Tránh ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để doanh nghiệp phải 'thế này, thế kia'
Tổng Thứ ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị quy định trách nhiệm của các cơ quan khi ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để tránh tình trạng có những quy chuẩn, tiêu chuẩn đặt ra khiến người dân, doanh nghiệp phải 'thế này, thế kia'.
Sáng 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa trong thực thi các Hiệp định FTA
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau khi sửa đổi, bổ sung thì Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có 6 chương và 66 điều (giảm 1 chương và giảm 5 điều so với Luật hiện hành).
Việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào 6 nhóm nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Trong đó có nhóm chính sách đảm bảo thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hóa; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn...
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy thông tin, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với việc sửa đổi quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp để đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa trong thực thi các Hiệp định thương mại tự do - FTA.
Tuy nhiên, ông Huy cho rằng, dự thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp để bảo đảm tính cạnh tranh, khách quan và hiệu quả, đặc biệt là việc chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Thường trực Ủy ban này đồng tình với quy định thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức quốc tế, nước ngoài là giải pháp tối ưu, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay đối với một số lĩnh vực công nghệ mới nổi mà nguồn lực trong nước chưa thể đáp ứng.
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về việc đây là quy định mới, cần được nêu cụ thể để hướng dẫn bộ, ngành thực hiện việc thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Tránh việc xây dựng quá nhiều tiêu chuẩn không phù hợp gây lãng phí
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua theo dõi thấy các doanh nghiệp có phản ánh quy chuẩn kỹ thuật còn một số nội dung thiếu thống nhất, cách hiểu chưa rõ ràng dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc.
Ông dẫn chứng quy chuẩn an toàn về cháy nổ của các công trình, hay quy chuẩn điều kiện, đầu tư kinh doanh về thương mại.
“Doanh nghiệp cũng phản ánh quá trình ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn “giật cục”, nhanh quá, sốc quá, không có lộ trình để thực hiện. Vấn đề như thế tạo ra chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến áp lực cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích.
Theo ông Thanh, điều này cần phải sửa đổi để có quy định, tránh các vướng mắc bất cập.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng là nội dung cần quan tâm khi tham gia sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế. Sản phẩm hàng hóa đưa vào thị trường quốc tế phải tuân thủ các tiêu chuẩn, xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, việc xây dựng tiêu chuẩn gây tốn kém nhưng sử dụng lại không hiệu quả. Ví dụ hàng hóa vào thị trường Mỹ thì phải đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, hay vào EU thì phải theo tiêu chuẩn EU. Vấn đề này cần phải khắc phục, tránh việc xây dựng quá nhiều tiêu chuẩn mà không phù hợp, thậm chí còn gây ra lãng phí, tốn kém cho doanh nghiệp.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố thông báo áp dụng tiêu chuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia với thời gian thẩm định không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
“Cần cân nhắc 30 ngày có đủ không? Hiện nay thẩm định một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn có 30 ngày thì có thể không đủ thời gian để thẩm định đầy đủ. Trong khi đó quy định việc thông báo lấy ý kiến rộng rãi còn là 60 ngày”, ông Cường băn khoăn.
Tổng thư ký Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu trách nhiệm của các cơ quan khi ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn như trách nhiệm thế nào khi ban hành những quy định còn bất cập, hoặc có quy trình thủ tục gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có quy chuẩn, tiêu chuẩn có quy định cao hơn thực tiễn.
Ngoài ra, ông Cường cũng lưu ý việc quy định trách nhiệm còn để tránh tình trạng có những quy chuẩn, tiêu chuẩn đặt ra để người dân, doanh nghiệp phải “thế này, thế kia”.