Tranh cãi VAR ở AFF Cup 2024

VAR ở AFF Cup 2024 đã tạo ra nhiều tranh cãi.

Còn nhớ ở tứ kết Euro 2024 vào mùa hè vừa qua, Cucurella (Tây Ban Nha) để bóng chạm tay trong vòng cấm từ pha dứt điểm trực diện cầu môn như búa bổ của Musiala (Đức, chủ nhà Euro 2024) nhưng Đức không được hưởng phạt đền.

Lần đó tổ trọng tài và cả IFAB (cơ quan duyệt và thông qua luật bóng đá) giải thích từ chối phạt đền cho Đức là vì Cucurella ở trong thế nghiêng người cân bằng, không thể khác được dù cánh tay phình ra và tình huống đó không tạo thêm cơ hội ăn bàn (hay nguy hiểm cầu môn” thêm hơn nữa) (!?).

 Quả bóng đã ra hết biên ngang rất xa trước khi Seksan Satree đá vào.

Quả bóng đã ra hết biên ngang rất xa trước khi Seksan Satree đá vào.

Có điều cực hay là sau trận đó thì chủ nhà Đức bị loại, HLV Nagelsmann tuy còn rất trẻ (36 tuổi) nhưng không nóng nảy, ồn ào, cay cú phát biểu nặng lời, xúc phạm, mà ông chỉ mong luật phạt đền phải rõ ràng hơn chứ không phải 5-5 như thế. Cũng cần nói thêm là cái ghế tuyển Đức cực nóng vì đội đang tuột dốc, nhưng Nagelsmann không đổ thừa. Sau Euro vài tháng, LĐBĐ châu Âu (UEFA) mới thừa nhận sai lầm, xác nhận Đức mất oan quả phạt đền.

Thế rồi AFF Cup 2024 này đã lộ ra nhiều vấn đề về công tác VAR. Các “cổng” qua máy quay trực tiếp trận đấu đều “đổ” về Singapore, tổ VAR cũng chỉ hoạt động ở Singapore cho mọi trận đấu trong 1 phòng duy nhất ở Singapore. Cách này có vẻ có lý khi mà ở Đông Nam Á điều kiện cho bóng đá còn chênh lệch và chưa giàu có. Họ phải giảm bớt chi phí đi lại cho trọng tài VAR...

AFF Cup 2024 cho thấy một chứng cứ nữa “VAR cũng chỉ là yếu tố con người, chỉ là nhân tố chia quyền lực quyết định của trọng tài trên sân mà thôi".

Ở bán kết lượt đi của tuyển Việt Nam, phút 84, Nguyễn Xuân Son có pha tì đè với Safuwan cực đỉnh rồi đưa bóng vào lưới từ góc trên vòng 16m50. Trọng tài dường như đã công nhận bàn thắng nhưng rồi VAR vào cuộc, cuối cùng trọng tài từ chối tuyệt phẩm bàn thắng của Son. Đoạn clip cho thấy bóng có khả năng chạm tay Safuwan cao hơn Nguyễn Xuân Son, lẽ ra Việt Nam được hưởng phạt đền. Cái bàn tay của Safuwan chạm bóng khi đó thì đúng nghĩa thuật ngữ “chơi bóng bằng tay - play handball của IFAB. Trong khi Son thì rất nỗ lực tránh tay của mình chạm bóng, Son hoàn toàn không chơi tiểu xảo bằng tay và cũng không thấy tay của Son chạm bóng.

 ...Nhưng tổ VAR đưa hình ảnh này đầu giờ nghỉ giải lao.

...Nhưng tổ VAR đưa hình ảnh này đầu giờ nghỉ giải lao.

Trọng tài từ chối bàn thắng của Việt Nam và chỉ soi mỗi Son mà không soi Safuwan có chạm tay vào bóng hay không. Đơn giản Singapore là chủ nhà (?)

Ở trận lượt về Việt Nam - Singapore tối 29-12, tình huống phút thứ 10, Faris Ramli đánh đầu nối vào cầu môn Đình Triệu, VAR chỉ soi Ramli có việt vị hay không. Hình ảnh đưa ra để chối bàn thắng là rất mơ hồ và thiếu thuyết phục. Trong khi đó, ở nhịp đánh đầu trước đó, Safuwan phạm lỗi thì không cân nhắc. Đó là tình huống phạt góc, Safuwan dùng hai bàn tay bập lên hai vai một hậu vệ của Việt Nam thật mạnh rồi đẩy ra để chiếm không gian nhằm bật cao đánh đầu vào trước mặt cầu môn để Ramli đánh đầu nối vào lưới. Safuwan đã phạm lỗi mười mươi.

Rồi ở trận bán kết lượt về Thái Lan tiếp Philippines cũng vậy. Phút 38, Seksan Satree nỗ lực cứu bóng cuối biên ngang. Hàng trăm clip đưa lên cho thấy bóng đã ngoài vạch vôi rất xa nhưng tổ VAR đưa ra hình ảnh bóng còn đè vạch vôi và kết luận ở giờ nghỉ giải lao. Đó là hình ảnh “cắt cúp” chưa chuẩn vì ngay sau đó là bóng ra khỏi vạch vôi rất xa. Cuối cùng bàn thắng của Peeradole cho Thái Lan được công nhận....

VAR tạo ra sự tranh cãi rất lớn nhưng cuối cùng mọi quyết định là ở con người “muốn hay không muốn” mà thôi. Cả thế giới, các nhà cầm quân, nhất là các nhà cầm quân bóng đá châu Âu rất cay đắng vì VAR.

DUY ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tranh-cai-var-o-aff-cup-2024-post827764.html