Trắng tay vì 'phường', 'hụi', bài học chưa bao giờ cũ

Chủ 'phường', 'hụi' thường xây dựng hình ảnh về bản thân, gia đình có cuộc sống giàu sang, hàng tháng trả lãi cao, đúng hẹn, tạo vỏ bọc uy tín… Điều này đánh vào tâm lý tin tưởng trao gửi tài sản của những người tham gia, họ không mảy may nghi ngờ.

Chỉ đến khi chủ “phường”, “hụi” tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng chi trả, nhiều người mới sực tỉnh, gõ cửa các cơ quan chức năng, mong gỡ gạc chút vốn thì đã quá muộn!

Theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động phường”, “hụi” xuất hiện công khai ở rất nhiều nơi, đối tượng tham gia có đủ các thành phần trong xã hội... Tuy vậy, thời gian qua, có không ít các vụ việc liên quan đến “vỡ phường”, “vỡ hụi” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khiến người chơi nhao nhác, đứng ngồi không yên, vì toàn bộ tài sản đã trao gửi gần như không có cơ hội lấy lại được. Điều đáng nói, sau những vụ vỡ nợ ấy, các dây “phường”, “hụi” khác vẫn không lấy đó làm bài học cảnh tỉnh, nhiều người vẫn mặc nhiên tham gia.

Ngôi nhà khang trang của bà Cao Thị Dung “cửa đóng then cài” lâu nay.

Ngôi nhà khang trang của bà Cao Thị Dung “cửa đóng then cài” lâu nay.

Hơn một tháng nay, hàng chục người dân xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa mất ăn mất ngủ vì “chủ hụi” là bà Cao Thị Dung (SN 1970), ở thôn Nam Hạc, xã Hoằng Phong bỗng dưng tuyên bố phá sản, nhà cửa luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”, gia chủ im lặng rời khỏi địa phương.

Ông Nguyễn Viết Ngoạn (64 tuổi), thôn Nam Hạc, xã Hoằng Phong là một nạn nhân cho hay, từ nhiều năm nay, bà Cao Thị Dung đứng ra làm chủ “hụi”, huy động mọi người tham gia đóng tiền hàng tháng. Hộ gia đình nhiều nhất mất hơn 1 tỷ, còn lại từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Bản thân gia đình ông Ngoạn có 300 triệu gửi chỗ bà Dung chưa thể đòi lại được. Không chỉ người lạ, ngay cả bà Cao Thị May (60 tuổi) ở xã Hoằng Phong là người thân của bà Dung đã đóng “hụi” số tiền 770 triệu đồng nhưng không biết đến bao giờ mới lấy lại được tiền. Bà May cho hay, số tiền trên là công sức vợ chồng bà gom góp nhiều năm từ làm ruộng, chạy chợ, tiền công thợ xây của chồng, giờ có nguy cơ mất trắng!

Người dân xã Hoằng Phong cho biết, đa số các trường hợp đóng phường cho bà Cao Thị Dung đều là phụ nữ, người cao tuổi ở địa phương. Nguồn tiền đến từ lương công nhân, công thợ xây, tiền tiết kiệm nhiều năm và một số khác huy động từ con cháu. Theo đó, có 2 hình thức “góp vốn” cho bà Dung là đóng “hụi” và cho vay lãi. Có người chỉ chơi hụi, có người chỉ cho vay nhưng cũng có trường hợp cả cho vay và cả đóng “hụi”. Qua xác minh ban đầu, đến thời điểm hiện tại có gần 80 người đã đóng các phần họ cho bà Dung mà chưa được thanh toán tiền.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Sỹ Hiệp - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong nói rằng, tổng số tiền “vỡ hụi” trong vụ việc trên, qua xác minh ban đầu từ đơn của người dân địa phương là khoảng gần 10 tỷ đồng. Trong đó, tiền chơi “hụi” khoảng hơn 6 tỷ, còn lại là tiền cho vay. Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong cũng cho biết, ít nhất đây là vụ vỡ hụi thứ 3 xảy ra tại địa phương. Chính quyền cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo nâng cao cảnh giác trong việc chơi “hụi” nhưng chuyển biến về nhận thức của người dân chưa cao. Đến khi vụ việc vỡ lở, nhiều gia đình điêu đứng, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự tại khu dân cư.

Trước đó, cuối năm 2023, Công an thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa nhận được tin báo tố giác của một số người dân về việc: Vợ chồng bà Trương Thị Dung và ông Vũ Tiến Tại, trú tại khu phố Quang Minh, phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã đứng ra kêu gọi gần 100 người trên địa bàn phường và một số phường, xã lân cận góp “phường”, “hụi”. Qua xác minh của Công an thành phố Sầm Sơn cho thấy, sự việc nhiều người dân góp phường, hụi cho chủ hụi là bà Dung, ông Tại ở phường Quảng Vinh là có thật. Tại địa phương, vợ chồng bà Dung, ông Tại làm nghề buôn bán tự do. Số người đến khai báo tham gia góp hụi với bà Dung lên tới gần 100 người, tổng số tiền góp cho chủ hụi khoảng 20 tỷ đồng.

Những người góp hụi của bà Dung cho biết, do họ tin tưởng là người cùng địa phương nên nhiều người đã góp hụi cho vợ chồng bà Dung. Riêng ở phường Quảng Vinh, có rất đông hộ dân tham gia, người góp ít thì vài chục triệu, người góp nhiều lên đến hàng tỷ đồng. Theo phản ánh của những người tham gia, mỗi dây hụi bao nhiêu người, ai là người được lấy hụi trước, bà Dung đều không công khai, bà Dung chỉ thông báo riêng cho cá nhân khi đến kỳ được lấy hụi. Lãi suất của từng người cũng không giống nhau, chủ hụi tự thỏa thuận theo mối quan hệ cá nhân riêng, nhưng nhìn chung, mức lãi suất cao từ 3 đến 5 lần so với mức lãi suất huy động tiền gửi ngân hàng. Chính vì lãi suất cao, thủ tục đơn giản nên người góp ít thì vài chục triệu, người góp nhiều lên đến hàng tỷ đồng.

Trước các vụ việc phức tạp trên, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra một số vụ vỡ hụi với số lượng tài sản lớn lên đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết các vụ việc này đều xuất phát từ sự nhẹ dạ, cả tin, hám lời và thiếu hiểu biết pháp luật của người chơi. Người dân nên chọn lựa các hình thức đầu tư, tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn. Nếu chọn hình thức chơi hụi, phường thì phải cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn chủ hụi; nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi, góp vốn; vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa đề phòng rủi ro, tránh vi phạm pháp luật trong quá trình chơi hụi.

Thực tế cho thấy, “Hụi, họ, biêu, phường” là một trong những hình thức huy động vốn khá phổ biến hiện nay trong nhân dân. Về bản chất, hình thức này đã giúp người chơi cùng tham gia góp vốn có được một khoản tiền lớn để phát triển kinh tế mà không phải chịu lãi suất cao, nhiều người được hưởng lợi. Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ: “Họ, hụi, biêu, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên...”.

Về mặt tích cực, đây có thể xem là một hình thức huy động vốn, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế gia đình. Nếu hoạt động đúng quy định thì đây cũng là cách góp vốn và vay vốn dễ dàng, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay, hình thức chơi hụi, họ đang bị biến tướng, gây nên những cơn “lốc hụi”, “bão phường” ở các làng quê. Một số chủ hụi lợi dụng việc huy động vốn, lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dân để chiếm đoạt tài sản.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tai-chinh-40/trang-tay-vi-phuong-hui-bai-hoc-chua-bao-gio-cu-i749553/