Tranh cãi quanh luật cấm dắt chó ra đường ở Trung Quốc

Tại huyện Uy Tín ở Tây Nam Trung Quốc, ai dắt chó ra đường có thể phải nộp phạt, thậm chí là khiến con vật chịu 'án tử hình'.

Lệnh cấm mới về việc dắt chó ra đường tại huyện Uy Tín đã làm dấy lên làn sóng tranh luận gay gắt. Ảnh: Getty

Lệnh cấm mới về việc dắt chó ra đường tại huyện Uy Tín đã làm dấy lên làn sóng tranh luận gay gắt. Ảnh: Getty

Tờ New York Times đưa tin sau khi tiếp nhận nhiều phản ánh về tình trạng trẻ em bị chó cắn, giới chức huyện Uy Tín (Weixin) ở thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, đã quyết định siết chặt luật lệ liên quan đến loài vật nuôi trên. Theo điều 46 của Bộ Luật Quản lý Đô thị Thành phố Chiêu Thông, chính quyền huyện Uy Tín cho biết họ sẽ cấm dắt chó ra đường và đặt ra khung xử phạt nghiêm khắc gồm ba mức.

Đối với chủ nuôi chó, lần đầu tiên là cảnh báo. Nếu tái phạm lần thứ hai, họ sẽ bị xử phạt từ 50 – 200 Nhân dân tệ (khoảng 170.000 – 700.000 đồng). Nếu tiếp tục dắt chó ra đường lần thứ ba, người chủ sẽ bị bắt giữ còn con vật sẽ bị giết chết.

Theo thông báo chung do một số cơ quan hành chính thuộc huyện Uy Tín đưa ra tuần trước, hình thức xử phạt này là một phần trong nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm "chấn chỉnh việc nuôi chó thiếu văn minh ở các khu vực đô thị”. “Người dân phải xích chó hoặc nhốt trong chuồng. Việc nuôi chó không được ảnh hưởng đến trật tự xã hội hay ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người khác”, thông báo viết.

Sau khi thông báo này được lan truyền trên được mạng xã hội Trung Quốc, nó đã kéo theo làn sóng tranh luận gay gắt trên cả nước. Những người yêu động vật gọi luật mới của chính quyền huyện Uy Tín là tàn nhẫn và cực đoan.

“Tại sao chúng phải chết? Chúng đã làm gì sai trái chứ”, tài khoản Weibo có tên Xuanji Yuheng Abilene viết. Cô cho biết mặc dù ủng hộ xử phạt nghiêm hơn đối với người nuôi chó vô trách nhiệm song cô phản đối quyết định cấm dắt chó nơi công cộng.

Một số cư dân mạng nhận xét các quy tắc cụ thể về việc dắt chó đi dạo - chẳng hạn như xích và rọ mõm - sẽ phù hợp và hiệu quả hơn nhiều. “Đó là một cách xử lý lười biếng và bất khoa học”, một người dùng Weibo khẳng định. Một số khác lại lên tiếng ủng hộ luật lệ trên. Họ cho rằng xã hội ngày nay thường đặt quyền động vật lên trên quyền con người.

Tại quốc gia này có khoảng 5,5 triệu con chó nuôi, theo số liệu Sách Trắng 2019 của Lĩnh vực vật nuôi Trung Quốc. Những người ủng hộ quyền động vật cho biết tình trạng sợ hãi và ghét chó có thể trở nên trầm trọng hơn khi một số chủ nhân không xích hay rọ mõm cho vật nuôi. Hàng năm ở Trung Quốc có vài trăm ca tử vong do bệnh dại sau khi bị chó cắn.

Những năm gần đây, do đời sống người dân đi lên, việc nuôi chó cưng trở nên bùng nổ. Chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều điều luật về nuôi chó. Một số thành phố lớn quy định về kích thước, giống chó cũng như khoảng thời gian người dân được phép dắt chó ra đường. Tại Bắc Kinh, chó cao lớn hơn 40 cm bị cấm nuôi.

Uy Tín không phải huyện duy nhất tại Trung Quốc cấm dắt chó hoặc ra luật về nuôi chó. Năm 2018, Hàng Châu, thành phố lớn tại miền Đông Trung Quốc, ban luật cấm dắt chó đi dạo vào ban ngày. Những giống chó to lớn chẳng hạn như Rottweilers và chó chăn cừu Đức bị cấm tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

Lệnh cấm mới của huyện Uy Tín dự kiến có hiệu lực từ ngày 20/11 song sau khi bị phản đối dữ dội trên mạng xã hội, giới chức địa phương cho biết có thể xem xét lại. Trước đó, năm 2018, người dân Uy Tín bị cấm dắt chó ra đường trong khoảng thời gian từ 7h – 22h. Năm đó, tờ Nhật báo Nhân dân từng viết về sự việc như sau: “Một số người lo ngại tiếng chó sủa vào sáng sớm hay đêm muộn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Người ủng hộ tin rằng biện pháp này có thể giúp đường phố an toàn và sạch sẽ hơn”.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tranh-cai-quanh-luat-cam-dat-cho-ra-duong-o-trung-quoc-20201120152316916.htm