Trắng tay vì ngao chết bất thường
Những ngày này, người nuôi ngao tại các phường Hải Châu, Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang mất ăn mất ngủ vì đồng ngao đến thời kỳ thu hoạch bỗng nhiên chết hàng loạt. Thiệt hại ước tính lên đến cả chục tỉ đồng.
Điêu đứng vì ngao
Có mặt tại bờ hữu dòng sông Yên - đoạn gần giáp biển thuộc phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) chúng tôi gặp những khuôn mặt thất thần của bà con nuôi ngao tại khu vực cửa sông Yên. Khi thủy triều vừa rút, bãi ngao lộ ra với rất nhiều xác ngao chết há miệng, trồi lên mặt bùn, trải dài suốt hàng trăm mét bãi bồi. Mùi hôi tanh từ bãi sông theo gió đưa lên làm lợm giọng người. Dưới bãi, một số gia đình đã huy động nhân công để thu hoạch vội số ngao còn sống, nhằm vớt vát phần nào.
Không quản những cơn mưa phùn lất phất làm ướt sũng lưng áo, cả 3 người trong gia đình ông Vũ Hữu Hồng ở Đồng Minh, phường Hải Ninh vẫn nhẫn nại cào từng đống xác ngao chết để đi vứt nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh, giọng ông Vũ Hữu Hồng rầu rĩ: “Gia đình tôi có 1 ha ngao, lẽ ra đến tháng 3 âm lịch là thu hoạch. Không ngờ mấy ngày nay lại chết bất thường, không rõ nguyên nhân. Tính cả tiền giống, giá trị ngao hiện tại, thuê công cải tạo đầm vào đầu vụ, thì thiệt hại khoảng hơn 300 triệu đồng. Cùng với lần thất bát do ngao chết năm ngoái, chúng tôi không biết lấy gì để tái đầu tư các vụ tới”.
Ngay sát đầm nuôi của ông Hồng, chị Lê Thị Mai cũng đang nhặt xác ngao chết cho vào bao tải. Trong màu trắng ngà của xác ngao trải dài, khuôn mặt người phụ nữ luống tuổi hiện rõ nỗi buồn mà chẳng biết kêu ai. Theo chị Mai, mấy hôm nay thỉnh thoảng nước mắt vẫn trào ra. Dù do thời tiết thay đổi hay dịch bệnh hoặc nguyên nhân nào đi nữa, thì hàng trăm triệu đồng của gia đình cũng “đội nón ra đi”.
“Theo ước đoán, sản lượng ngao trong đầm của gia đình tôi đã chết khoảng 70 đến 80%. Nếu không bị chết bất thường, thì với gần 1 ha đầm, cũng cho thu hoạch hàng chục tấn ngao thịt!” - chị Mai tiếc rẻ nói.
Theo thông tin từ người nuôi ngao ở địa phương, các chủ đầm đều thuê đất bãi bồi phường Hải Ninh với thời hạn 5 năm, mức thuê 30 triệu đồng/ha. Hiện nay giá ngao thương phẩm được bán sỉ ngay tại đồng nuôi đạt 16.000 đồng/kg, nếu thu hoạch nhỏ lẻ bán chợ cũng đạt khoảng 20.000 đồng mỗi kg. Ở thôn Đồng Minh gia đình các ông Lê Công Lợi, Nguyễn Công Đức, Vũ Hữu Thông và Vũ Hữu Hồng đều có diện tích ngao bị chết bất thường lần này trên dưới 1 ha, làm mỗi hộ thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND phường Hải Ninh cho biết: Sự việc ngao của bà con nuôi tại cửa sông phường đã nắm được. Đến thời điểm này, nhiều diện tích đã chết lên đến 80%. Nguyên nhân có thể là do người dân thả quá dày hoặc do thời tiết. Chúng tôi đang chờ kết luận của các cơ quan chức năng”. – ông Phương cho biết.
Tại phường Hải Châu, tình trạng ngao chết đồng loạt trên bãi sông cũng đang khiến người dân điêu đứng.
Do ô nhiễm và nuôi thả quá dày
Đâu là nguyên nhân? Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài mật độ nuôi quá cao, một yếu tố nữa có thể là nguyên nhân dẫn đến ngao chết trắng bãi là việc các bãi nuôi ngao của phường Hải Châu, Hải Ninh bị ô nhiễm trầm trọng. Tại vùng giáp ranh giữa hai phường có một cống nước thải của một vài cơ sở chế biến bột cá xả thẳng ra môi trường. Nước thải ra đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Trước tình trạng trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa – ông Cao Văn Cường đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc là Chi cục Thủy sản cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thành lập đoàn công tác liên ngành đến thực địa kiểm tra, báo cáo.
Theo báo cáo nhanh, địa phương có khoảng 3,5 ha nuôi ngao bắt đầu có hiện tượng chết từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3, đến ngày 4 / 3 thì chết hàng. Nhận định nguyên nhân ban đầu gây ra tình trạng ngao chết có thể do hiện tượng tảo nở hoa, ngao bị độc tố của tảo gây ra. Kết hợp với mật độ nuôi ngao tại đây rất cao, tại thời điểm kiểm tra là 2.000 con/m2, cao hơn gấp 6 lần (tiêu chuẩn thích hợp nhất là 250-300 con/ m2).
Nhằm giúp bà con khắc phục hiện tượng ngao chết và giảm thiểu thiệt hại cho các hộ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục phối hợp cùng UBND thị xã Nghi Sơn chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp, như: Tổ chức thu gom ngao chết tiến hành tiêu hủy theo quy định, tránh gây ô nhiễm bãi nuôi ngao và môi trường xung quanh; đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền các hộ nuôi ngao thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật nuôi phù hợp với vùng nuôi. Trước mắt, các hộ nên tạm dừng thả nuôi mới, chỉ được thả nuôi mới khi xử lý môi trường, cải tạo bãi nuôi đảm bảo các tiêu chuẩn tốt cho ngao sinh trưởng và phát triển…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trang-tay-vi-ngao-chet-bat-thuong-556128.html