Tranh cãi về đề xuất phải đợi hết tuổi lao động mới được hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Đề xuất 'siết' điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần được nêu tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây gây ra nhiều tranh cãi.
Hiện hành, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thì điều kiện để người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như sau:
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (hoặc chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phương, thị trấn) và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
- Ra nước ngoài để định cư.
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
- Người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu:
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
Trong tờ trình dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động liên quan đến đề xuất này, nhiều bạn đọc bày tỏ thái độ không hài lòng. Bạn đọc T.Ngọc bày tỏ: "Tuổi hưu thì tăng hàng năm, đến 2035 nữ đủ 60 tuổi mới nghỉ, thử hỏi công nhân mấy ai làm đủ để hưởng hưu nhất là công nhân nữ. Trong khi có công ty ngoài 40 tuổi đã tìm cách cho lao đông nữ nghỉ việc rồi. Nếu không cho người ta hưởng một lần để người ta lấy chút vốn buôn bán nhỏ thì gia đình người ta sống bằng gì. Theo tôi đây là một đề xuất không thực tế".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hà Nguyên cho rằng đã bảo là tham gia BHXH là quyền lợi của người dân. Vậy mà cứ tính toán chỉ để thu vào thì lợi cho người lao động chỗ nào? Làm vậy ai còn muốn tham gia BHXH nữa". Ở một góc nhìn khác, bạn đọc tên Tân thì viết: "Đợi đến hết tuổi mới cho lãnh thì ai thèm tham gia bảo hiểm xã hội, vi khi lãnh ra tiền mất giá không mua đụoc gì và già rồi còn đầu tư gì nũa". Bạn đọc tên Phạm Văn Nghĩa hóm hỉnh: "Không biết còn sống tới lúc hết tuổi lao động không nữa, tính tới tính lui người lao động thiệt thòi". Bạn đọc Hungpo chua chát đặt câu hỏi: "Tiền người lao động đóng mà lấy ra sao khó thế nhỉ".
Theo bạn đọc Đỗ Văn Tâm, cơ quan soạn thảo hãy nên tôn trọng quyết định quyền của công dân. Nếu ai có nhu cầu lương hưu thì giải quyết theo nghuyện vọng. Còn ai không có nhu cầu thì thôi. "Mấy ông có giỏi thì lo mà giải quyết mấy công ty đang nợ tiền bảo hiểm của người lao động. Chỉ có thu nhưng không có đóng cho người lao động" - bạn đọc Đỗ Văn Tâm góp ý. Bạn đọc có nick Tvd thì viết: "Người ta đóng thì người ta nghỉ lúc nào là quyền của họ".