Tranh cãi giữa các nền tảng công nghệ và báo chí: Sự đấu tranh giữa quyền lợi và trách nhiệm

Tranh cãi giữa các nền tảng công nghệ và báo chí đang tiếp tục nóng lên khi vào cuối tháng 5, Meta cho biết, họ sẽ xóa tin tức trên nền tảng Facebook và Instagram của mình ở California, nếu bang này thông qua luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho các tổ chức báo chí.

Căng thẳng leo thang

Thỏa thuận kéo dài nhiều năm với các cơ quan báo chí sắp hết hạn và có tin Meta, công ty mẹ của Facebook tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng ở Mỹ khiến một số báo sẽ có thể giảm doanh thu hàng chục triệu USD.

Trước sức ép của chính phủ, Meta dọa sẽ cắt toàn bộ tin tức điều này sẽ càng làm căng thẳng mối quan hệ vốn không êm đẹp với các cơ quan báo chí lớn. Trong khi đó, Amazon, Apple, Microsoft và Tiktok đang đẩy mạnh hoạt động quảng cáo với báo chí, và chưa rõ mối quan hệ với các công ty này có đơn giản hơn mối quan hệ với hai ông lớn độc quyền là Google và Facebook hay không?

Vào cuối tháng 5, đạo luật Bảo tồn Báo chí California được đề xuất sẽ yêu cầu "các nền tảng trực tuyến" phải trả "phí sử dụng báo chí" cho các nhà cung cấp tin tức có bài viết xuất hiện trên dịch vụ của họ, nhằm khắc phục sự suy giảm trong lĩnh vực tin tức địa phương.

 Tranh cãi giữa các nền tảng công nghệ và báo chí là một vấn đề nóng bỏng được đưa ra trong vài năm gần đây. Các tranh cãi xoay quanh việc các nền tảng công nghệ, chẳng hạn như Facebook, Twitter, Google và YouTube, có trách nhiệm với nội dung được đăng tải trên nền tảng của họ.

Tranh cãi giữa các nền tảng công nghệ và báo chí là một vấn đề nóng bỏng được đưa ra trong vài năm gần đây. Các tranh cãi xoay quanh việc các nền tảng công nghệ, chẳng hạn như Facebook, Twitter, Google và YouTube, có trách nhiệm với nội dung được đăng tải trên nền tảng của họ.

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Meta, Andy Stone, gọi cơ cấu thanh toán là "quỹ đen" và cho biết dự luật này chủ yếu mang lại lợi ích cho "các công ty truyền thông lớn, dưới chiêu bài hỗ trợ cho báo chí ở California".

Đây là tuyên bố đầu tiên của Meta về dự luật này ở California, mặc dù công ty đã tiến hành các cuộc chiến tương tự về việc trả tiền cho các tổ chức tin tức ở cấp liên bang và ở các quốc gia khác bên ngoài nước Mỹ.

Trước đó vào tháng 12/2022, Stone cho biết Meta sẽ xóa hoàn toàn tin tức khỏi nền tảng của mình nếu Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật gần giống với luật đề xuất của California, được gọi là Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí nhằm giúp các tổ chức tin tức dễ dàng đàm phán với các nền tảng như Google và Facebook.

Mới đây, Meta cũng đang đe dọa rút tin tức khỏi các nền tảng của mình ở Canada để đáp lại dự luật tin tức ở quốc gia này. Động thái diễn ra khi Canada chuẩn bị thông qua Đạo luật Tin tức Trực tuyến, một dự luật buộc các tập đoàn Công nghệ lớn phải thương lượng các thỏa thuận với các nhà xuất bản và đài truyền hình Canada một cách riêng tư hoặc thông qua thương lượng tập thể.

Căng thẳng giữa Meta và Chính phủ Canada đã bùng lên sau khi Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của công ty Nick Clegg vào tháng 5 đe dọa sẽ chặn hoàn toàn tin tức trong khu vực nếu luật được thông qua, dự kiến vào cuối tháng này.

Meta cho biết: “Các thử nghiệm ngẫu nhiên sẽ giúp chúng tôi xây dựng một giải pháp sản phẩm hiệu quả để chấm dứt tình trạng chia sẻ tin tức ở Canada”, đồng thời cho biết thêm rằng các thử nghiệm sẽ diễn ra trong vài tuần, bắt đầu trong những ngày tới.

Google thậm chí đã thử nghiệm việc xóa liên kết đến các bài báo khỏi kết quả tìm kiếm ở Canada, nhằm phản đối dự luật.

Các dự luật nói trên tương tự như một luật đột phá mà Úc đã thông qua vào năm 2021, khiến Facebook và Google đe dọa cắt giảm dịch vụ của họ. Song cuối cùng, cả hai gã khổng lồ này vẫn chấp nhận chia sẻ lợi nhuận với báo chí. Giới chức Úc vào tháng 12/2022 đã thông báo rằng phần lớn thỏa thuận này đã có tác dụng.

Báo chí cần làm gì?

Theo thống kê mới nhất thì tin tức chỉ chiếm dưới 3% những gì người dùng nhìn thấy trên newfeed của họ. Việc báo chí đang cố gắng duy trì lượng độc giả trên các Fanpage là một nỗ lực mang lại hiệu quả thấp.

Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Công ty Le Bros, sự cạnh tranh giữa báo chí với những nền tảng truyền thông về bản chất là vấn đề lợi ích. Nếu như Facebook có lợi ích liên quan đến những nội dung của báo chí thì họ sẽ phải đăng tải sử dụng tin tức báo chí trên nền tảng của mình. Nhưng đây là câu chuyện không đơn giản, vì hiện nay Facebook và các nền tảng mạng xã hội không phụ thuộc vào nguồn thu của báo chí, họ sẵn sàng không đăng tải và chặn những nguồn tin tức đó nếu cần - đây là thách thức lớn nhất cho báo chí hiện nay.

 Sự cạnh tranh giữa báo chí với những nền tảng truyền thông về bản chất là vấn đề lợi ích.

Sự cạnh tranh giữa báo chí với những nền tảng truyền thông về bản chất là vấn đề lợi ích.

Vậy báo chí cần làm gì? Ông Lê Quốc Vinh cho rằng, báo chí phải tập trung gia tăng giá trị của mình, phải chứng minh được mình có lợi ích.

"Báo chí có nhiều nền tảng truyền thông, nền tảng chính là báo điện tử, và những nền tảng mạng xã hội là sự bổ sung và tạo ra những giá trị gia tăng cho báo chí, nếu chỉ đơn giản là chia sẻ nội dung đã có trên trang báo chính thống thì không thể cạnh tranh với các trang cá nhân khác. Số lượng truy cập vào báo chí sẽ ít dần. Nếu báo chí sử dụng mạng xã hội như một nội dung mở rộng hay tạo ra diễn đàn trao đổi thì kênh báo chí sẽ có giá trị hơn rất nhiều", ông Vinh cho biết.

Theo chuyên gia Lê Quốc Vinh, cách mà báo chí cạnh tranh với mạng xã hội không phải về tốc độ mà về sự xác thực, chuyên sâu. Tầm quan trọng của báo chí không thể phủ nhận thậm chí không thể thay thế. Những tờ báo nào chứng minh được giá trị với công chúng chắc chắn Facebook sẽ chia sẻ lợi ích. Cứ trả tiền mà không tạo ra giá trị, cuộc tranh cãi này sẽ kéo dài không có hồi kết. Báo chí phải chọn trọng tâm nổi bật để gia tăng giá trị, có thể nhắc đến The New York Times - tờ báo đang phất cờ với mục tiêu "đi vào sự thật".

Ông Vinh cho biết thêm, sự hiện diện của báo chí trên nền tảng mạng xã hội không tạo ra giá trị quảng cáo trực tiếp, mục đích chính của dự hiện diện đó là kéo lượt người dùng sang trang báo của mình (traffic). Trong khi đó, tương lai nguồn thu chính của báo chí không phải quảng cáo mà là nội dung bán cho bạn đọc - đó vẫn là câu chuyện về giá trị của báo chí.

Theo ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, rất nhiều cơ quan báo chí trên thế giới, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Facebook hay Google thì họ bắt tay với nhau. Ví dụ, như ở Thụy Sĩ có một liên minh gọi là Onelogo - trong đó rất nhiều cơ quan báo chí hợp sức với nhau và đã có 2 triệu người dùng.

Tại sao phải hợp sức với nhau? Bởi vì những nền tảng mạng xã hội họ sở hữu lượng người dùng rất lớn để bán quảng cáo. Còn đối với báo chí khi hợp sức sẽ đạt được con số có thể cạnh tranh - xây dựng mạng lưới bán quảng cáo của mình. Nỗ lực này đã diễn ra tại Canada và Pháp.

Ông Minh cho biết, do thị trường trong nước đã chật chội, nhiều cơ quan báo chí sẽ tìm cách mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Reach, tập đoàn báo chí lớn nhất Anh Quốc đang chuẩn bị mở các webside ở Mỹ cho Mirror và Express, tuyển dụng khoảng 100 nhân sự mới tại địa phương. Họ cũng sẽ ra mắt trang Irish Star nhắm vào người Mỹ gốc Ireland. Bước đi này tiếp theo thành công của trang US Sun, thuộc sở hữu của New UK, tăng gấp đôi lượng truy cập ở Mỹ trong năm qua, và Daily Mail với những văn phòng lớn tại New York và Los Angeles. Đây là một phần của xu hướng vươn ra thế giới mà các cơ quan báo chí khác đang triển khai, ví dụ như Le Monde (Pháp) cũng tìm cách thu hút các độc giả tiếng Anh nhằm tăng gấp đôi số độc giả trả phí vào năm 2025.

Phan Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tranh-cai-giua-cac-nen-tang-cong-nghe-va-bao-chi-su-dau-tranh-giua-quyen-loi-va-trach-nhiem-post251954.html