Tránh bất cập dòng vốn vay để ngành thủy sản không rơi vào 'bẫy' tín dụng đen

Thời tiết bất lợi, nợ xấu gia tăng đang ảnh hưởng lớn đến việc khơi thông dòng vốn cho việc phát triển vùng tôm nguyên liệu. Song song đó là nỗi lo từ các hộ nuôi, người lao động và doanh nghiệp ở ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung có thể rơi vào 'bẫy' tín dụng đen nếu như những bất cập về vốn vay không được tháo gỡ.

Tính đến gần cuối tháng 7/2022 này, thời tiết bất lợi, mưa đến sớm, nắng gắt xen kẽ, độ mặn trên các sông xuống thấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc thả tôm giống và sự phát triển của tôm nuôi ở tỉnh Sóc Trăng - đang hướng tới là địa phương trọng điểm xuất khẩu tôm của cả nước.

Nợ xấu đang ảnh hưởng tới con tôm

Theo kế hoạch, toàn tỉnh này dự tính thả tôm nước lợ khoảng 51.000 ha. Thế nhưng đến thời điểm này tỷ lệ thả nuôi đạt chỉ đạt trên 60% diện tích. Ngoài khó khăn về thời tiết, người nuôm tôm còn đối mặt vật tư đầu vào có chiều hướng tăng, nhất là thức ăn cho tôm.

Rất cần tháo gỡ các bất cập về dòng vốn vay từ phía ngân hàng để từ bản thân người lao động, các hộ nuôi cho đến các DN ngành thủy sản không phải rơi vào “bẫy” tín dụng đen.

Rất cần tháo gỡ các bất cập về dòng vốn vay từ phía ngân hàng để từ bản thân người lao động, các hộ nuôi cho đến các DN ngành thủy sản không phải rơi vào “bẫy” tín dụng đen.

Điều đáng nói, diện tích nuôi tôm công nghệ cao ở Sóc Trăng vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng diện tích nuôi tôm nước lợ. Nguyên nhân chủ yếu là do hộ nuôi chưa đủ điều kiện tham gia nguồn vốn tín dụng hỗ trợ sản xuất từ các ngân hàng. Nhất là sau thời gian thua lỗ, nhiều hộ nuôi tôm không còn vốn để đầu tư, không còn tài sản thế chấp ngân hàng để được vay mới.

Thêm vào đó là rủi ro trong quá trình sản xuất khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho các tổ chức tín dụng còn khá e dè trong việc giải ngân vốn vay cho các hộ nuôi. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Sóc Trăng (phần lớn là tôm) hồi năm ngoái đạt hơn 1 tỷ USD, nhưng việc khơi nguồn vốn cho người nuôi tôm đến nay vẫn là bài toán khó.

Nên biết thêm, từ hồi năm ngoái tại tỉnh này có 5 ngân hàng đã đầu cho 10.485 hộ dân vay nuôi tôm với dư nợ hơn 1.687 tỷ đồng. Trong đó, có 6.173 hộ vay không có tài sản đảm bảo, mặc dù các ngân hàng đã nhiều lần xem xét khoanh nợ, nhưng vẫn còn hàng ngàn hộ thiếu nợ, đưa tổng nợ xấu của ngành nuôi tôm ở Sóc Trăng lên 639 tỷ đồng (chiếm hơn 27% tổng dư nợ cho vay nuôi tôm).

Điều cần lưu ý trong năm 2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Sóc Trăng tiếp tục đầu tư cho nuôi tôm với tổng nguồn vốn chỉ ước khoảng 56,5 tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng số vốn này là chưa tương xứng với nghề nuôi tôm của tỉnh.

Trong khi đó, theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), để đầu tư một mô hình nuôi tôm bài bản đòi hỏi rất nhiều chi phí, từ thiết bị cho tới hạ tầng khá tốn kém.

Với chi phí lớn, không phải ai cũng đủ vốn để đầu tư mới. Nhất là khi với tình hình nợ xấu nêu trên, phía ngân hàng cũng khó mạnh dạn đầu tư cho người nuôi do còn ngại rủi ro mất vốn, cũng như vướng các quy định pháp luật.

Ông Huy cho biết việc xây dựng chuỗi liên kết nuôi tôm nhiều lần được tính tới, nhưng với tính chất rủi ro nên việc tìm nguồn vốn đầu tư là rất khó. Còn phía ngân hàng thì đơn thuần vẫn là nhà kinh doanh mà thôi.

Chờ thiện chí tích cực từ phía ngân hàng?

Theo giới chuyên gia, năm 2022 này ngành tôm cả nước phấn đấu đạt sản lượng tôm thương phẩm 1 triệu tấn. Mức phấn đấu này còn phụ thuộc thời tiết ở các tháng cuối năm 2022, để đạt mốc này thì chuỗi hợp tác nuôi mới rất cần sự thể hiện tích cực, thiện chí và rõ nét hơn từ phía ngân hàng với các nhà cung ứng, đại lý và người nuôi.

Bên cạnh đó, để giúp người nuôi tôm có vốn đầu tư nâng cấp mô hình nuôi mới có năng suất cao và ít rủi ro hơn thì rất cần có cơ chế tín dụng riêng cho người nuôi tôm, đó là vay theo dự án nuôi tôm và định lại giá đất theo thị trường để tăng giá trị tài sản thế chấp…Mặt khác, rất cần có chủ trương tái cơ cấu lại nợ cho người nuôi tôm gặp rủi ro bất khả kháng.

Còn nếu ngân hàng ngừng hay hạn chế cho vay, điều khó tránh khỏi sẽ là tình trạng nhiều hộ nuôi tôm sẽ phải bỏ nghề hoặc trở thành con nợ của tín dụng đen với lãi suất cắt cổ như hiện nay. Cần nhắc lại là tín dụng đen đã từng “gây bão” ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ nhiều năm trước, và nay với các hoạt động vay tiền trực tuyến (online) đang nở rộ tiếp tục là nỗi lo lớn.

Nhắc đến tín dụng đen, không chỉ là nỗi lo các hộ nuôi tôm sẽ vướng phải mà ngay cả người lao động trong ngành thủy sản cũng đang là nạn nhân của tình trạng này khi họ gặp khó trong nguồn vay từ phía ngân hàng.

Điều này đã được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) nêu rõ trong công văn gửi đến Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) vào hạ tuần tháng 7/2022.

Văn phòng Vasep cho biết nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) thành viên về việc ngày càng nhiều hiện tượng lãnh đạo của công ty bị quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ một cách trắng trợn, công khai (qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội…) từ các cá nhân không quen biết, được cho là từ các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân, ảnh hưởng nặng nề và tiêu cực đến các DN.

Nguyên nhân là vì nhiều trường hợp người lao động trong ngành thủy sản ở vùng ĐBSCL rơi vào bẫy nợ nần của tín dụng đen, là nguồn cơn để “xuất hiện các cá nhân” gây áp lực đòi nợ, đe dọa tới không chỉ người lao động đó mà còn tới lãnh đạo các DN nơi người lao động làm việc khi mà bản thân phía DN không hề biết và không liên quan.

Nhìn từ khó khăn về dòng vốn vay cho việc phát triển vùng tôm nguyên liệu hay hệ lụy của tín dụng đen như vậy nhắm đến phía DN ngành thủy sản, để thấy điều mong mỏi ở ngành thủy sản là từ bản thân người lao động, các hộ nuôi cho đến các DN trong ngành hàng này rất cần được tiếp sức kịp thời, cấp thiết từ nguồn vốn của phía các tổ chức tài chính chính thống. Nhất là cần có những hình thức vay đa dạng, giải ngân nhanh gọn, linh hoạt về tài sản đảm bảo và phương thức trả nợ…

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tranh-bat-cap-dong-von-vay-de-nganh-thuy-san-khong-roi-vao-bay-tin-dung-den-1086921.html