Tranh cãi dự án khai thác bô-xít của Trung Quốc ở châu Phi
Các nhà hoạt động môi trường Ghana đã kiện chính phủ nước này nhằm dừng một dự án cho phép Trung Quốc khai thác bô-xít ở một khu rừng cần được bảo vệ tại quốc gia châu Phi này.
Chính phủ cùng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đóng vai trò vừa là nhà nhập khẩu, đầu tư, cùng lúc cho vay viện trợ phát triển để đổi lấy việc tiếp cận các nguồn tài nguyên như bô-xít ở Ghana, Guinea, CH Congo và nhiều quốc gia khác ở châu Phi.
Các lãnh đạo châu Phi và Trung Quốc đều tuyên bố dự án hợp tác khai thác bô-xít sẽ giúp mang đến thịnh vượng, nhưng theo các nhà phân tích làn sóng này không những không giúp người dân xóa nghèo mà còn tác động xấu tới môi trường.
Ở Ghana, khu bảo tồn rừng nổi tiếng thế giới mang tên Atewa có nguy cơ bị hủy hoại vì hoạt động khai thác bô-xít. Khu vực này tập trung 3 con sông lớn cung cấp nước cho 5 triệu dân, cùng trữ lượng 165 triệu tấn bô-xít. Chính phủ Ghana muốn khai thác bô-xít với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhờ vào đối tác lớn duy nhất là Trung Quốc.
Ghana và Trung Quốc đã ký kết dự án khai thác bô-xít ở rừng Atewa Range nằm trong khuôn khổ một thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD giữa hai nước vào năm 2018. Theo đó, Trung Quốc sẽ giành được quyền tiếp cận mỏ bô-xít - nguyên liệu dùng để điều chế nhôm, đổi lại Ghana sẽ nhận được hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá và cầu.
Một tấm biển kêu gọi bảo vệ các loài linh trưởng trong một khu bảo tồn rừng Ghana - Ảnh: AFP
Các tổ chức, nhà hoạt động bảo vệ môi trường cùng giới chức địa phương nhiều lần cảnh báo nếu chính phủ cho phép Trung Quốc khai thác bô-xít ở Atewa thuộc vùng Akyem Abuakwa thì hoạt động này sẽ hủy hoại rừng, 3 con sông lớn. Ngoài ra, bụi đỏ (sản sinh trong quá trình khai thác) sẽ gây ô nhiễm các khu vực lân cận, đồng thời đe dọa nhiều loài động vật quý hiếm.
Nhiều nhà hoạt động và người dân đã phản đối dự án khai mỏ bằng các cuộc biểu tình hồi năm 2017. Một cuộc vận động trực tuyến đã nhận được 30.000 chữ ký. Họ dựng một tấm pa-nô lớn trước phủ tổng thống. Chiến dịch cũng nhận được sự ủng hộ từ nam tài tử điện ảnh người Mỹ Leonardo DiCaprio trên mạng xã hội Twitter.
Mới đây nhất, 7 tổ chức và 4 cá nhân đã cáo buộc dự án khai thác mỏ trên vi phạm quyền hiến định của họ về việc hưởng một môi trường sạch sẽ và họ có quyền bảo vệ rừng vì các thế hệ tương lai. “Rừng là cuộc sống của chúng ta”, Oteng Adjei, người đứng đầu tổ chức Công dân quan tâm tới Atewa, nói.
Nhóm này cùng với các tổ chức khác đã đệ đơn kiện lên tòa Tối cao Ghana hôm 1.7. “Khai thác bô-xít là khoản thanh toán một lần. Chính phủ không thể mang khu rừng ban đầu trở lại”, phía nguyên đơn cho hay.
Tuy nhiên, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo khẳng định rằng việc khai thác bô-xít ở Atewa không làm ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên, không đe dọa các loài động vật hoang dã quý hiếm ở nơi này và cam kết ngành bô-xít sẽ tạo ra 35.000 việc làm.
Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Đất đai Ghana, ông Kwaku Asomah-Cheremeh hồi tháng 9 năm ngoái cũng tuyên bố chương trình khai thác thí điểm cho thấy rừng và nguồn nước sẽ không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào.
Hoàng Vũ (theo SCMP)