Tranh cãi giữa Mỹ và Nhật Bản về đánh bắt cá voi đe dọa thỏa thuận IPEF
Tranh cãi về việc đánh bắt cá voi giữa Mỹ và Nhật Bản đang đe dọa Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
Bất đồng về hoạt động đánh bắt cá voi có nguy cơ làm lu mờ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Mỹ để hội đàm với Tổng thống Joe Biden. Một số nhà quan sát cho rằng Tokyo nên sẵn sàng “từ bỏ” sáng kiến thương mại quan trọng IPEF để phản đối sức ép từ đồng minh của họ.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã yêu cầu Nhật Bản chấp nhận điều khoản chống săn bắt cá voi trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). IPEF là thỏa thuận thương mại giữa 14 quốc gia mà Mỹ giới thiệu ở Tokyo năm ngoái trong nỗ lực chống lại sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở châu Á.
Sức ép của Mỹ đã khơi mào sự giận giữ ở Tokyo. Một số quan chức tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ không tham gia IPEF nếu thỏa thuận này bao gồm bất kỳ nội dung nào liên quan đến cấm săn bắt cá voi.
“Tôi không biết tại sao Mỹ lại khăng khăng với điều khoản đó vào thời điểm này, khi hầu hết các vấn đề chính đã được thống nhất và việc đánh bắt cá voi thương mại đã được giải quyết khi Nhật Bản rút khỏi Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế năm 2019", Michael Cucek, Giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo cho biết.
Tokyo chưa đưa ra bình luận đối với các yêu cầu của Washington, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng chính quyền của ông Kishida sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ chối tham gia IPEF nếu Washington kiên quyết với điều khoản đánh bắt cá voi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh ba bên vào ngày 18/8.
Nhật Bản đang ra sức bảo vệ ngành công nghiệp đánh bắt cá voi, mặc dù việc tiêu thụ thịt cá voi đã giảm dần qua từng năm. Chỉ khoảng 1.000 tấn thịt được bán vào năm 2021, giảm so với mức cao nhất khoảng 233.000 tấn vào năm 1962.
Nhiều người không bao giờ mua thịt cá voi ở siêu thị hay đến nhà hàng. Tuy nhiên, họ lại cho rằng đó là nguồn tài nguyên dồi dào, nên được khai thác bền vững giống như cách các quốc gia khác nuôi bò hoặc gà.
Nhiều người Nhật coi săn bắt cá voi là một phần quan trọng trong văn hóa dân tộc và cho rằng các quốc gia không nên áp đặt ý muốn của mình lên một quốc gia có chủ quyền khác.
Nhật Bản dừng đánh bắt cá voi mang tính thương mại từ năm 1982 để phù hợp với quy định của Ủy ban Đánh bắt cá voi quốc tế. Tuy nhiên, kể từ năm 1987, Nhật Bản vẫn săn bắt cá voi ở vùng biển Nam cực với lý do “nghiên cứu khoa học” nhưng bị quốc tế chỉ trích là khai thác với mục đích thương mại.
Kể từ khi rút khỏi Ủy ban Đánh bắt Cá voi quốc tế, Nhật Bản đã không còn phái các hạm đội tới các vùng quanh Nam Cực. Thay vào đó, các hạm đội săn cá voi tập trung vào khai thác trên vùng biển của mình và một số khác, tiếp tục dưới danh nghĩa "nghiên cứu khoa học" đi tới các vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương để đánh bắt.
Năm nay, Tokyo đặt ra hạn ngạch khai thác 187 con cá voi Bryde, 136 con cá voi Minke và 24 con cá voi Sei.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên cho biết, trung bình mỗi năm một con cá voi hấp thụ 33 tấn khí CO2, trong khi một cây xanh chỉ hấp thụ được không quá 22 kg CO2 mỗi năm.
6 trong số 13 loài cá voi lớn đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phân loại là nguy cấp hoặc dễ bị tổn thương do những mối đe dọa này, bất chấp nhiều thập kỷ được bảo vệ trước nạn săn bắt cá voi thương mại.