Tranh cãi không hồi kết về quần tam giác của nữ VĐV

Những cuộc tranh luận về độ dài phù hợp của trang phục thi đấu dành cho các vận động viên điền kinh liên tục xuất hiện trên mạng xã hội, chưa có dấu hiệu 'hạ nhiệt'.

 Trang phục thi đấu của VĐV điền kinh Trung Quốc Xia Sining từng bị chỉ trích là phản cảm. Ảnh: CMGM.

Trang phục thi đấu của VĐV điền kinh Trung Quốc Xia Sining từng bị chỉ trích là phản cảm. Ảnh: CMGM.

Trong lần đầu tham dự môn điền kinh tại Olympic 1928, các vận động viên nữ mặc áo phông và short rộng. Tuy nhiên, trang phục thi đấu thoáng mát này dần biến mất.

Ngày nay, vận động viên chạy nước rút, chạy vượt rào mặc đồ bó sát và quần lót cạp cao. Trang phục này được cho là có khả năng giảm lực cản và gia tăng hiệu suất thi đấu cho người mặc.

Song, độ dài của những chiếc quần tam giác hay trang phục liền thân bó sát luôn là vấn đề gây tranh cãi, theo CNN.

 Trang phục thi đấu bị đánh giá là thiếu vải được Nike thiết kế cho đội tuyển điền kinh nữ Olympic Mỹ. Ảnh: Nike.

Trang phục thi đấu bị đánh giá là thiếu vải được Nike thiết kế cho đội tuyển điền kinh nữ Olympic Mỹ. Ảnh: Nike.

Trang phục thi đấu như bikini

Trang phục được Nike thiết kế cho đội tuyển điền kinh Mỹ tham dự Olympic Paris từng gây ra cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội.

Trong khi đồng phục của nam giới bao gồm áo ba lỗ và quần lửng, bộ đồ liền thân của vận động viên nữ lại có đường cắt tương đối cao, dễ tạo ra những tình huống hớ hênh, trở nên đặc biệt nguy hiểm trong lúc thi đấu.

Đây không phải lần đầu những cuộc tranh cãi về trang phục thi đấu của vận động viên nổ ra trên mạng xã hội.

Tại Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2021, đội thể dục dụng cụ nữ Đức gây chú ý khi từ chối mặc bộ đồ liền thân kiểu bikini, sử dụng trang phục thi đấu che phủ toàn bộ cơ thể. Theo Liên đoàn Thể dụng dụng cụ Đức, quyết định này của các vận động viên thể hiện thái độ phản đối gay gắt đối với vấn nạn tình dục hóa trong thể thao.

Theo World Athletics, các quy định về trang phục thi đấu của vận động viên điền kinh chưa chi tiết, rõ ràng. Họ chỉ cần tránh trang phục phản cảm, không sử dụng giày chạy có dấu hiệu gian lận.

Các vận động viên thậm chí có thể chạy chân trần như Abebe Bikila từng làm vào năm 1960.

 Bộ đồ thi đấu liền thân cắt cao của VĐV Florence Griffith Joyner được xem là biểu tượng trong lĩnh vực điền kinh. Ảnh: Olympics.

Bộ đồ thi đấu liền thân cắt cao của VĐV Florence Griffith Joyner được xem là biểu tượng trong lĩnh vực điền kinh. Ảnh: Olympics.

Đồng phục thi đấu của VĐV nữ ngày càng ngắn, bó sát

Tại sự kiện điền kinh đầu tiên ở Olympic 1896, các vận động viên nam mặc short dài cạp cao, kết hợp với áo ba lỗ và giày lười đế bằng.

Đây là trang phục thi đấu phổ biến trước khi ngành công nghiệp thời trang thể thao phát triển các dòng sản phẩm may mặc hiệu suất cao.

Từ các mùa Thế vận hội những năm 1960, trang phục thi đấu ngày càng bó sát. Đến thập niên 80, quần short và bikini trở nên đặc biệt phổ biến.

Ngày nay, đồ chạy bao gồm quần short bó, áo ba lỗ, crop top, set trang phục liền thân. Tất cả thiết kế này đều có chất liệu thoáng khí, thấm hút mồ hôi, ít cản trở người chạy,

“Nếu các vận động viên có vẻ ngoài tốt, họ sẽ tự tin hơn trong quá trình thi đấu”, Dobriana Gheneva, giáo sư tại Học viện Công nghệ Thời trang New York (Mỹ), chia sẻ.

Phong cách thời trang và bộ móng mang tính biểu tượng của “người phụ nữ chạy nhanh nhất thế giới” Florence Griffith Joyner tạo ra nguồn cảm hứng lớn cho nhiều vận động viên sau này.

“Chúng tôi làm đẹp, mặc quần áo ấn tượng, sẵn sàng với mọi thử thách. Hành động ăn diện này ảnh hưởng tích cực đến tinh thần và thể chất của các vận động viên”, Florence Griffith Joyner chia sẻ với Vogue.

Bộ đồ nổi tiếng của Florence Griffith Joyner là set trang phục liền thân bó sát màu đỏ - trắng, có chi tiết cắt cao. Những outfit này góp phần giúp cô đạt nhiều huy chương vàng vào năm 1988.

Tuy nhiên, các vận động viên điền kinh nữ hiện nay không còn yêu thích trang phục ngắn, hở hang nữa. Họ nhận thấy sự khác biệt lớn giữa đồng phục của nam và nữ giới, thừa nhận không thoải mái khi mặc một số bộ đồ như bikini.

Nhìn chung, vấn đề này nằm ở ranh giới, luôn có khả năng tạo ra những cuộc tranh luận trong lĩnh vực thể thao.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tranh-cai-khong-hoi-ket-ve-quan-tam-giac-cua-nu-vdv-post1490004.html