Tranh cãi 'sạn' văn hóa trong MV mới của Black Pink và Kpop

Việc trong MV mới của Black Pink xuất hiện nhiều chi tiết gây tranh cãi liên quan đến tôn giáo khiến các nhà sản xuất phải cẩn trọng hơn trong khâu kiểm duyệt sản phẩm.

Ngày 26/6, Black Pink chính thức trở lại đường đua Kpop sau hơn một năm vắng bóng trên thị trường âm nhạc với ca khúc How You Like That. MV này nhanh chóng gặt hái được nhiều thành tích vang dội như cán mốc hơn 160 triệu lượt xem sau 4 ngày, là nhóm nhạc nữ Hàn Quốc lập kỷ lục xem nhiều nhất sau 24 giờ...

Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày ra mắt, How You Like That đã vướng phải không ít chỉ trích khi người hâm mộ Ấn Độ phát hiện một bức tượng của vị thần Hindu - Ganesha được đặt trên sàn nhà, trong cảnh quay nữ ca sĩ Lisa ngồi hát trên ngai vàng.

Vị thần này là con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati. Trong Ấn Độ giáo, Ganesha tượng trưng cho sự khôn lanh, hạnh phúc và có nhân dạng đầu voi mình người. Với người dân nước này, đây là một vị thần rất đáng kính và là bảo trợ cho nghệ thuật, khoa học.

 MV How You Like That của Black Pink vừa ra mắt đã vướng phải chỉ trích.

MV How You Like That của Black Pink vừa ra mắt đã vướng phải chỉ trích.

Sức ảnh hưởng từ cộng đồng người hâm mộ

Chi tiết gây tranh cãi trong MV của Black Pink được cho là hành động thiếu tôn trọng và phỉ báng thần thánh khi đặt tượng một vị thần dưới mặt đất thay vì ở nơi cao. Người Ấn Độ tin rằng thần linh phải luôn được đặt ở bề mặt cao, đặc biệt không được để giày dép gần những bức tượng, đền thờ.

Bên cạnh đó, người hâm mộ Ấn Độ cũng đưa ra một dẫn chứng khác là tượng thần Ganesha bị sử dụng làm chỗ dựa trong cảnh quay của Lisa. Với tất cả những chi tiết trên, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc đã bị cáo buộc ăn cắp văn hóa Ấn Độ giáo, sử dụng vật thể tôn giáo làm chỗ dựa và làm ô uế khi đặt dưới đất.

 Chi tiết gây tranh cãi trong MV mới của Black Pink.

Chi tiết gây tranh cãi trong MV mới của Black Pink.

Ngay lập tức, những người hâm mộ Ấn Độ đã đăng tải hàng loạt bài viết yêu cầu YG Entertainment phải gỡ bỏ cảnh quay trên kèm theo hashtag #Ganesha và #YGapologise. Sự việc nhanh chóng trở thành tâm điểm trên các diễn đàn khắp châu Á.

“Tôi không ghét các nghệ sĩ nhưng tôn giáo và các vị thần của đất nước chúng tôi không phải là một món đồ chơi hoặc chỗ dựa hay một thứ đồ thẩm mỹ cho các video nhạc pop”, người dùng Iam_drish (đến từ Delhi) viết trên Twitter. Người này còn nói thêm rằng đó không phải là lần đầu tiên văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á bị Kpop lạm dụng.

Khi làn sóng chỉ trích ngày một tăng cao, công ty chủ quản của Black Pink - YG Entertainment - đã sửa chữa lại chi tiết bức tượng thần Ganesha bị đặt dưới sàn nhà. Tuy phân cảnh được thay đổi nhưng MV này không hề bị gỡ xuống và vẫn giữ nguyên các chỉ số, lượt xem.

 Black Pink thoát "mác" là bản sao của đàn chị khi lập nhiều kỷ lục mới.

Black Pink thoát "mác" là bản sao của đàn chị khi lập nhiều kỷ lục mới.

Ngày 8/7, ban quản lý của Black Pink thừa nhận họ đã xóa bỏ vị trí có tượng thần và nói rằng đây là một lỗi vô ý.

Động thái của YG Entertainment là minh chứng cho sức ảnh hưởng của người hâm mộ Kpop - những người giữ lửa cho thần tượng - đối với việc đánh giá sản phẩm âm nhạc và sử dụng Internet để truyền bá thông điệp, tiếp cận nghệ sĩ.

Lỗi sai văn hóa lặp đi lặp lại

Theo The New York Times, Kpop là nơi "xuất khẩu" văn hóa lớn nhất nhì của Hàn Quốc. Ngành công nghiệp này đã mang đến cho xứ sở kim chi hơn 5 tỷ USD vào năm 2018, phần lớn doanh thu là từ Kpop, theo một sách trắng được xuất bản vào tháng 3/2020 bởi Cơ quan sáng tạo nội dung Hàn Quốc.

Dựa vào báo cáo của cơ quan này, công ty YG Entertainment - đơn vị quản lý của Black Pink - đã kiếm được hơn 220 triệu USD trong năm 2019.

 Kpop ngày càng phát triển và có sức ảnh hưởng đến thị trường âm nhạc châu Á.

Kpop ngày càng phát triển và có sức ảnh hưởng đến thị trường âm nhạc châu Á.

Sự hậu thuẫn từ người hâm mộ được xem là chìa khóa cho sự thành công của Kpop.

Họ đã giúp thúc đẩy những nhóm nhạc như Black Pink trở thành ngôi sao bằng cách phối hợp các hình thức truyền thông khác nhau trên mạng xã hội để khiến sản phẩm âm nhạc của thần tượng dẫn đầu bảng xếp hạng.

Thậm chí, nhiều fandom (cộng đồng người hâm mộ) lớn mạnh còn góp tiền để mua quảng cáo trên tàu điện ngầm, trạm xe buýt hoặc những địa điểm nổi tiếng.

Tuy nhiên, cộng đồng người hâm mộ Kpop cũng là một "đội quân" am hiểu về Internet và có số lượng phủ sóng toàn cầu. Họ đến từ các chủng tộc, tầng lớp xã hội và lứa tuổi khác nhau.

Không chỉ giúp thần tượng của mình phát triển lớn mạnh mà họ cũng trở nên nhận thức hơn với các vấn đề chính trị. Chẳng hạn, vào tháng 6/2020, cộng đồng người hâm mộ Kpop tại Mỹ đã lập kế hoạch để phá hoại cuộc mít tinh của Tổng thống Donald Trump ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma bằng cách đăng ký hàng nghìn vé tham dự mà không xuất hiện.

 Trên đường đua Kpop, các nhóm nhạc phải liên tục sản xuất ý tưởng mới để tăng khả năng cạnh tranh.

Trên đường đua Kpop, các nhóm nhạc phải liên tục sản xuất ý tưởng mới để tăng khả năng cạnh tranh.

Trong cuộc đua khốc liệt trên bảng xếp hạng, nhiều nhóm nhạc cũng đang tìm cách vượt qua các ranh giới văn hóa để cho “ra lò” những ý tưởng mới mẻ, khác biệt.

Thế nhưng, việc lồng ghép các yếu tố văn hóa vào MV âm nhạc đôi khi cũng vấp phải “lằn ranh đỏ” (red line) nếu không cẩn thận và được kiểm duyệt kỹ càng.

Ngoài Black Pink, trước đây Kpop cũng ghi nhận nhiều trường hợp vấp phải chỉ trích vì lý do văn hóa, tôn giáo.

Chẳng hạn như vào năm 2016, một bài đăng của thành viên nhóm Big Bang Tae Yang bị nghi phân biệt chủng tộc với Kanye West vì sử dụng ứng dụng ghép mặt mình với nam rapper da màu và gửi lời “Chúc mừng năm con khỉ” trong sự phấn khích. Ngay sau đó, Tae Yang đã đưa ra lời đính chính và xin lỗi trước khi cuộc tranh luận đi quá xa.

 Nam ca sĩ Taeyang từng dính nghi vấn phân biệt chủng tộc. Ảnh: Youzab.

Nam ca sĩ Taeyang từng dính nghi vấn phân biệt chủng tộc. Ảnh: Youzab.

Tương tự Tae Yang, 3 năm trước, nhóm nhạc nữ Mamamoo cũng dính “phốt” phân biệt chủng tộc khi mô phỏng lại ca khúc Uptown Funk với lớp hóa trang da đen giống các nghệ sĩ trong MV gốc.

Đầu tháng 3/2017, RBW Entertainment và Mamamoo phải chính thức lên tiếng xin lỗi về đoạn video gây tranh cãi và cho biết clip parody này sẽ không được sử dụng cho các concert tiếp theo của nhóm.

“Một số người sẽ cảm thấy bình thường khi văn hóa của chúng ta được trình diễn. Nhưng đây không phải là tình huống như vậy khi nó trở nên thiếu tôn trọng và kệch cỡm”, Vedansh Varshney (21 tuổi), sinh viên đại học đến từ Delhi, nói về việc kết hợp đa văn hóa trong MV Kpop.

Theo The New York Times, lời xin lỗi sau sự việc cùng với những lý do về sự vô ý và thiếu kiến thức về mặt văn hóa được xem là hành động muộn màng khi đã có nhiều cá nhân, nhóm nhạc mắc lỗi tương tự trước đó.

Shim Doobo, giáo sư ngành truyền thông đa phương tiện tại Đại học Sungshin Women (Seoul), cho biết: "Kpop đã phát triển nhanh hơn nhiều so với ngành công nghiệp âm nhạc hiện tại, đã đến lúc phải chỉ ra các vấn đề và phản ánh hành vi không chuẩn mực”.

 Đoạn clip parody bài hát Uptown Funk gây tranh cãi của Mamamoo. Ảnh: Asian Junkie.

Đoạn clip parody bài hát Uptown Funk gây tranh cãi của Mamamoo. Ảnh: Asian Junkie.

Các nhóm nhạc thường được quản lý chặt chẽ bởi công ty chủ quản và hầu như mọi vấn đề trong cuộc sống của họ, từ ngoại hình đến các mối quan hệ tình cảm đều bị ràng buộc. Do đó, không có sự chắc chắn nào về việc các nghệ sĩ được tự do theo đuổi con đường âm nhạc một cách độc lập.

Thế nhưng, dù các cuộc tranh cãi luôn nổ ra và không biết khi nào có hồi kết, nhiều người hâm mộ quốc tế vẫn trung thành với thần tượng của họ.

Varshney nói rằng thể loại này đã truyền cảm hứng cho anh trong việc chống lại tư tưởng đại trượng phu và sự rập khuôn hình ảnh của nam giới. Anh bắt đầu học tiếng Hàn từ ba năm trước để hiểu lời bài hát và có thể hòa mình vào vũ đạo Kpop cùng với nhạc Bollywood.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-cai-san-van-hoa-trong-mv-moi-cua-black-pink-va-kpop-post1106072.html