Tranh cãi đề xuất cửa hàng tiện lợi chỉ bán cho khách trong phạm vi 500m

VCCI đề nghị Bộ Công thương bỏ đề xuất cửa hàng tiện lợi chủ yếu bán cho khách trong phạm vi 500 m vì không khả thi.

Phản hồi Bộ Công Thương về đề nghị góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nội dung dự thảo đang cho thấy nhiều quy định bất hợp lý can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết.

Cụ thể, dự thảo thông tư yêu cầu cửa hàng tiện lợi phải được đặt tại vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch, nơi tập trung đông người, diện tích kinh doanh từ 30m2 đến dưới 200m2. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh. Thời gian hoạt động được tối đa 24 tiếng/ngày.

Dự thảo cũng quy định những cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m.

Ngoài ra, dự thảo yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và làm giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh. Việc các cửa hàng có chỗ đỗ xe sẽ giúp tăng sự thuận tiện cho khách hàng, họ có thêm doanh thu và ngược lại, cửa hàng nào không có chỗ đỗ xe sẽ bị mất khách.

"Thị trường sẽ tự điều tiết việc này mà không cần sự can thiệp của nhà nước. Nếu nhà nước lo ngại việc các cửa hàng không có chỗ đỗ xe khiến phương tiện để ra lòng đường gây cản trở giao thông thì chỉ cần xử phạt nghiêm túc hành vi đỗ xe không đúng nơi quy định là đủ. Hơn nữa, hiện nay, một số đô thị đang có kế hoạch hạn chế tiến tới cấm xe cá nhân mà chuyển sang giao thông công cộng. Việc yêu cầu có chỗ đỗ xe vô hình chung đi ngược lại chủ trương trên", VCCI thông tin.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đang phát triển khá mạnh.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đang phát triển khá mạnh.

Ngoài ra, "cần có thiết bị kỹ thuật bảo quản, sơ chế, đóng gói, bán hàng và quản lý kinh doanh tiên tiến, hiện đại" thì không rõ cơ sở nào để xác định tính tiên tiến, hiện đại của thiết bị kỹ thuật? Doanh nghiệp cho rằng trang thiết bị của mình tiên tiến hiện đại nhưng cơ quan nhà nước không đồng ý thì làm thế nào?. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ những quy định trên...

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) chia sẻ: "Tôi cảm thấy Bộ Công Thương có vẻ đang can thiệp hơi sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu các điều kiện kinh doanh này giả sử thực sự cần thiết thì Bộ Công Thương hoàn toàn có thể đưa vào Nghị định. Nhưng thực tế, có những điều kiện đưa ra thực sự vô lý, không sát thực tiễn".

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia về thương mại, cũng cho rằng các tiêu chí về cửa hàng tiện lợi, siêu thị... tại dự thảo này "phần lớn là quy định mang tính cơ học". Các tiêu chí về hành chính này giúp dễ quản lý, kiểm tra nhưng không phù hợp thực tế...

"Cơ quan quản lý cần hướng tới quy định để nâng tính cạnh tranh, quản trị của các loại hình hạ tầng thương mại, trong đó có cửa hàng tiện lợi", ông Phú nhấn mạnh.

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

Đơn vị này cũng bày tỏ: Sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, các tiêu chí không phù hợp sẽ được xem xét, bãi bỏ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguyễn Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//tranh-cai-de-xuat-cua-hang-tien-loi-chi-ban-cho-khach-trong-pham-vi-500m-16922071811055021.htm