Tranh cãi biển báo nhắm vào người béo ở Hàn Quốc: 'Không ác ý đâu, là tạo động lực thôi mà'

Một biển báo 'cực độc' chỉ có tại Hàn Quốc đang gây sóng trên mạng xã hội vì mở ra câu chuyện nhạy cảm liên quan đến vấn đề cân nặng cá nhân.

Một tấm biển khuyến khích hành khách đi cầu thang bộ thay vì thang cuốn trong một ga tàu ở Hàn Quốc gần đây đã lan truyền trên mạng, làm dấy lên các cuộc thảo luận về sự cảm thông và sự phổ biến của "chứng sợ béo" (tiếng Anh: Fatphobia) ở nước này.

"Fatphobia" là một thuật ngữ mô tả sự kỳ thị, đối xử bất công, hoặc đánh giá tiêu cực dựa trên trọng lượng cơ thể hoặc hình dạng bên ngoài của người khác. Thuật ngữ này thường có sự tương quan đến động cơ xã hội và văn hóa ảnh hưởng đến cách mọi người đánh giá giá trị cá nhân dựa trên cân nặng.

Nó có thể dẫn đến tình trạng tự ti, lo lắng, cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của những người phải trải nghiệm nó.

Mặc dù đã được đưa vào sử dụng cách đây nhiều năm nhưng tấm biển gây tranh cãi này lại trở thành chủ đề nóng sau khi một nhà sáng tạo nội dung kỹ thuật số sống tại Hàn Quốc "dailydoseofkorean", còn được gọi là Alo, chia sẻ một video về nó trên mạng xã hội.

Trong video có chú thích "Hàn Quốc thâm thế", người ta có thể nhìn thấy hình dán của 2 người que trên sàn nhà ga Sangbong ở thủ đô Seoul.

Một trong những nhãn dán mô tả một người mũm mĩm với mũi tên chỉ về phía thang cuốn, trong khi nhãn dán còn lại mô tả một người mảnh khảnh hơn với mũi tên chỉ vào cầu thang bộ.

Theo Todayonline, biển báo kỳ lạ này được cho là một phần của chiến dịch y tế công cộng nhằm thúc đẩy lối sống năng động hơn.

Tính đến nay, video này đã có hơn 27 triệu view trên một nền tảng video và tiếp tục đạt được nhiều sự quan tâm khi chia sẻ lên các mạng xã hội khác.

Một số cư dân mạng đã ví người que béo hơn trông như nhân vật Baymax, robot đáng yêu trong bộ phim “Big Hero 6” năm 2022.

"Rẽ trái vào nhà vệ sinh nam. Hãy rẽ phải nếu bạn muốn gặp Baymax", một người dùng Reddit nói đùa.

Tuy nhiên, một số cư dân mạng khác lại thấy những nhãn dán này "đáng lo ngại" và cáo buộc những người đứng đằng sau nó là "kỳ thị người béo".

Một Redditor nhận xét: "Ở Hoa Kỳ, mọi người sẽ biểu tình về việc bodyshaming tại chiếc thang cuốn này".

Một người dùng Instagram đã viết: "Sử dụng thang cuốn khi xương bánh chè của tôi gần như không còn cố định là một phương tiện hỗ trợ di chuyển cần thiết đối với tôi… Việc ám chỉ rằng 'bạn lười biếng hoặc béo' khi sử dụng thang cuốn là một thông điệp (tồi tệ). Thôi nào, Hàn Quốc. Điều này không ổn".

Một người khác nói thêm: "Vấn đề là gầy không có nghĩa là khỏe mạnh. Nếu họ muốn khuyến khích những thói quen lành mạnh thì thông điệp lẽ ra phải khác đi".

Đồng tình với quan điểm trên, một bình luận khác viết: "Bạn có thể khuyến khích sử dụng cầu thang mà không khiến người béo phải xấu hổ mà".

Ngược lại, nhiều người dùng mạng phủ nhận tấm biển này là "ác ý", cho rằng đó chỉ đơn giản là lời nhắc nhở "trung thực" để duy trì lối sống lành mạnh.

"Các bạn ơi, việc muốn công dân của mình khỏe mạnh hơn có phải là điều xấu không?", một người dùng Reddit đặt câu hỏi.

"Không có ác ý gì đâu. Đó là động lực để mọi người đi bộ nhiều hơn thôi mà", một người dùng khác viết.

Một người nữa nhận định: "Bản thân tôi hơi thừa cân nhưng điều này thực sự giúp ích cho tôi. Nó nhắc nhở tôi rằng tôi đang thừa cân và cần phải đi cầu thang bộ thay vì chỉ làm theo bản năng lười biếng là đi thang cuốn. Sẽ thật ngu ngốc nếu tức giận trước sự thật".

Một nhận xét khác cho biết: "Đó là một lời nhắc nhở thông minh, dù hơi nhẫn tâm, rằng hoạt động thể chất rất quan trọng để duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nó cũng hoàn toàn không hiệu quả, xét theo dòng người đều đặn bước lên thang cuốn".

Một người dùng thì than thở: "Người Hàn Quốc bị coi là 'béo' thậm chí còn không béo thật sự. Tôi là người cực bự ở Hàn Quốc nhưng ở Mỹ tôi bé tẹo".

"Fatphobia" tại Hàn Quốc

Đây không phải là lần đầu tiên biển hiệu sàn kia gây tranh cãi. Được mệnh danh là "cầu thang giảm cân" ở Hàn Quốc, các phương tiện truyền thông chỉ ra rằng những tấm biển này đã được phát hiện ở các ga tàu điện ngầm từ đầu năm 2013.

Vào thời điểm đó, những tấm biển này cũng thu hút sự chỉ trích gay gắt từ một số cư dân mạng Hàn Quốc, những người gọi xã hội của họ là "kỳ lạ" và đặt câu hỏi liệu việc tăng cân có phải là "tội lỗi" hay không.

Chứng sợ béo, hay định kiến văn hóa chống lại những cá nhân bị coi là thừa cân hoặc béo phì, là một vấn đề phổ biến ở Hàn Quốc. Đất nước này nổi tiếng với tiêu chuẩn sắc đẹp khắt khe, thường ưu tiên thân hình mảnh mai và nhỏ nhắn.

Các thần tượng và diễn viên K-pop, những người được coi là hình mẫu, thường phải chịu áp lực rất lớn trong việc duy trì vóc dáng thon gọn.

Các phương tiện truyền thông ở Hàn Quốc cũng đưa tin về trường hợp những người tìm việc cảm thấy họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử do ngoại hình, bao gồm cả tình trạng thừa cân.

Trong khi chứng sợ béo vẫn còn phổ biến, thì trong nước cũng đã có những phong trào ngày càng lớn nhằm thách thức những tiêu chuẩn sắc đẹp này và thúc đẩy sự tích cực của cơ thể.

Nguồn: Todayonline

Thạch Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tranh-cai-bien-bao-tham-thuy-nham-vao-nguoi-beo-o-han-quoc-khong-ac-y-dau-la-tao-dong-luc-thoi-ma-20231112014140311.htm