Tranh cãi quyền hành nghề luật nhìn từ một cuộc họp
Bộ KH&ĐT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng 'phe mở rộng', trong khi Bộ Tư pháp vẫn giữ quan điểm phải tuân thủ Luật Luật sư.
Trường hợp cụ thể dẫn tới tranh cãi giữa Bộ KH&ĐT và Bộ Tư pháp mà Pháp Luật TP.HCM đưa tin là về nghề “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật”. Tuy nhiên, sự việc đã được mở rộng ra tới nhóm nghề hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý. Đây là những ngành nghề mà từ khi Luật Luật sư (LS) 2006 có hiệu lực đến nay, chỉ các công ty luật, văn phòng LS được đăng ký kinh doanh, dịch vụ.
Một cuộc họp đã được Bộ KH&ĐT tổ chức gần đây với sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng mổ xẻ vấn đề này.
Nên mở rộng cho doanh nghiệp cung ứng?
Tại cuộc họp này, VCCI đưa ra lập luận: Luật LS không quy định chỉ tổ chức hành nghề LS mới được thực hiện ba hoạt động dịch vụ này. Họ cho rằng kinh nghiệm các nước thì trừ hoạt động tham gia tố tụng phải là LS mới được thực hiện, còn tư vấn pháp luật nói chung thì không hạn chế đối tượng. Chỉ cần khi cung cấp dịch vụ xưng danh rõ LS hay không LS cho khách hàng nhận biết. Do đó Nhà nước không nên tiếp tục hạn chế như mười mấy năm qua.
Đồng tình với ý kiến của VCCI, Bộ KH&ĐT cho rằng về lâu dài cần sửa Luật LS theo hướng quy định rõ hơn những hoạt động nào chỉ LS mới được thực hiện. Còn lại các dịch vụ khác liên quan đến luật thì mở rộng cho doanh nghiệp cung ứng.
Trước mắt, theo cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh nên áp dụng song song: Trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh lĩnh vực đại diện, tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý dưới hình thức hành nghề LS thì thực hiện đăng ký lập doanh nghiệp tại Sở Tư pháp theo Luật LS. Còn nếu đăng ký các ngành nghề trên không theo hình thức hành nghề LS thì đăng ký doanh nghiệp tại Sở KH&ĐT theo Luật Doanh nghiệp.
Phải được đào tạo, có chứng chỉ hành nghề?
Tham dự cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp không đồng tình với các ý kiến trên. Bộ Tư pháp cho rằng việc quản lý đăng ký ngành nghề tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, dịch vụ pháp lý cần tiếp tục thực hiện nhất quán theo Luật LS và Nghị quyết 65 của Quốc hội, tức là vẫn dưới sự quản lý của ngành tư pháp. Bởi Quốc hội khi ban hành luật đã nhấn mạnh với những dịch vụ này, người cung ứng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chuyên môn, học vấn, đào tạo nghề, chứng chỉ hành nghề và dưới sự quản lý của tổ chức nghề nghiệp là Liên đoàn LS và các đoàn LS. Có như vậy mới cơ bản đáp ứng sàn yêu cầu nghề nghiệp, vốn liên quan trực tiếp tới quyền lợi pháp lý của khách hàng.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về nghề luật cho rằng nếu mở ra như đề nghị của VCCI cùng Bộ KH&ĐT thì sẽ dẫn đến cạnh tranh bất bình đẳng trong cung ứng dịch vụ pháp lý giữa giới LS đã nhiều năm đầu tư cho tính chuyên nghiệp với lực lượng bên ngoài không được đào tạo bài bản. Đó không chỉ là bất bình đẳng giữa những người cung cấp dịch vụ với nhau mà còn gây hại cho người dân, doanh nghiệp vốn luôn kỳ vọng nhận được dịch vụ có bảo đảm…
Bên quản đăng ký, bên quản điều kiện?
Đáng chú ý, từ tranh cãi liên quan tới ngành kinh doanh có điều kiện do Bộ Tư pháp quản lý, cả đại diện Bộ KH&ĐT cùng VCCI đề nghị tách bạch hơn nữa việc đăng ký doanh với cấp phép đáp ứng điều kiện kinh doanh.
Theo đó, Bộ KH&ĐT thống nhất quản lý công tác đăng ký, còn các bộ quản lý ngành chỉ quản phần cấp phép về điều kiện kinh doanh. Theo cách này thì các tổ chức hành nghề LS, công ty luật sẽ đăng ký hoạt động tại Sở KH&ĐT chứ không phải Sở Tư pháp như hiện tại…
Chỉ khác ở chỗ luật sư được bào chữa
Theo Quyết định 27/2018 của Thủ tướng ban hành hệ thống ngành kinh tế thì mã ngành 6910 và 6619 tuy khác nhau về tư cách chủ thể nhưng hoạt động gần như giống nhau và chỉ khác là LS thì được bào chữa vụ án hình sự và bảo vệ cho thân chủ tại tòa.
Mã 6910 không cần phải học đại học chuyên ngành, chỉ cần có năng lực hành vi dân sự, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền đăng ký kinh doanh hoạt động đại diện và tư vấn pháp luật (kể cả trong hình sự). Hướng dẫn về mã ngành 6910 theo Quyết định 27/2018 còn bao trùm cả lĩnh vực tố tụng mà chỉ có Luật LS mới đủ điều kiện được phép hoạt động.
Tuy nhiên, dịch vụ pháp lý theo Luật LS (mã ngành 6619) lại phải trải qua quá trình ít nhất tám năm học và tập sự, nộp nhiều loại phí mới được hành nghề pháp lý. Ngành nghề tư vấn pháp luật được Sở KH&ĐT cấp đăng ký kinh doanh, còn ngành nghề tư vấn pháp lý thì Sở Tư pháp cấp đăng ký hoạt động cho người hành nghề LS. Giấy phép của tổ chức hành nghề LS là giấy phép hoạt động do Sở Tư pháp cấp, chứ không phải giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT cấp.
Về việc này, Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương không cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp và chờ hai bộ thống nhất. Tuy nhiên, hai bộ KH&ĐT và Tư pháp vẫn chưa thống nhất trình Chính phủ sửa đổi Quyết định 27/2018 của Thủ tướng.
Luật sư NGUYỄN VĂN QUYNH
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/tranh-cai-quyen-hanh-nghe-luat-nhin-tu-mot-cuoc-hop-840866.html