Trạng thái căng thẳng của nhà văn làm freelancer

Phát Dương chia sẻ thu nhập của một freelancer thường không cố định, dẫn tới những trạng thái căng thẳng. Nhưng chính văn chương đã nâng người viết dậy.

 Nhà văn Phát Dương. Ảnh: FBNV.

Nhà văn Phát Dương. Ảnh: FBNV.

Nhà văn trẻ Phát Dương đã chia sẻ những câu chuyện thú vị xung quanh nghề viết nhân dịp cuốn sách 2 người trong 1 ngăn tủ ra mắt.

- Với những cây viết trẻ, văn chương vừa là người bạn song hành, nâng đỡ khi vấp té nhưng đôi khi cũng phũ phàng tặng cho bạn cái tát của thực tế. Liệu "người bạn đặc biệt" này đã cho Phát Dương bài học gì?

- Cuộc sống vốn dĩ gập ghềnh, thăng trầm đan xen làm nên hành trình. Thi thoảng tôi nhận vài cái “tát” đau để rồi tỉnh ra. Có lúc là những chê khen khiến mình hoang mang không biết đâu là thật, có khi thất bại ở một cuộc thi mà bản thân đầy tự tin và dốc tâm huyết. Có khi là lúc nhận ra mình chưa đủ khả năng hoàn thiện tác phẩm theo cách tốt nhất.

Gần đây nhất là một kỷ niệm khó quên. Là một freelancer (người làm việc độc lập, tự do - PV), thu nhập của tôi thường không cố định. Khoảng vài tháng trước tôi rơi vào trạng thái căng thẳng tới mức tạm dừng xuất hiện trên mạng xã hội, kèm theo đó là sự mất tập trung không viết gì được nên thu nhập giảm hẳn. Nhưng sau đó chính văn chương nâng tôi dậy, hỗ trợ khi khó khăn - đó là lúc tôi nhận nhuận bút của tác phẩm 2 người trong 1 ngăn tủ.

- Nếu không theo nghiệp viết, bạn nghĩ mình sẽ làm gì? Một đầu bếp, kỹ sư công nghệ thông tin hay một lĩnh vực nghệ thuật nào đó?

- Nếu không viết, tôi sẽ vẽ. Dù không giỏi nhưng tôi có nhận minh họa cho một số báo và tạp chí. Khi vẽ tôi thấy dễ chịu, mặc dù càng vẽ càng thấy mình chẳng biết gì hết. Dường như ngành nào cũng vậy, khi làm đủ lâu mới nhận ra thiếu sót của bản thân. Nhưng tôi học thêm được vài điều, tiến bộ hơn chút.

Nếu không thể làm một họa sĩ minh họa tài năng, tôi muốn là một họa sĩ minh họa đủ khả năng truyền tải những thông điệp đến độc giả thông qua suy nghĩ của mình.

Một số tranh vẽ minh họa của tác giả Phát Dương.

Một số tranh vẽ minh họa của tác giả Phát Dương.

- Ai là người đã gieo "hạt giống văn chương" đầu tiên, góp phần tạo nên Phát Dương của hiện tại?

- "Hạt giống văn chương" của tôi bắt đầu từ gia đình. Mẹ tôi chưa học hết tiểu học đã phải dừng, nhưng bà thích hướng dẫn tôi những bài tập làm văn. Tiếp đó là anh hai, thành viên đội tuyển học sinh giỏi Văn đã truyền cho tôi động lực. Tôi hưởng lợi từ sở thích đọc sách của anh. Dù rằng sau này vì cuộc sống anh phải chọn một ngành nghề khác, nhưng tôi vẫn biết ơn anh vô cùng. Tuy vậy, tôi không chia sẻ nhiều chuyện viết lách với gia đình mà thích giữ chúng ở một khoảng cách nhất định để âm thầm làm việc.

- Bạn từng nói rằng viết trước hết là cho chính mình, một liều giảm đau cho cái chân đau, vậy tôi có thể hiểu như thế nào về hình ảnh "cái chân đau"?

- Có thể tôi không quan sát đủ nhiều, nhưng dựa vào những gì tôi thấy, ai cũng mang theo nỗi đau riêng khi đến với văn chương. Thực chất hình ảnh “cái chân đau” ám chỉ "vết thương", tôi mượn ý của nhà văn Nam Cao. Đó có thể là bi kịch cuộc sống hoặc sự trầy xước của tâm hồn nhạy cảm va đập với xung quanh.

Ta không thể viết cho người nào khác trước khi viết cho chính mình. Tức là những thứ ta viết ra thực chất là những thứ đang chảy trong ta. Khi viết, ta chia sẻ “vết thương” của bản thân, đồng thời nhận về “nỗi đau” của người khác.

- Hiện tại, cuộc sống của một nhà văn trẻ có làm bạn hài lòng không?

- Vừa có - vừa không, tôi hài lòng một số điều, vì như vậy mới là tận hưởng hành trình cuộc sống. Nhưng tôi cũng hiểu rằng nếu bằng lòng với mọi thứ thì khó tiến bộ. Tôi chưa hài lòng với thu nhập và khả năng của mình hiện tại, còn mải nghĩ thay vì tập trung vào làm. Nên tôi từ từ tiến bước với tâm niệm những tác phẩm hay nhất là tác phẩm chưa được viết ra.

 Thông qua các sáng tác của mình, Phát Dương chứng tỏ một trí tưởng tượng phong phú, đầy bất ngờ.

Thông qua các sáng tác của mình, Phát Dương chứng tỏ một trí tưởng tượng phong phú, đầy bất ngờ.

- Điều gì đã truyền cảm hứng cho bạn viết cuốn sách '2 người trong 1 ngăn tủ'? Liệu có phải số 2 mang ẩn ý sâu xa nào đó của người viết?

- Cảm hứng của tôi đến từ mong muốn đổi mới bản thân và những gì quan sát được từ thế giới xung quanh. Tôi viết cho mình và các bạn trẻ. Con số 2 tình cờ phản ánh 2 con người của tôi: một xuyên suốt từ trước tới giờ, một đang dần chuyển đổi. Đó còn là một phép tính mang hàm ý xót xa: đôi khi chính bản thân bị gạt đi hoặc mình gạt người khác đi - vì chỉ 2 là đủ. Và ta nằm ngoài con số 2 đó. Dọc theo các truyện của tác phẩm này, độc giả sẽ thấy luôn có những lựa chọn được đưa ra. Mỗi người phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của cá nhân.

- Cũng như những phận đời tranh đấu để được làm người trong cuốn sách, phải chăng Phát Dương đang chật vật nhằm ‘định dạng’ chính mình trong xã hội?

- Giữa thời đại dễ dàng tiếp cận thông tin như bây giờ, điều buồn cười là mọi người lại xa cách nhau hơn. Một câu hỏi thường gặp: “Tôi là ai”. Ví dụ, trước đây chúng ta có thể biết rõ hàng xóm của mình là ai, nhưng bây giờ có người biết về một diễn viên nước bạn còn nhiều hơn cả người thân của mình. Định dạng bản thân phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội, những kết nối càng mờ càng khó xác định. Vấn đề ở đây là: bạn chọn cách “định dạng” chính mình thông qua người khác hay theo ý bạn.

Và tôi vẫn loay hoay như vậy. Xã hội rộng mở, con người càng có nhiều thay đổi. Tôi muốn thử nhiều hơn những gì đang có ở hiện tại, trước khi tự đặt mình vào một chiếc khuôn cố định.

- Trong thời đại 4.0, chướng ngại nào khiến một nhà văn trẻ như bạn trăn trở?

- Đầu tiên là sự cạnh tranh. Bao nhiêu người đọc sách, bao nhiêu người xem các chương trình giải trí? Những nội dung ngắn càng dễ cuốn công chúng hơn. Chưa kể, thông tin quá dễ tiếp cận khiến ai cũng có thể viết được, Đặc biệt là sự xuất hiện của Trí tuệ nhân tạo - AI. Nếu cạnh tranh lành mạnh thì không sao vì thúc đẩy sự phát triển. Nhưng cạnh tranh tiêu cực lại là một chuyện khác, tôi sợ điều đó.

Tiếp theo là kết nối. Ngôn ngữ chẳng hạn, tôi không giỏi ngoại ngữ, nhưng có thể bù đắp bằng những sự hỗ trợ khác. Điều đáng lo ở đây là khoảng cách giữa các thế hệ cũng như độ xa của độc giả với tác phẩm. Cứ cho rằng tác phẩm truyền tải thông điệp giá trị nhưng không đến được với người cần nó thì sao?

Một câu hỏi tưởng như không liên quan nhưng lại gắn liền với vấn đề này: giới trẻ vẫn đọc sách nhưng đọc sách mà các bạn ấy thích. Vậy làm sao để các bạn ấy thích, định hướng hay chiều theo nhu cầu. Chắc hẳn cần trao đổi và lắng nghe thật nhiều mới giải quyết phần nào.

- Bạn có ấp ủ ý tưởng nào cho những sáng tác sắp tới?

- Tôi đang "va" vào giai đoạn "bùng nổ" ý tưởng. Nhưng không phải thứ nào cũng có thể phát triển được, tôi cần ‘ấp’ chúng kỹ như những quả trứng mỏng đợi đủ ngày tháng mới nở, bởi nhiều ý tưởng chết ngay từ khi vừa nghĩ ra.

Rút kinh nghiệm từ những lần nói trước bước không qua, tôi chỉ dám tiết lộ mong muốn thử làm mới mình với một số thể loại khác, ví dụ như truyện dài, tiểu thuyết chẳng hạn. Cũng có thể là chuyển hướng sang kinh dị hoặc trinh thám. Ngoài ra, tôi sẽ viết thêm nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi, vì viết cho các em rất thú vị.

Anh Nguyễn/Vietnamnet

Nguồn Znews: https://znews.vn/trang-thai-cang-thang-cua-nha-van-lam-freelancer-post1451556.html