Tranh cãi mới sau vụ Italy không cho tàu cứu hộ cập cảng

Ngày 1-8, tàu cứu hộ Alan Kurdi của tổ chức phi chính phủ Đức Sea-Eye chở 40 người di cư đã bị chặn bên ngoài vùng hải phận Italy theo quyết định của Bộ trưởng Nội vụ nước này.

Những người di cư trên tàu Alan Kurdi được cứu ngày 31-7 ngoài khơi Libya, đều từ Tây Phi, trong đó có 1 phụ nữ mang thai và 3 trẻ nhỏ cùng một người đàn ông bị nhiều vết thương do súng bắn. Ngoài ra, Sea-Eye cho biết trên tàu cũng có 2 người di cư sống sót sau vụ đánh bom vào một trung tâm tạm giữ người di cư ở thủ đô Tripoli, Libya khiến hàng chục người thiệt mạng hồi tháng 7 vừa qua. Trong lần ra khơi gần nhất hồi đầu tháng 7, Alan Kurdi đã cứu 109 người di cư và đưa những người này tới Malta.

Nhân viên của tổ chức phi Chính phủ Đức Sea-Eye cứu người di cư đưa lên tàu Alan Kurdi trên vùng biển ngoài khơi Libya ngày 31-7-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên của tổ chức phi Chính phủ Đức Sea-Eye cứu người di cư đưa lên tàu Alan Kurdi trên vùng biển ngoài khơi Libya ngày 31-7-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini luôn giữ quan điểm cứng rắn phản đối người nhập cư, gọi việc cứu những người di cư như vậy là “hành động khiêu khích”. Ông Salvini cho rằng chiến dịch cứu hộ gần Tunisia hơn Lampedusa nên những người được cứu phải được đưa tới Tunisia. Tuy nhiên, các nhà vận động nhân quyền cho rằng Tunisia không nên được coi là điểm an toàn cho người di cư vì quốc gia này từng nhiều lần chặn người di cư ngoài khơi trước khi hồi hương mà không cho họ thời gian xin tị nạn.

Vụ chặn tàu cứu hộ mới xảy ra chưa đầy một ngày sau khi Italy cho phép tàu Gregoretti của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này chở hơn 100 người di cư cập cảng Sicily sau khoảng một tuần bị chặn ngoài khơi. Bộ trưởng Nội vụ Italy đã quyết định chặn con tàu này ngoài khơi Lampedusa cho tới khi đạt thỏa thuận với một nhà thờ Italy và 5 quốc gia châu Âu khác gồm Pháp, Đức, Ireland, Luxembourg và Bồ Đào Nha về việc tiếp nhận những người di cư trên tàu. Hôm 1-8, Bộ trưởng Salvini cho biết, Chính phủ Đức đã thông báo tới Ủy ban châu Âu (EC) rằng họ sẽ chỉ tiếp nhận 30 người di cư theo thỏa thuận kể trên nếu tàu Alan Kurdi được phép cập bến Italy. Ông Salvini gọi đây là động thái hăm dọa, cho thấy các quốc gia châu Âu khác coi Italy như “trại tị nạn”.

Theo số liệu Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) công bố hồi tháng 2 vừa qua, số người di cư bất hợp pháp vào EU đã giảm mạnh trong năm 2018. Tuy nhiên, hàng nghìn người muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và xung đột từ Trung Đông và châu Phi vẫn bất chấp nguy hiểm vượt biển để tới châu Âu. Làn sóng nhập cư đã làm gia tăng căng thẳng chính trị và thúc đẩy tư tưởng của các đảng phái cực hữu phản đối nhập cư trên khắp châu Âu.

Hiện ngoài tàu Alan Kurdi còn 2 tàu cứu hộ nữa được cho là sẽ tìm cách cập cảng Italy cùng với những người di cư được cứu. Hôm 1-8, tàu cứu hộ Proactive Open Arms đã cứu 52 người, trong đó có 16 phụ nữ và 2 trẻ em, tại một con thuyền lênh đênh trên tuyến đường biển từ Libya tới đảo Lampedusa của Italy. Trong khi đó, tàu Ocean Viking của Na Uy, do các tổ chức nhân đạo SOS Địa Trung Hải và Bác sĩ không biên giới vận hành, cũng đang chuẩn bị cho các chiến dịch cứu hộ ngoài khơi Libya. Vài ngày trước, tàu của tổ chức Sea-Watch (Đức) đã buộc phải cho người di cư cập bến Lampedusa khi những người này có dấu hiệu tự gây nguy hiểm cho chính mình và những người khác sau thời gian dài tàu bị chặn và lênh đênh ngoài khơi. Thuyền trưởng tàu này sau đó bị bắt và đã được trả tự do, nhưng con tàu đang bị cảnh sát tạm giữ điều tra vì cập cảng trái phép.

(Theo TTXVN)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/quoc-te/tranh-cai-moi-sau-vu-italy-khong-cho-tau-cuu-ho-cap-cang-29254.html