Tranh cãi nhân viên TP.HCM 'bật sếp', từ chối trả lời email vào thứ 7

Bài viết chỉ trích nhân viên từ chối nhận email ngoài giờ hành chính của nhà sáng lập công ty giáo dục ở TP.HCM gây tranh cãi trên MXH, khiến nhiều nhân sự bất bình.

Leo Phan, nhà sáng lập trung tâm giáo dục Bold Creative Training Lab (TP.HCM), gây chú ý khi đăng tải bài viết về vấn đề trả lời tin nhắn, email công việc vào buổi tối và cuối tuần. Bài đăng thu về hơn 1.000 lượt tương tác.

Trong bài đăng, anh đưa ra ví dụ về một nhân sự từ chối nhận email công việc vào ngày nghỉ theo quy định và có hành động "bật lại" anh, nói rằng "sếp không được email cho nhân viên vào thứ Bảy, vì thứ Bảy là ngày nghỉ của nhân viên".

Từ đó, anh trình bày quan điểm cá nhân rằng OT (viết tắt của “overtime”, tạm dịch: làm thêm giờ) thể hiện "tâm trong công việc", giúp nhân sự xây dựng hình ảnh uy tín, trách nhiệm và có cơ hội thăng tiến.

Bài viết này nhanh chóng tạo ra một cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Trong khi một số ủng hộ ý kiến của Leo Phan, nhiều người lại chỉ trích quan điểm này, cho rằng chủ nhân bài viết cổ xúy “văn hóa” OT, ảnh hưởng xấu đến cán cân cuộc sống - công việc của người lao động.

 Nhân sự trẻ ưu tiên cân bằng công việc và cuộc sống, không muốn nhận tin nhắn, email từ sếp, đồng nghiệp vào ngày nghỉ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhân sự trẻ ưu tiên cân bằng công việc và cuộc sống, không muốn nhận tin nhắn, email từ sếp, đồng nghiệp vào ngày nghỉ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhân sự trẻ đang ngày càng thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, đặc biệt là Gen Z (sinh năm 1997-2012), thế hệ mới nhất gia nhập lực lượng lao động toàn cầu.

Theo Nghiên cứu thường niên về Gen Z của Trung tâm động lực học thế hệ CGK (Mỹ), phần lớn nhân sự thuộc thế hệ này từ chối làm việc nhiều giờ dù vẫn muốn gia tăng thu nhập.

Xu thế này cũng được ghi nhận tại Trung Quốc. Theo CNN, nhân sự thuộc thế hệ Millennials và Gen Z xứ tỷ dân ngày càng thể hiện rõ thái độ phản đối hoạt động OT, ưu tiên cân bằng bằng cuộc sống cá nhân và công việc.

Đây là hệ quả tất yếu của “văn hóa 996” khét tiếng tại xứ tỷ dân - nơi nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày/tuần. Nhiều nhân sự trẻ chống đối văn hóa làm việc độc hại này, từ chối xử lý công việc ngoài giờ hành chính, quyết định từ chức, thậm chí tổ chức ăn mừng sau khi nghỉ việc.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, nhiều nhân sự tại Việt Nam cho rằng yêu cầu giải quyết công việc ngoài giờ hành chính là xâm phạm cuộc sống riêng tư, gây ra tình trạng áp lực, căng thẳng kéo dài. Song, một số quản lý đồng cảm với Leo Phan, dù cố tránh nhưng vẫn phải nhắn tin, gửi email công việc cho cấp dưới vào ngày nghỉ.

Nhân sự bất bình

Phía dưới bài viết gây tranh cãi của Leo Phan, Bảo Thy, nam nhân viên được anh lấy làm ví dụ, lên tiếng thông qua một bình luận. Nhân sự, hiện công tác ở TP.HCM, đưa quan điểm không muốn nhận email, tin nhắn công việc trên tinh thần thiện chí, mong muốn tìm hướng giải quyết.

Ngoài ra, Bảo Thy cũng khẳng định làm việc trong tâm thế trách nhiệm, tín nhiệm, đồng thời hoàn thành đầy đủ hạng mục được giao. Anh phủ nhận kết luận không có tâm trong công việc của sếp cũ.

Đồng tình với Bảo Thy, nhân sự ngành công nghệ Ngân Nga (26 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cảm thấy phiền toái, căng thẳng khi nhiều lần phải trả lời tin nhắn, email, cuộc gọi liên quan đến công việc trong ngày nghỉ.

 Ngân Nga dần thay đổi thói quen, từ chối giải quyết những đầu việc không gấp ngoài giờ hành chính.

Ngân Nga dần thay đổi thói quen, từ chối giải quyết những đầu việc không gấp ngoài giờ hành chính.

Trong thời gian đầu gia nhập thị trường lao động, Nga cho rằng những vấn đề phát sinh vào buổi tối, cuối tuần là tình huống khẩn cấp. Vì thế, cô bật thông báo điện thoại 24/7, không dám để chế độ máy bay khi đi ngủ, nhiều lần bị tin nhắn công việc đánh thức giữa đêm.

Tuy nhiên, sau 4 năm đi làm, Ngân Nga dần biết cách nói "không" với những hạng mục phát sinh ngoài giờ hành chính. Cô thiết lập giới hạn bằng cách đánh giá mức độ khẩn cấp của các đầu việc, để sau giải quyết nếu thấy không gấp.

“Tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản với những cụm từ ‘ngay’, ‘gấp’ trong nhóm chat công việc. Một số vấn đề hoàn toàn có thể xử lý sau”, Nga cho biết.

Khác với Ngân Nga, Đức Hùng (24 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) từ chối tin nhắn, email của sếp, đồng nghiệp từ khi mới bước chân vào thị trường lao động. Anh từng bị quản lý cũ khiển trách khi không phản hồi tin nhắn công việc vào lúc 22h.

Đỉnh điểm, Hùng nhận được 15 tin nhắn riêng và 3 cuộc gọi nhỡ trong kỳ nghỉ phép. Sau đó, một cuộc tranh luận căng thẳng diễn ra giữa anh và quản lý trực tiếp, dẫn đến quyết định nộp đơn xin nghỉ việc của Đức Hùng.

“Tôi vẫn nỗ lực giải quyết vấn đề phát sinh, nhưng không thể ‘ôm’ điện thoại trong suốt kỳ nghỉ lễ, cần thời gian sắp xếp lịch trình cá nhân, khó xử lý công việc trong 5-10 phút như yêu cầu của sếp”, Hùng nói.

Để tránh “đi vào vết xe đổ”, nhân viên kinh doanh 25 tuổi này chỉ nộp đơn ứng tuyển vào các công ty gói gọn thời gian làm việc trong giờ hành chính. Anh thẳng thắn hỏi về chính sách OT và văn hóa doanh nghiệp trong buổi phỏng vấn.

 Yêu cầu xử lý công việc vào buổi tối, cuối tuần của lãnh đạo, công ty là một trong những lý do dẫn đến quyết định nghỉ việc của nhân sự. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Yêu cầu xử lý công việc vào buổi tối, cuối tuần của lãnh đạo, công ty là một trong những lý do dẫn đến quyết định nghỉ việc của nhân sự. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Thế khó của quản lý

Đông Phong (33 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội), trưởng nhóm digital marketing của một công ty bất động sản, thừa nhận khó tránh nhắn tin, gọi điện cho nhân viên ngoài giờ hành chính.

Quản lý cấp trung này thường xuyên ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, phải đứng giữa lãnh đạo cấp cao và nhân sự dưới quyền. Khi cấp trên phản hồi công việc trong ngày nghỉ, yêu cầu xử lý gấp, Phong buộc phải giao việc cho nhân viên.

Ngoài lãnh đạo, Đông Phong cũng là người đại diện đội nhóm trao đổi với khách hàng và đối tác. Khi khách cần sản phẩm ngoài giờ hành chính, quản lý này đành phân phối công việc cho cấp dưới, ưu tiên giữ mối quan hệ đối tác của công ty.

“Khi điều phối công việc cho nhân viên, trao đổi với cấp trên, khách hàng, tôi cũng đang OT. Cấp dưới có thể phàn nàn với quản lý, nhưng tôi không thể than thở với ai”, Đông Phong chia sẻ.

 Quản lý cấp trung ở thế khó, buộc phải giao việc cho nhân sự trong ngày nghỉ khi cần thiết. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Quản lý cấp trung ở thế khó, buộc phải giao việc cho nhân sự trong ngày nghỉ khi cần thiết. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Đồng cảnh với Đông Phong, trưởng phòng chăm sóc khách hàng Minh Phương (35 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng thường xuyên phải liên lạc với nhân viên trong thời gian nghỉ ngơi.

Ở vị trí nhân viên trước đây, Phương không từ chối email, tin nhắn công việc, cảm thấy lo lắng, bất an khi các hạng mục chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, quản lý này khẳng định không áp đặt quan điểm, phong cách làm việc của bản thân lên cấp dưới, hiểu rằng mỗi nhân sự có một mục đích sự nghiệp riêng.

Do đó, khi liên hệ cấp dưới giải quyết công việc ngoài giờ hành chính, Minh Phương luôn xin lỗi vì làm phiền nhân viên trước, rồi mới giao nhiệm vụ, áp dụng quan điểm “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cô cũng thẳng thắn trình bày thế khó của bản thân, mong cấp dưới thông cảm.

“Đôi khi, các bạn phải xử lý các đầu việc trong ngày nghỉ mà không được tính lương OT, nhận phụ cấp. Khi đó, sự hỗ trợ của các bạn không phải điều tất yếu, cần được trân trọng và ghi nhận”, Phương nói.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tranh-cai-nhan-vien-tphcm-bat-sep-tu-choi-tra-loi-email-vao-thu-7-post1489272.html