Tranh cãi về đề xuất đánh thuế lãi suất tiền gửi tiết kiệm

Nếu lãi suất gửi tiết kiệm cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân, nhiều khả năng ngân hàng sẽ khó huy động vốn nhàn rỗi của người dân và buộc phải bước vào cuộc đua tăng lãi suất huy động.

Bộ Tài chính vừa tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương... đóng góp cho dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Góp ý cho dự thảo tờ trình, UBND TP Cần Thơ cho rằng đơn vị soạn thảo nên nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế. Theo đó, địa phương này kiến nghị chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản lãi tiền gửi có quy mô nhỏ, còn lãi suất tiền gửi lớn thì cần đưa vào diện chịu thuế.

Ở chiều ngược lại, tỉnh Ninh Thuận lại đưa ra đề xuất miễn thuế đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại và phát triển kinh tế.

Khách hàng dọa 'sẽ không gửi tiết kiệm nữa"

Theo quy định hiện hành, cá nhân nhận lãi từ các khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được miễn thuế. Vì vậy, đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với các khoản lãi tiền gửi khiến nhiều khách hàng "sốc". Bởi nếu đánh thuế đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ không khuyến khích người dân gửi tiết kiệm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Trong vai một khách hàng gửi tiền tại ngân hàng, chị Thu Thủy (quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: Thông thường chị chỉ gửi tiết kiệm với những khoản tích lũy giá trị không lớn và chủ yếu là chọn kỳ hạn ngắn để khi cần tiền có thể rút. Vì vậy nếu đánh thuế là không hợp lý.

Chị nói: "Mặc dù đây mới chỉ là đề xuất, nhưng trong trường hợp chính sách này được áp dụng thì tôi sẽ không gửi tiết kiệm nữa hoặc sẽ chia thành nhiều sổ tiết kiệm và gửi các ngân hàng khác nhau nhằm đảm bảo số tiền lãi tiết kiệm nằm dưới khung phải chịu thuế”.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng nêu quan điểm: Trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng thuế tài sản, tức là loại tài sản nào có khả năng “đẻ” ra tiền thì đều phải chịu thuế. Do đó, việc đánh thuế đối với lãi suất tiết kiệm hay không thì tùy thuộc vào quan điểm của nhà điều hành thôi chứ không phải là điều gì quá bất thường.

Nhưng nếu đánh thuế thu nhập cá nhân thì mức thuế là bao nhiêu và một khi áp dụng chính sách này với kênh lãi suất tiết kiệm thì cũng cần phải áp dụng với kênh đầu tư sinh lời khác như vàng chẳng hạn. Bởi nếu chỉ đánh thuế với lãi suất tiền gửi tiết kiệm mà không áp dụng với vàng thì có nguy cơ người dân sẽ rút tiền gửi đi mua vàng.

"Như vậy, dù người dân có đầu tư vào đâu cũng phải đóng thuế và đảm bảo sự công bằng. Và nếu vì việc đánh thuế này, mà tiền vào ngân hàng ít đi thì chỉ là tác động trong ngắn hạn, về dài hạn khi thấy mang tiền đi đâu đầu tư và sinh lời cũng đều phải chịu thuế, dần dần người dân sẽ chấp nhận. Hiện Việt Nam mới chỉ thu thuế thu nhập cá nhân đối với kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán”, ông Huân nói.

Theo quy định hiện hành, chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Cả ngân hàng lẫn người gửi đều bị thiệt

Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng quốc doanh cho rằng đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lãi suất tiết kiệm sẽ bị phản đối cả từ hai phía: Cả ngân hàng lẫn người gửi tiền.

Lý do là ngân hàng đang rất cần huy động tiền gửi của khách hàng cá nhân vào hệ thống để các nhà băng có nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Hiện lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân đang chiếm tỉ trọng vô cùng lớn trong các ngân hàng. Hiện nay có ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân có thể lên đến 70-80%, thậm chí lên đến 90% trong tổng nguồn vốn huy động của mình.

Nhìn từ góc độ người gửi tiền, việc người dân chọn gửi tiết kiệm vào ngân hàng vì đây là kênh đầu tư an toàn nhất chứ không phải kênh đầu tư hấp dẫn nhất.

Còn nhìn từ phía ngân hàng thì tiền gửi của người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi khi một lượng lớn tiền gửi của người dân chảy vào hệ thống ngân hàng, điều này sẽ tạo điều kiện để ngân hàng thực hiện đầu tư theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, tức là nắn dòng vốn vào đúng những nhóm ngành, những lĩnh vực mà Chính phủ cần tập trung để phát triển kinh tế xã hội.

"Do đó, nếu tiền gửi của người dân phải chịu thuế thu nhập cá nhân thì có nguy cơ dòng tiền này sẽ chạy sang những kênh như vàng, bất động sản…Một khi lượng tiền gửi của cư dân sụt giảm thì các ngân hàng thương mại sẽ phải lao vào cuộc cạnh tranh lãi suất huy động, điều này kéo theo lãi suất cho vay tăng và người đi vay (doanh nghiệp, người dân) vẫn là đối tượng phải chịu tác động mạnh nhất”, vị Phó Tổng Giám đốc ngân hàng nhấn mạnh.

 Hiện mức lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Ảnh: T.L

Hiện mức lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Ảnh: T.L

Đồng quan điểm, đại diện một ngân hàng khác cho rằng, khi sử dụng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng để đầu tư, kinh doanh thì bản thân các ngân hàng đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nói cách khác tất cả những hoạt động đầu tư kinh doanh có sinh lời thì các bên liên quan đều đã đóng góp thuế cho nhà nước.

Cho nên đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với tiền gửi tiết kiệm dù trên thế giới có một số quốc gia áp dụng nhưng để có thể áp dụng tại Việt Nam hay không cần nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện.

"Đồng thời phải có cơ sở dữ liệu về số tiền mà khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm dao động trong khoảng bao nhiêu, kỳ hạn thế nào, tỉ trọng tiền gửi của cá nhân trong từng ngân hàng là bao nhiêu… để đánh giá tác động của chính sách này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mặt bằng lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng”, vị đại diện ngân hàng nhấn mạnh.

Tại dự thảo dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính dẫn kinh nghiệm từ một số quốc gia để làm cơ sở tham khảo. Ví dụ tại Thái Lan, thu nhập chịu thuế được phân thành nhiều loại, trong đó bao gồm cả thu nhập từ cổ tức và lãi tiền gửi ngân hàng.

Ở Trung Quốc, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định lãi suất tiền gửi, cổ tức và phân phối lợi nhuận đều thuộc nhóm thu nhập chịu thuế. Tương tự, tại Hàn Quốc, lãi tiền gửi cũng bị tính thuế thu nhập cá nhân

Tuy nhiên, một số quốc gia khác lại áp dụng chính sách giảm trừ thuế đối với các khoản lãi vay mua nhà trả góp, nhằm hỗ trợ người dân sở hữu nhà ở.

Chính vì vậy, trong lần sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân này, Bộ Tài chính đang nghiên cứu việc bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù, trong đó có lãi vay mua nhà.

"Việc điều chỉnh phạm vi miễn giảm thuế cần được xem xét trên nhiều yếu tố, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Nhà nước, thực tiễn trong nước và xu hướng cải cách thuế trên thế giới, Bộ tài chính nê quan điểm.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tranh-cai-ve-de-xuat-danh-thue-lai-suat-tien-gui-tiet-kiem-post834828.html