Viên đạn cuối cùng”, “Mùa tôm sú”, “Điều như không thể”, “Trời đang vào thu”, “Đối mặt”. Và mới đây nhất, là tập truyện ngắn “Bến hồng nhan” gồm mười hai truyện ngắn lấy bối cảnh của đời sống hiện tại và những năm tháng chiến tranh.
Nhà văn Đào Sỹ Quang đã viết truyện ngắn từ những tư liệu của chính cuộc đời ông. Trong những truyện ngắn về cuộc sống đương đại, độc giả như nhìn thấy nhân vật là những người đang sống xung quanh chúng ta. Đó là người phụ nữ thành đạt trong công việc nhưng cô đơn trong cuộc sống ("Robin Hood đã trở về"); là vị quan chức cấp tỉnh rơi vào vòng lao lý khi đã về hưu ("Hiền cái con khỉ"); là chiến sĩ công an nhân dân, hy sinh khi đấu tranh với tội phạm để giữ gìn bình yên của Tổ quốc ("Thưa cô, con đã hiểu").
Truyện “Một cú nhảy” kể câu chuyện đời lính của chiến sĩ Đỗ Thành Thật, có cha là chiến sĩ công binh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Bằng lời kể của các nhân vật, những truyện ngắn đã cho độc giả thêm hiểu về khúc tráng ca anh hùng, vui buồn của đời lính. Nhờ rèn luyện qua những khó khăn gian khổ, chiến sĩ Thật đã vượt qua những hạn chế của mình để thực hiện được ước mơ thi đỗ trường quân sự. Trong truyện “Người phố tôi” là ông Côi, người thương binh già lặng lẽ làm từ thiện tại nơi đơn vị phòng không của ông từng đóng quân. Trong mắt mọi người ở khu phố, ông là một người keo kiệt nhưng sau này mọi người cảm phục khi biết ông mang trái tim người lính giúp đỡ nhiều người và những vùng miền còn khó khăn.
Ngoài những truyện được xây dựng từ nhân vật, sự việc, chi tiết có thật, xảy ra trong cuộc sống đương đại, nhà văn Đào Sỹ Quang còn đan cài những câu chuyện viết về nhân vật chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh. Độc giả như chênh vênh trên con thuyền neo đậu tại "Bến hồng nhan", khi chứng kiến cuộc đời của chị Tính - người đàn bà chấp nhận sống cô độc bởi tình yêu thủy chung với người lính đã hy sinh.
Sự khéo léo chắt lọc chi tiết của nhà văn khiến độc giả thêm đau xót khi chứng kiến số phận những con người trực tiếp sống và chiến đấu nơi "mưa bom, bão đạn" khốc liệt của chiến tranh. Như trong truyện ngắn “Mẹ Nghiệp”, hình ảnh người mẹ Việt Nam Anh hùng từng bước hiện lên qua đôi mắt, tâm trạng của người thương binh được bàn tay mẹ chăm sóc. Mẹ Nghiệp có chồng và những con trai là liệt sĩ, hai cô con gái là thanh niên xung phong, nhưng mẹ nén đau thương chăm sóc những thương binh mà mẹ coi như con của mình: "Trên trời có bao nhiêu vì sao thì mẹ có bấy nhiêu con".
Nhà văn Đào Sỹ Quang viết nhiều đề tài, nhưng nhiều hơn cả là những trang viết về làng quê Việt Nam với những người phụ nữ hồn hậu, chân tình, dũng cảm. Bằng tư liệu của một người lính từng chiến đấu và bị thương nơi Thành cổ Quảng Trị, nhà văn Đào Sỹ Quang đã viết nên những trang ký ức “Bến hồng nhan” bằng xúc cảm của trái tim người lính đi qua chiến tranh. Cũng như những truyện ngắn đã đạt giải thưởng trước đây của ông, tập “Bến hồng nhan” đọng lại nhiều cảm xúc trong suy nghĩ của độc giả.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trang-ky-uc-cua-nguoi-linh-660417.html