Tranh cãi sau chiến thắng của một cô gái Trung Quốc ở cuộc thi sửa ôtô

Sự việc một nữ sinh ở Thâm Quyến đánh bại các bạn nam khác với kỹ năng sửa chữa xe của mình gây ra màn tranh luận sôi nổi trên mạng về lằn ranh giới tính tại nơi làm việc.

Gu Huijing, nữ học sinh 17 tuổi tại trường Kỹ thuật dạy nghề số 2 Thâm Quyến, đam mê về cơ khí ôtô. Khả năng của Gu vượt trội hơn các nam sinh khác, giúp cô giành giải Nhất cuộc thi sửa chữa xe hơi năm nay của tỉnh Quảng Đông, theo South China Morning Post.

Cô cũng là thí sinh nữ đầu tiên tham dự và giành chiến thắng, tờ Southern Metropolis Daily cho biết.

Kỷ lúc 26 phút 30 giây ở mục tháo và lắp động cơ của cuộc thi cũng bị Gu phá vỡ, khi cô chỉ mất đúng 26 phút.

 Nữ sinh 17 tuổi vượt qua các bạn nam trên toàn tỉnh Quảng Đông để thắng cuộc thi sửa chữa ô tô cấp tỉnh.

Nữ sinh 17 tuổi vượt qua các bạn nam trên toàn tỉnh Quảng Đông để thắng cuộc thi sửa chữa ô tô cấp tỉnh.

Hình ảnh và câu chuyện của nữ sinh sau đó nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người ca ngợi cô vì đã phá bỏ định kiến giới tính.

Giỏi hơn các bạn nam

“Nhiều người nghĩ rằng sửa chữa ôtô là nghề của đàn ông và không hợp với phụ nữ. Đó là một suy nghĩ rập khuôn. Phụ nữ thực sự có lợi thế riêng của họ trong vấn đề này. Ví dụ như họ tập trung hơn vào chi tiết. Tôi nghĩ không có lằn ranh giới tính tại nơi làm việc", cô nói.

Từ nhỏ, Gu đã yêu thích xe cộ, thích ngửi mùi xăng và tiếng động cơ chạy. Sở thích của con gái không được gia đình ủng hộ. Dù vậy, họ vẫn cho cô đăng ký học tại trường dạy nghề sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 2019.

"Bố mẹ tôi nghĩ sửa xe không dành cho con gái. Họ muốn tôi học nghề gì đó bớt chân tay, kỹ thuật hơn và có môi trường làm việc thoải mái".

Tốt nghiệp cấp 2, Gu đăng ký vào học trường nghề. Cô nói mình thích sửa chữa, lắp ráp ôtô từ bé.

Tốt nghiệp cấp 2, Gu đăng ký vào học trường nghề. Cô nói mình thích sửa chữa, lắp ráp ôtô từ bé.

Mặc dù có chút khó chịu ban đầu với bụi bẩn và dầu mỡ bám đầy trên người, Gu nói đam mê với cơ khí đã giúp cô quên đi cảm giác bất tiện.

Bốn tháng trước cuộc thi, nữ sinh thức dậy đều đặn vào 6 giờ sáng mỗi ngày và làm việc đến tận khuya, nỗ lực học cách ghi nhớ sơ đồ mạch điện và tập thể dục tăng cường thể lực.

Theo Gu, công việc của cô đòi hỏi nhiều thế lực. Để bắt kịp với các bạn học khác, cô tập luyện với cường độ cao, từng đăng ký tham gia trại huấn luyện nhằm tăng sức bền.

"Tôi tin chắc rằng các cô gái có thể làm tốt ở những nghề được cho là nam giới thống trị. Mặt khác, học nghề là cách hướng nghiệp đáng lưu ý bởi nó giúp học sinh tìm thấy những gì phù hợp với tương lai của họ".

Nữ sinh cho biết bản thân cô vẫn có nhiều thói quen nữ tính như lên đồ chụp ảnh, trang điểm, đi shopping, đọc sách. Cô nàng từng giành giải nhì cuộc thi nhiếp ảnh nghiệp dư của tỉnh Quảng Đông hồi năm ngoái.

"Hình ảnh tôi dịu dàng, mặc sườn xám vẫn tồn tại song song với cảnh tôi cầm bộ đồ nghề, vác lốp xe, cầm cờ lê siết chặt ốc vít", Gu bày tỏ.

Cộng đồng mạng khen ngợi

Chủ đề về cô gái sinh năm 2004 giành giải Nhất trong cuộc thi sửa chữa ôtô cấp tỉnh gây chú ý trên Weibo và có hơn 200 triệu lượt đọc cùng hơn 22.000 bình luận tính đến ngày 2/7. Nhiều bình luận ủng hộ Gu và kêu gọi xóa bỏ định kiến giới.

“Đối với những vấn đề không đòi hỏi cơ bắp để giải quyết, đàn ông và phụ nữ bắt đầu cùng một vạch xuất phát. Sự khác biệt chỉ nằm ở việc người ta có sẵn sàng bỏ ra nhiều công sức hơn hay không”, một người dùng bình luận.

Gu khẳng định mình vẫn có những sở thích con gái như chụp ảnh, làm đẹp, đi shopping.

Gu khẳng định mình vẫn có những sở thích con gái như chụp ảnh, làm đẹp, đi shopping.

“Thật là một cô gái dũng cảm và tuyệt vời. Thành công ở lĩnh vực không phải do giới tính quyết định. Làm việc chăm chỉ mới là yếu tố quan trọng”, một người khác nói.

Theo nghiên cứu mới nhất của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) về trẻ vị thành niên toàn cầu, các định kiến giới tính có thể gây hại cho sức khỏe của thanh thiếu niên về lâu dài, thậm chí suốt đời.

Dựa trên các cuộc khảo sát chuyên sâu được thực hiện với hơn 10.000 trẻ em ở cả hai giới sống trong các cộng đồng thu nhập thấp ở Trung Quốc, Indonesia, Congo, Ecuador và Bỉ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những thanh niên có nhận thức rõ ràng về bình đẳng giới có tỷ lệ vướng vào các vấn đề như trầm cảm thấp hơn.

Câu chuyện của Gu cũng tạo ra cuộc thảo luận về hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Trung Quốc. Các nhà chức trách đang nỗ lực thúc đẩy nhưng các bậc phụ huynh vẫn không mấy mặn mà với chuyện cho con em đi học nghề.

 Việc nữ sinh 17 tuổi dám theo đuổi nghề nghiệp yêu thích và lên tiếng ủng hộ phụ nữ được dân mạng Trung Quốc khen ngợi.

Việc nữ sinh 17 tuổi dám theo đuổi nghề nghiệp yêu thích và lên tiếng ủng hộ phụ nữ được dân mạng Trung Quốc khen ngợi.

Với nỗ lực ổn định thị trường việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết các trường dạy nghề ở nước này sẽ tuyển sinh thêm 2 triệu học sinh so với chỉ tiêu trước đây vào năm học 2020-2021.

Năm 2019, các trường dạy nghề đã tuyển thêm 1 triệu học viên so với năm trước.

Ở Trung Quốc, sau 9 năm giáo dục bắt buộc, học sinh phải vượt qua kỳ thi vào cấp 3 tên zhongkao. Ba năm sau đó, họ sẽ đối mặt kỳ thi đại học gaokao vốn nổi tiếng về độ áp lực.

Đây là con đường quen thuộc đã được người lớn vạch sẵn cho con trẻ.

“Đúng vậy, không sao cả khi bạn thi trượt cấp 3. Bạn có thể đi học nghề và đi làm, kiếm tiền ngay từ lúc trẻ. Nhưng với tư cách là cha mẹ, cổ áo xanh công nhân và cổ cồn trắng văn phòng vẫn khác biệt một trời một vực. Bạn sẽ muốn cổ con mình tỏa ra mùi nước hoa sang trọng hay lúc nào cũng bị ám mùi xăng", một người dùng Weibo bình luận.

Hiền Thy

Ảnh: Weibo.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-cai-sau-chien-thang-cua-mot-co-gai-trung-quoc-o-cuoc-thi-sua-oto-post1233730.html