Tranh cãi bảo vệ hầm sông Sài Gòn yêu cầu di chuyển người gặp tai nạn
Nhân viên hầm sông Sài Gòn bị phản ánh xử lý sai quy tắc sơ cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông, nhưng đơn vị quản lý khẳng định làm đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho nạn nhân.

Người dân di chuyển qua đường hầm sông Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân.
Trưa 16/4, một người điều khiển xe máy đi từ quận 1 sang TP Thủ Đức (TP.HCM) va chạm với xe khác phía trước dẫn đến chấn thương ở đường hầm sông Sài Gòn.
Một số người đi đường nhanh chóng dừng lại để hỗ trợ nạn nhân, trong đó có chị Bích Ngọc (*) trực tiếp tiến hành sơ cứu ban đầu. Chị cho hay nạn nhân khi đó có biểu hiện co giật, máu chảy từ miệng và tạm thời bất tỉnh.
Sau đó, nhân viên bảo vệ hầm sông Sài Gòn có mặt tại hiện trường, đề nghị di chuyển người bị nạn sang khu vực khác để đảm bảo an toàn và tránh ảnh hưởng giao thông. Cách xử lý này, theo chị Ngọc, là "rất nguy hiểm" và có thể làm vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Tranh cãi
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Ngọc cho biết song song với việc hỗ trợ sơ cứu nạn nhân, chị đã gọi cấp cứu 115. Một lúc sau, người này mở mắt và dần lấy lại ý thức dù vẫn trong tình trạng choáng váng, đau đầu. Theo chị, sự việc “trở nên phức tạp” khi các nhân viên hầm sông Sài Gòn xuất hiện và đề nghị dời nạn nhân vào vỉa hè.
"Tôi từng tham gia khóa học sơ cấp cứu và biết rằng việc di chuyển nạn nhân có dấu hiệu chấn thương đầu là rất nguy hiểm và có thể làm tình trạng trầm trọng thêm", chị cho biết.
Theo chị Ngọc, nhân viên hầm lúc đó không chờ xe cấp cứu mà muốn đưa nạn nhân ra khỏi hầm bằng phương tiện riêng. Chị phản đối vì lo ngại rủi ro sức khỏe.
"Tôi không đồng tình vì như vậy có thể làm trầm trọng chấn thương của người bị nạn. Tôi còn bị yêu cầu phải 'im lặng', nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm với nạn nhân và cả chi phí cấp cứu", chị cho hay.
Về nhà, chị Ngọc quyết định chia sẻ sự việc lên mạng xã hội, nhanh chóng thu hút chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người tỏ ra lo ngại về cách hành xử của lực lượng quản lý đường hầm sông Sài Gòn.
Cũng theo chị Ngọc, một người tự xưng là nhân viên hầm sông liên hệ, đề nghị gỡ bài nhưng chị và người bị nạn thống nhất giữ nguyên. "Tôi thấy bản thân cần lên tiếng vì cho rằng những quy trình xử lý khẩn cấp tại địa điểm công cộng cần được thay đổi", chị chia sẻ.
Ngày 26/4, Quốc Bảo (*), người bị nạn trong đường hầm sông Sài Gòn, chia sẻ anh không rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. "Trước khi mất ý thức, tôi cảm giác như ai đó va vào xe mình. Sau khi ngã xuống tôi không còn biết gì nữa", chàng trai kể.
Sau khi tỉnh lại, Bảo được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi khu vực hầm để chờ xe cứu thương. "Tôi nghe loáng thoáng lời qua tiếng lại giữa chị Ngọc và nhân viên cứu hộ nhưng lúc đó không nắm rõ chuyện gì đang xảy ra", anh nói. Đến hôm sau, anh đọc được bài viết chị Ngọc đăng tải trên mạng xã hội.
Hiện tại, Quốc Bảo cho biết sức khỏe của anh đã khá hơn. Anh còn hơi đau đầu khi ngáp ngủ, nhưng tay trái đã có thể di chuyển và cầm nắm trở lại. "Tôi rất biết ơn đội cứu hộ và chị Ngọc đã giúp mình trong lúc nguy cấp", chàng trai bày tỏ.
Mọi thứ được xử lý "đúng quy trình"
Sau khi nhận câu hỏi từ Tri Thức - Znews, chiều 24/4, ông Nguyễn Đức Trị, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chánh TP.HCM kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng, đưa ra phản hồi.
Theo ông Trị, lúc 11h10 ngày 16/4, hệ thống camera tại đường hầm sông Sài Gòn phát hiện một người đi xe máy bị ngã, nằm giữa làn xe hướng từ quận 1 sang TP Thủ Đức.
Ngay khi phát hiện sự việc, lực lượng bảo vệ của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng (đơn vị quản lý hầm sông Sài Gòn) đã tiếp cận hiện trường, tiến hành sơ cứu ban đầu và liên hệ với Trung tâm cấp cứu 115 để hỗ trợ. Nạn nhân khi đó đã tỉnh táo, bị trầy xước vùng mặt và đau vai nên lực lượng cứu hộ di chuyển người này vào làn đi bộ để đảm bảo an toàn.
Sau đó, lực lượng cứu hộ tiếp tục kiểm tra và thăm hỏi, trao đổi với nạn nhân. Người này cho biết bản thân "thấy bình thường, đi đứng được" và đã đồng ý để cứu hộ đưa ra ngoài hầm cho thông thoáng, chờ xe cấp cứu tới. Đại diện Trung tâm đã xin số điện thoại để liên lạc với gia đình, cập nhật tình hình sức khỏe của người bị nạn.

Ông Nguyễn Đức Trị khẳng định lực lượng cứu hộ của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng đều được đào tạo bài bản. Ảnh minh họa: Lê Quân.
Về kỹ năng sơ cấp cứu, ông Trị khẳng định lực lượng cứu hộ của Trung tâm đều được đào tạo sơ cấp cứu cơ bản, được cấp giấy chứng nhận của Trung tâm cấp cứu 115 và Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ.
"Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đường hầm trong việc xử lý sự cố ngày 16/4 đã thực hiện đúng quy trình, các bước thực hiện trong phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ sở. Đảm bảo an toàn cho nạn nhân và phương tiện lưu thông qua hầm", ông Trị nhận định.
Sở Giao thông Công chánh TP.HCM khuyến cáo người dân tuân thủ các quy định khi lưu thông qua đường hầm sông Sài Gòn. Trong trường hợp có tai nạn xảy ra, người dân cần tuân thủ hướng dẫn của lực lượng cứu nạn cứu hộ tại hiện trường.
* Tên nhân vật được thay đổi để đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc của nhân vật.
Từng trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng việc trang bị kiến thức sơ cứu cho cộng đồng rất quan trọng. Bệnh nhân sẽ sống sót nếu sơ cứu kịp thời và đúng cách, hoặc ít ra cũng để lại di chứng ít hoặc nhẹ nhất có thể.
Theo bác sĩ Hùng, nguyên tắc chung của sơ cấp cứu phải là:
An toàn
Không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu
Bình tĩnh và luôn cần sự trợ giúp
Hành động thống nhất
Đề phòng lây nhiễm: Đeo găng tay hoặc sử dụng túi nylon khi tiếp xúc với vết thương; rửa tay trước và sau khi sơ cứu; xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu.
Việc sơ cấp cứu được tiến hành theo các bước như:
Đánh giá hiện trường
Đánh giá ban đầu về tình hình nạn nhân
Gọi trợ giúp (113, 114, 115)
Sơ cứu và vận chuyển.
Đặc biệt, trong các vụ tai nạn lao động hay tai nạn giao thông, người sơ cứu phải luôn chú ý tới cột sống cổ, tránh khiến bệnh nhân bị liệt hoàn toàn do sơ cứu sai cách.