Trắng tay sau bão số 3, người nuôi thủy sản ở Ninh Bình chưa biết làm lại từ đâu
Chỉ sau một đêm, cơn bão số 3 cuốn trôi thành quả của bao tháng trời vất vả. Những ao nuôi giờ trơ đáy, người dân chỉ biết lặng lẽ đứng nhìn. Thiệt hại quá lớn, nhưng điều khiến họ lo hơn là thời tiết chưa yên, ngày mai bắt đầu lại từ đâu.
Cơn mưa xối xả, sóng đánh dồn dập “cướp trắng” mùa thu hoạch
Nằm ở vùng ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũ, xã Kim Đông từ lâu được biết đến là địa phương có quy mô nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh. Người dân nơi đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề nuôi thủy hải sản theo hình thức quảng canh và bán thâm canh, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Cũng vì phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, nên mỗi khi mưa bão xảy ra, hoạt động sản xuất của người dân lại đứng trước nhiều rủi ro.
Trận mưa từ sáng ngày 22/7 cho đến sáng ngày hôm sau, bất ngờ trút xuống toàn khu vực vừa qua là “cú đánh chí mạng”, bởi phần lớn tôm, cua đang cận ngày thu hoạch. Trong ký ức của nhiều người dân địa phương, trận mưa không chỉ bất ngờ về thời điểm mà còn dữ dội hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây.

Cả vùng nuôi của xã Kim Đông gần như mất trắng sau bão số 3
Ông Nguyễn Đình Thế, trú tại xóm 6, xã Kim Đông cho biết, bản thân ông sống ở đây từ năm 1981 đến giờ, nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận mưa nào đến bất ngờ và lớn như lần này”. Lượng mưa lớn, nước dâng cao, sóng lớn đánh liên tục, làm vỡ bờ, nước tràn vào ao, cuốn trôi phần lớn thủy sản.
“Tôi nuôi hơn 7 vạn tôm, chỉ còn vài ngày nữa là thu, vậy mà một đêm sóng đánh như sóng biển, tan hết rồi chú ơi!”, ông Thế nói, ánh mắt không rời mặt ao trống trơn. Ông cho biết, tôm được thả từ tháng 2, đã đạt cỡ 25–27 con/kg, chuẩn bị xuất bán. Nếu lường trước mà thu bán trước bão được thì tốt quá. Nhưng không ai học được chữ ngờ. Không ai nghĩ mưa lớn đến vậy, sáng ra là trắng tay.

Ông Nguyễn Đình Thế, trú tại xóm 6, xã Kim Đông (áo trắng) xót xa khi cả ao nuôi mất trắng
Không chỉ gia đình ông Thế, hàng nghìn hộ nuôi khác trong xã cũng chịu thiệt hại nặng. Nhiều người mất hàng chục tấn thủy sản chỉ sau một đêm. Một số hộ cho biết, nước tràn bờ khiến thủy sản từ ao nọ sang ao kia, nhà thì mất, nhà thì vớt được chút đỉnh. Ngoài sông, có người tranh thủ thả lưới bắt tôm cua trôi dạt, bán được hàng chục triệu đồng, nhưng với người nuôi, đã cuốn đi cả vốn liếng tích góp cả năm. Theo báo cáo của UBND xã Nam Đông toàn xã hiện có khoảng 5.586 ha nuôi trồng thủy sản. Sau bão số 3, hơn 1.500ha diện tích nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh trên địa bàn bị ngập sâu trong nước.
Gần 1.000ha nuôi tôm trên ao nổi, ao bạt, nuôi công nghiệp và 1.300ha nuôi ngao thương phẩm, 350 trại ngao, hàu giống và nuôi cá vược, cá mú, cá bống bớp,...bị ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá, tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Sự thay đổi đột ngột này khiến độ mặn trong nước giảm mạnh, gây nguy cơ lớn đến sự sống và phát triển của các loài thủy sản nước mặn, đặc biệt là hàu và ngao giống.
Ông Phạm Văn Hải, chuyên viên phòng Kinh tế xã Kim Đông cho biết: “Không chỉ bị thiệt hại do sóng lớn, người nuôi còn gặp rủi ro về môi trường nước. Mưa lớn và sắp tới có thể xả lũ từ đầu nguồn về khiến độ mặn trong ao nuôi đã bị giảm nhanh và khó khôi phục trong thời ngắn. Với môi trường đó, các con nuôi khó sinh sống và phát triển được.
Chủ động giải pháp thích ứng và khuyến cáo người nuôi
Trước thực trạng mưa bão bất thường, thiên tai khốc liệt, Phạm Ngọc Quang xóm trưởng xóm 6, xã Kim Đông kiến nghị: “Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nuôi đầm. Mỗi khi mưa bão ập đến là coi như mất trắng, mà tái đầu tư thì rất khó khăn vì vốn liếng đã đổ hết vào ao đầm. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành sớm có biện pháp hỗ trợ kịp thời để bà con có thể vực dậy sản xuất”.

Ông Phạm Văn Hải, chuyên viên phòng Kinh tế xã Kim Đông chỉ tay về bờ ao bị sóng đánh tan hoang
Ông Nguyễn Đình Thế cho biết, bên cạnh thiệt hại do mưa bão, người nuôi thủy sản ở xã Kim Đông còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo. Đường vào ao chủ yếu là bờ ao nhỏ hẹp do tư nhân làm, trơn trượt khi mưa gió, không có tuyến giao thông kiên cố phục vụ sản xuất và tiêu thoát nước. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất nuôi trồng mà còn làm tăng rủi ro thiệt hại khi xảy ra thiên tai. Vì thế, kiến nghị các cấp, ngành sớm đầu tư nâng cấp đường nội đồng, cải tạo hệ thống mương cống thoát nước, đồng thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi giúp bà con khôi phục sản xuất.
Ông Phạm Văn Hải đưa ra khuyến cáo, đối với các hộ nuôi quảng canh, bà con cần phát tỉa bớt cây che phủ quanh ao để tăng thông thoáng, giúp gió lưu thông, tăng trao đổi oxy khi gió giảm sau bão. Việc gia cố bờ ao, nâng cao bờ, nạo vét mương thoát nước được thực hiện trước mỗi mùa mưa bão.

Các hộ nuôi công nghiệp vận hành hệ thống quạt nước, máy sục khí duy trì oxy hòa tan
Đồng thời, người nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, phối hợp với chính quyền, ngành chuyên môn để chủ động biện pháp phòng chống thiên tai kịp thời.
Quan trọng nhất, với các ao nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm, xã khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch sớm trước khi mưa bão đến, hạn chế rủi ro mất trắng. Việc bảo hiểm thủy sản cũng cần được nghiên cứu, áp dụng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra thiên tai bất khả kháng.