Tránh các khái niệm mơ hồ trong Luật Sở hữu trí tuệ

Chiều 26-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Sở hữu trí tuệ. Nhiều khái niệm trong dự thảo Luật được các ĐBQH nhận xét là còn khá mơ hồ, khó xác định như 'nhãn hiệu âm thanh', 'nhãn hiệu nổi tiếng'…

Các ĐBQH dự họp tại điểm cầu Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Các ĐBQH dự họp tại điểm cầu Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Có chung băn khoăn với ĐB Trần Quốc Quân (Long An), ĐB Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) phát biểu: “Thế nào là “nhãn hiệu nổi tiếng”? Bao nhiêu người biết đến? Doanh số bán hàng như thế nào? Phổ biến ở bao nhiêu quốc gia thì là “nổi tiếng”? Dự thảo Luật cần định lượng hóa khái niệm này và một số khái niệm khác để dễ thực hiện cho cơ quan cấp chứng nhận lẫn người đăng ký”.

Quy định tại dự thảo về việc không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà xử lý bằng biện pháp dân sự cũng được nhiều ĐB cho ý kiến.

ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, quy định này có nguy cơ dẫn đến khoảng trống pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Theo ĐB, việc giải quyết vi phạm theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ tăng thêm khối lượng công việc cho tòa án; kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh. Hơn nữa, quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự có tính chất đặc thù; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quan hệ sở hữu trí tuệ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng, toàn xã hội và ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nhà nước.

ĐB Nguyễn Văn Huy đề nghị vẫn giữ quy định của luật hiện hành về áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói thêm, bên cạnh việc giữ quy định áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, vẫn có thể truy cứu hình sự trong trường hợp vi phạm nhiều lần, gây thiệt hại nghiêm trọng.

ĐB Phạm Văn Hòa cũng bày tỏ tán thành giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, song đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả”. Theo ông, sáng chế được thực hiện bằng ngân sách nhà nước mà chỉ có chủ thể nghiên cứu và tác giả được hưởng lợi là không hợp lý. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng đồng tình quan điểm này.

“Tuy việc sửa luật hiện nay chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu thực hiện CPTPP và EVFTA, nhưng tôi cũng mong chúng ta nghiên cứu sửa đổi cho cặn kẽ, thấu đáo để tuổi thọ của luật được lâu dài”, ĐB Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tranh-cac-khai-niem-mo-ho-trong-luat-so-huu-tri-tue-771109.html