Tranh cãi quanh các hầm chứa tên lửa hạt nhân của Trung Quốc
Các nhà khoa Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng tổng cộng hàng trăm hầm phóng tên lửa hạt nhân (silo), nhưng giới truyền thông Trung Quốc nói rằng, đó chỉ là 'những trụ điện gió'.
BBC ngày 29-7 dẫn báo cáo từ Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho biết, các hình ảnh vệ tinh từ tỉnh Tân Cương, Trung Quốc cho thấy họ đang xây dựng chuỗi hầm chứa tên lửa hạt nhân. Theo ghi nhận, đây là chuỗi hầm silo mới thứ hai đang được xây dựng ở miền Tây Trung Quốc trong 2 tháng qua.
FAS cho biết chuỗi hầm tên lửa này nằm gần thành phố Hán Lâm, tỉnh Tân Cương. Các hầm này nằm cách căn cứ quân sự tại thành phố Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc khoảng 380km. Đây là địa điểm một nhóm nhà khoa học khác vào đầu tháng 7 phát hiện 120 silo đang được xây dựng. Theo FAS, như vậy có khả năng Trung Quốc đang sở hữu 250 silo tại Ngọc Môn và Hán Lâm. Đây là lượng tăng đáng kể khi Trung Quốc trong nhiều thập niên qua chỉ vận hành 20 hầm chứa dành cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-5.
Tuy nhiên, FAS nhấn mạnh vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc sẽ vận hành những hầm chứa mới như thế nào. Liệu chúng sẽ được lấp đầy tên lửa hay chỉ đóng vai trò "chim mồi". Họ cũng chưa thể xác định được mỗi tên lửa có thể mang theo bao nhiêu đầu đạn hạt nhân. Tờ Global Times của Trung Quốc cũng phản bác thông tin này, nói rằng, các công trình mà Mỹ gọi là hầm chứa tên lửa thực chất là móng của nhà máy năng lượng gió.
Theo Global Times, truyền thông Mỹ và các viện nghiên cứu liên quan liên tục "thổi phồng" về các silo mới được phát hiện tại Trung Quốc, mục đích cơ bản là để gây áp lực dư luận và tin rằng điều này có thể khiến Bắc Kinh thay đổi hành vi. "Một số lực lượng tại Mỹ cũng muốn hiện đại hóa hơn nữa kho vũ khí hạt nhân của họ. Sự thổi phồng của truyền thông và các viện nghiên cứu sẽ giúp tạo ra lý do để Mỹ làm vậy", tờ báo này viết. Tờ báo này còn cảnh báo Trung Quốc sẽ tăng cường năng lực hạt nhân đến một mức độ mà chính phủ và quân đội Mỹ "phải lo sợ", từ bỏ ý định sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Trung Quốc.
Tiềm lực kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh vẫn còn là điều bí ẩn trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm 2020 cảnh báo Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi số vũ khí hạt nhân trong 10 năm nữa. Một nhóm 3 thượng nghị sĩ Cộng hòa dự báo Bắc Kinh sẽ sở hữu 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2029. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng, cho dù Trung Quốc có chạy đua thế nào, cũng khó có thể so kịp với kho vũ khí hạt nhân của "hai ông lớn" Nga và Mỹ.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Nga chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí. Các cuộc hội đàm, giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, đang được coi là bước đầu tiên nhằm khôi phục các cuộc đàm phán về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân bị đình trệ. Washington đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh tham gia vào hiệp ước kiểm soát vũ khí mới có Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối và nhấn mạnh sẽ tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí nếu Mỹ sẵn sàng giảm kho vũ khí hạt nhân chỉ còn số lượng tương đương của Trung Quốc.