Trang phục dân tộc của Hoa hậu Hoàn vũ Việt 2019: Tiêu chí nào để không đau đầu lựa chọn?

Ba trang phục vào vòng cuối cùng để lựa chọn cho Hoàng Thùy đem đi trình diễn Trang phục dân tộc của Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới năm 2019 đã lộ diện. Không nằm ngoài dự đoán, các trang phục này tiếp tục tạo ra những cuộc tranh cãi lớn. Vấn đề là ở thời điểm này, chọn tiêu chí ra sao sẽ quyết định trang phục ấy. Vậy tiêu chí nào để trang phục dân tộc tại cuộc thi lớn nhất hành tinh này không gây tranh cãi?

Cuộc thi tuyển chọn trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy vừa công bố top 3 thiết kế bước vào vòng thi cuối cùng là Cà phê phin sữa đá (nhà thiết kế Trần Nguyễn Minh Đức), Cò ( thiết kế Nguyễn Đức Liêm), Vùng đất chín rồng (thiết kế Hoàng Hữu Kha). Kết quả này gây tranh cãi không chỉ ở cộng đồng mạng, mà cả những người thuộc giới chuyên môn. Nhiều ý kiến cho rằng, các thiết kế chưa thực sự ấn tượng và không đủ tầm để đại diện nước nhà tại một đấu trường sắc đẹp quốc tế. Đây cũng là năm thứ 2, trang phục dân tộc được mở hẳn một cuộc thi thiết kế riêng để lựa chọn, sau “hiện tượng” mang tên “Bánh mì” mà H’Hen Niê mang đi dự thi năm 2018.

Bàn về các thiết kế, siêu mẫu Hà Anh cũng đưa ra quan điểm về sự việc này. Cô viết trên trang cá nhân: “Các bạn thiết kế nhớ bay bổng thì bay bổng, dân tộc thì dân tộc nhưng Miss Universe là cuộc thi sắc đẹp, quan trọng nhất trang phục phải lộng lẫy và phô được vẻ đẹp hình thể, khuôn mặt đẹp xinh. Cho em Thùy lủng củng trong phin cà phê tay vác muỗng hay vùi người trong thân cò hay hóa nữ hoàng Medusa 9 đầu rồng có thể lạ về ý tưởng nhưng không dành cho cuộc thi sắc đẹp mà chỉ mang đi lễ hội hóa trang quốc tế thôi".

Các thiết kế trang phục dân tộc dành cho Hoàng Thùy tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2019 đang gây tranh cãi. Ảnh: Miss Universe Việt Nam

Các thiết kế trang phục dân tộc dành cho Hoàng Thùy tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2019 đang gây tranh cãi. Ảnh: Miss Universe Việt Nam

Đồng thời, Hà Anh cho rằng hình ảnh Việt Nam chỉ đẹp nhất là hoa sen và áo dài. Cô mong các nhà thiết kế dựa vào hai yếu tố này để sáng tạo. “Cà phê không qua nổi cà phê Italia, rồng không qua nổi Trung Quốc, còn con cò thì nói thực không ai nghĩ đến Việt Nam”.

Dòng trạng thái của Hà Anh lập tức nhận được sự quan tâm của người hâm mộ. Nhiều khán giả đồng tình với nữ siêu mẫu và cho rằng những thiết kế của các người đẹp thi quốc tế cần quảng bá văn hóa Việt thông qua áo dài, nón lá… Bởi ba thiết kế vào chung kết về cơ bản chưa thực sự đại diện cho nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Nghĩa là chỉ cần nhìn tới, họ không biết rằng đó chính xác là Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến phản đối quan điểm này. Cho rằng văn hóa của Việt Nam không chỉ dừng lại ở những yếu tố quá quen thuộc mà cần phải sáng tạo thêm để mang đến hình ảnh mới mẻ hơn. Nhất là nhiều năm trở lại đây, trang phục áo dài, những cách điệu từ áo dài, không giúp các người đẹp Việt thực sự được chú ý ở cuộc thi này. Chỉ riêng trường hợp của Trương Thị May ở cuộc thi tại Nga, áo dài trong phần thi trang phục dân tộc của cô được truyền thông chú ý và đánh giá cao.

Các tiêu chí được khán giả bình chọn cho một bộ trang phục dân tộc lý tưởng bao gồm: Phải có tính văn hóa đặc trưng nổi bật. Nghĩa là khán giả nước khác nhìn vào biết đó là Việt Nam. Giống như Thái Lan, Lào có thiết kế Chùa vàng, hay linh vật voi, hoặc Nhật Bản là Kimono, Hàn Quốc là Hanbok…

Thứ hai là từ những nét đặc trưng đó, thiết kế phải sáng tạo cả về đề tài, nội dung và cách thể hiện, Nó cần có sự cách tân, cách điệu, giản lược mà mang tính hình tượng một chút. Và đáp ứng được yếu tố trình diễn, tạo được sức hút.

Thứ ba là dù sáng tạo đến đâu, thiết kế ấy cũng không nên bị lệch ra khỏi nét riêng của văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bằng ấy những tiêu chí cho một trang phục dân tộc, nói dễ làm rất khó. Nhất là nhìn vào cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ quốc tế những năm gần đây, thấy rằng phần thi này chuộng hướng trình diễn nhiều hơn. Khán giả và cả giám khảo chú ý vào sự sáng tạo, mới lạ và độc đáo. Thực tế là thiết kế “Bánh mì” của H’Hen Niê bị chê rất nhiều khi ra mắt trong nước, nhưng khi cô bê nguyên xi trang phục ấy lên sân khấu Hoa hậu Hoàn Vũ năm 2018, khán giả lại vỗ tay không ngớt, các chuyên trang sắc đẹp cũng xếp đó là một trong những trang phục dân tộc ấn tượng nhất cuộc thi. Hoa hậu Lào, còn đem cả khung thiết kế chùa tháp rất cồng kềnh để trình diễn, các hoa hậu đến từ Nam Mỹ cũng chọn những thiết kế họa tiết màu sắc sặc sỡ, nổi bật để gây ấn tượng.

Lý tưởng nhất của trang phục dân tộc chính là tính đặc trưng văn hóa cao nhưng phải thật ấn tượng, hút mắt, khiến khán giả trầm trồ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đáp ứng sự lý tưởng này không phải lúc nào cũng làm được, vì thế, nhiều nhà thiết kế, nhiều hoa hậu đã chọn trang phục cách điệu có tính trình diễn nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn vào 3 thiết kế chung cuộc dành cho Hoàng Thùy, tính trình diễn của các bộ trang phục này cũng chưa cao.

Sân thi đấu của Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới tập trung những ứng viên rất nặng ký, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, và họ phải tạo đột phá từ mọi phần thi. Có thể, trong bản hoàn thiện, các thiết kế sẽ được điều chỉnh để phù hợp hơn. Cơ bản là ê-kíp của Hoàng Thùy chọn tiêu chí nào, tiêu chí đó sẽ quyết định trang phục chiến thắng cuối cùng để “đem chuông đi đánh xứ người” và phần thể hiện của người dự thi cũng quan trọng không kém.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/trang-phuc-dan-toc-cua-hoa-hau-hoan-vu-viet-2019-tieu-chi-nao-de-khong-dau-dau-lua-chon-157576.html