Tranh cãi về đề thi so sánh thơ với nhan sắc, đức hạnh người con gái

Tranh cãi nổ ra khi nhiều người cho rằng việc so sánh đức hạnh của người con gái quá sức thí sinh 15 tuổi. Những ý kiến khác lại đánh giá trọng tâm đề không nằm ở đó.

“Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh”.

Trích dẫn trên của nhà thơ Xuân Quỳnh được đưa vào đề thi môn Ngữ văn chuyên trong đợt tuyển sinh lớp 10 tại trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Ngay khi đề thi được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều ý kiến tranh cãi quanh việc liệu có nên ra câu hỏi về nhan sắc, đức hạnh người con gái cho những cô cậu học trò mới 15, 16 tuổi không?

 Đề văn của trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Đề văn của trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Thí sinh phải “gồng mình” để làm bài

Một số giáo viên cho rằng đề thi nặng về lý luận, có phần quá sức với thí sinh lớp 9.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho rằng tuổi 15, các em phải làm đề nhiều tính lý luận, trong khi thực tế, không được học nhiều về lý luận ở cấp THCS.

“Học sinh phải gồng mình lên để già dặn trong suy nghĩ mới có thể vừa vặn đề thi này”, thầy Đức Anh nhận định.

Thầy nói thêm thực ra, đề thi như vậy thậm chí còn khó đối với học sinh lớp 12.

Cùng quan điểm, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đánh giá đề yêu cầu cao về vấn đề lý luận giá trị văn học và tiếp nhận văn học. Đây cũng là yêu cầu khó đối với học sinh lớp 9.

Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn, phân tích đề yêu cầu thí sinh không chỉ có kiến thức chắc chắn về các tác phẩm trong chương trình học trên lớp, mà còn phải nắm được những khái niệm cơ bản về lý luận văn học, có kỹ năng tổng hợp, so sánh.

Bên cạnh đó, nội dung về nhan sắc, đức hạnh không đơn giản, khi các em chưa có nhiều trải nghiệm. Theo thầy Đỗ Đức Anh, người ra đề đã không đặt mình vào vị trí thí sinh làm bài.

Nhiều người dùng mạng cho rằng câu trích dẫn của Xuân Quỳnh không phù hợp lứa tuổi của những em vừa hoàn thành chương trình THPT.

Tài khoản Thu Lê nêu quan điểm ở tuổi ngoài 30, chị cũng như nhiều người khác, còn chưa thể nắm rõ khái niệm “đức hạnh” của người con gái. Vì thế, yêu cầu thí sinh dự thi vào lớp 10 phân tích khía cạnh này trong thơ có phần quá sức.

Thậm chí, không ít người đánh giá đề thi như vậy nhằm mục đích “thể hiện, tạo dấu ấn trong năm đầu tiên tuyển sinh”.

Nhiều người cho rằng học sinh 15 tuổi cũng có cái nhìn về vấn đề đức hạnh người con gái. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Nhiều người cho rằng học sinh 15 tuổi cũng có cái nhìn về vấn đề đức hạnh người con gái. Ảnh minh họa: Việt Linh.

“Đức hạnh theo kiểu 15 tuổi"

Trong khi đó, không ít người lại cho rằng cần xem xét đây là đề Văn dành cho học sinh 15 tuổi. Người lớn không nên áp đặt kiểu suy nghĩ vấn đề quá sức hay các em chưa đến tuổi để bàn luận về nhan sắc, đức hạnh người con gái trong gia đình.

Theo họ, mỗi độ tuổi có tầm nhìn, tư duy khác nhau về cùng một vấn đề. Thí sinh 15 tuổi có góc nhìn khác, nên để các em tự do, sáng tạo trong việc nêu ý kiến bản thân.

Với đề thi trên, thí sinh không nhất thiết phải chứng minh nhận định của nhà thơ Xuân Quỳnh, mà cũng có thể thông qua trải nghiệm văn học của mình, để phản biện nó.

“Một vấn đề bất kỳ, người ở tuổi 14, 15 sẽ có cái nhìn tương ứng. Người 30 tuổi nhìn theo kiểu 30. Cái khó là để người 15 tuổi đưa luận điểm như người 30 tuổi”, bạn Chân Mỹ Tịnh nêu quan điểm.

Người này cho rằng đề thi đề cập nhan sắc, đức hạnh người con gái không có vấn đề gì. Tuy nhiên, cô ủng hộ việc đưa các vấn đề gần gũi với học sinh hơn như đạo hiếu, lòng can đảm, tình người.

Một số người khác cho rằng tuổi 15-16 lại nhiều suy tư. Các em có thể thiếu trải nghiệm sống nhưng đề yêu cầu thông qua trải nghiệm văn học, tức từ những tác phẩm các em đã đọc, để nêu quan điểm về nhận định của nhà thơ Xuân Quỳnh.

Từ lớp 6, 7, học sinh đã được phân tích câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, tức là đã biết về đức hạnh. Phân tích ở mức độ nào tùy thuộc trải nghiệm văn học của các em.

Bên cạnh đó, vấn đề ở đây không phải phân tích đúng sai. Thông qua các tác phẩm đã đọc, thí sinh đưa ra cái nhìn của mình. Quan trọng, cách đánh giá của người chấm có toàn diện, cởi mở không.

“Đáp án có tính chất gợi mở, chấp nhận các cách nhìn khác nhau từ thí sinh sẽ rất đáng khen. Dù sao, văn học cũng là nghệ thuật, cần sáng tạo, hãy cứ để các em viết theo khả năng của mình xem sao”, tài khoản Lê Minh Thu bày tỏ.

Trọng tâm không ở đức hạnh người con gái

Trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội, điều dễ thấy, đa phần đều nói về việc bàn luận nhan sắc, đức hạnh người con gái có phù hợp thí sinh 15 tuổi không.

Tuy nhiên, theo thành viên Hương Quỳnh, đây chỉ là phép so sánh ngầm để nêu bật lên thơ và đặc trưng của thơ.

Trong đó, nhan sắc ám chỉ nghệ thuật (ngôn từ, nhạc thơ, phép tu từ...) của thơ, còn đức hạnh để nói đến chiều sâu tư tưởng, suy nghĩ và tính hàm súc của thơ mà người nghệ sĩ gửi gắm qua câu chữ.

Nữ sinh nói thêm với học sinh có hướng thi chuyên Ngữ văn, lý luận văn học hoàn toàn nằm trong chương trình ôn tập. Do đó, những vấn đề như trong đề thi của trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn không mới mẻ hay quá xa lạ.

Tuy nhiên, Hương Quỳnh đánh giá đề chưa hay, vấn đề còn cũ, quen thuộc và mong muốn thí sinh được “cảm thụ” nhiều hơn áp dụng kiến thức lý luận văn học để làm bài.

Nhiều người dùng mạng cũng cho rằng đề yêu cầu đi sâu về giá trị của thơ với đời sống con người. Việc phân tích nhan sắc, đức hạnh người con gái là lạc đề.

Theo họ, với đề này, thí sinh nên phân tích theo hướng một bài thơ hay muốn ở lại trong lòng độc giả thì không những câu từ trôi chảy, trau chuốt, mà ý thơ phải đẹp, hàm súc.

Tuy nhiên, việc gắn yêu cầu này với nhận định của Xuân Quỳnh, so sánh với nhan sắc, đức hạnh người con gái khiến đề trở nên quá sức, thậm chí vô lý.

Vì thế, không ít người mong muốn thí sinh dự thi vào trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn có thể dùng kiến thức lý luận, trải nghiệm văn học của mình để phản biện lại nhận định trên.

Bách Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-cai-de-thi-so-sanh-tho-voi-nhan-sac-duc-hanh-nguoi-con-gai-post1106881.html