Tranh cãi về quy chế đào tạo tiến sỹ: Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Khẳng định đào tạo tiến sỹ phải gắn chặt với nghiên cứu khoa học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo Hoàng Minh Sơn cho biết bộ đã tổng hợp, phân tích các ý kiến đa chiều với tinh thần nghiêm túc, cầu thị.
Trước nhiều ý kiến trái chiều xung quanh Thông tư 18 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ, phóng viên báo VietnamPlus đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn về vấn đề này.
Thể hiện nhất quán tinh thần tự chủ đại học
- Thưa Thứ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 18 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ (quy chế 18) thay thế quy chế được ban hành tại Thông tư số 08 năm 2017 (quy chế 08). Thứ trưởng có thể cho biết tinh thần cốt lõi và những điểm mới của Thông tư 18 so với Thông tư 08/2017? Vì sao bộ lại có những điều chỉnh mới này?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Thông tư 18 kế thừa những nội dung chủ yếu trong Thông tư 08 và điều chỉnh, bổ sung để thực hiện nhất quán tinh thần tự chủ đại học của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34), thể hiện trong ba điểm mới cơ bản như sau.
Thứ nhất, Quy chế ban hành theo Thông tư 18 chỉ quy định những nguyên tắc, yêu cầu tối thiểu và trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức và quản lý tuyển sinh, đào tạo tiến sỹ. Mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ phải xây dựng quy chế riêng với những quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình để phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và đặc điểm của mình.
Thứ hai, Quy chế không quy định cụ thể về chương trình đào tạo, do đã có Thông tư 17 quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo yêu cầu của Luật 34. Thông tư 17 là căn cứ để các hội đồng khối ngành xây dựng chuẩn chương trình đào tạo phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực, ngành đào tạo.
Thứ ba, Quy chế quy định quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, thông qua các biện pháp quản lý chất lượng nội bộ và bảo đảm liêm chính học thuật; thực hiện chế độ báo cáo, cập nhật dữ liệu và công khai minh bạch trong tất cả các quy trình từ tuyển sinh tới tổ chức đào tạo và cấp bằng.
Đây là những yêu cầu quan trọng để tăng cường giám sát từ người học, cộng đồng khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội.
Quy chế cũng thể hiện nhất quán quan điểm đào tạo tiến sỹ gắn chặt với nghiên cứu khoa học, yêu cầu nghiên cứu sinh phải dành thời gian học tập, nghiên cứu và tham gia sinh hoạt chuyên môn như một giảng viên trợ giảng, nghiên cứu viên cơ hữu. Đây là một trong những yêu cầu cốt lõi trong tổ chức và quản lý đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ.
Bên cạnh đó, trên cơ sở khảo sát, đánh giá việc thực hiện Thông tư 08, một số quy định cũng được điều chỉnh cho hợp lý hơn và phù hợp hơn với thực tiễn.
Không thể có tiêu chuẩn cứng phù hợp với mọi ngành
- Trong các điểm mới của quy chế 18 năm 2021, điều đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học là việc bộ đã bỏ yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế không chỉ với nghiên cứu sinh mà cả người hướng dẫn. Nhiều ý kiến cho rằng điều này là điểm “thụt lùi”, hạ chuẩn chất lượng đào tạo so với quy chế 08 năm 2017 đồng thời không khuyến khích được các nhà khoa học Việt Nam hội nhập quốc tế. Từ đó có thể làm giảm sút chất lượng giáo dục đại học, chất lượng nguồn nhân lực. Thứ trưởng có thể cho biết lý do, ý nghĩa của thay đổi này và quan điểm của ông về băn khoăn của một số nhà khoa học về vấn đề này?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Yêu cầu về công bố quốc tế đối với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh được đông đảo các nhà khoa học đón nhận trong Quy chế 08 năm 2017, tuy nhiên cũng chưa hẳn tạo được sự đồng thuận cao của các nhà khoa học trong một số lĩnh vực.
Trong khi có một số lĩnh vực mà các nhà khoa học cho rằng việc công bố quốc tế sẽ rất khó khăn, thì cũng có nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực khác lại cho rằng tiêu chuẩn đưa ra vẫn là quá thấp.
Bên cạnh đó, hầu hết nhà khoa học đều cho rằng cần phải quy định rõ hơn danh mục những tạp chí hoặc hội nghị khoa học có uy tín (cả trong và ngoài nước) chứ không chỉ dừng lại ở yêu cầu tạp chí nước ngoài, hội nghị quốc tế có phản biện; thậm chí nhiều ấn phẩm có trong danh mục WoS/Scopus cũng chưa hẳn đã có uy tín và đáng tin cậy.
Vấn đề ở đây là không thể có một tiêu chuẩn cứng nào, danh mục nào phù hợp cho tất cả các ngành, các lĩnh vực đào tạo. Bản thảo cuối năm 2020 của Quy chế mới giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép áp dụng những hình thức thay thế cho công bố quốc tế đối với một số lĩnh vực đặc thù, nhưng cũng vẫn chưa giải quyết vấn đề một cách tổng thể, ngay cả lĩnh vực nào được xem là đặc thù cũng còn gây tranh cãi.
Quy chế 18 được ban hành tiếp cận theo cách đưa ra những yêu cầu tối thiểu cho tất cả lĩnh vực và ngành đào tạo, kèm theo đó yêu cầu các cơ sở đào tạo phải tuân thủ chuẩn chương trình đào tạo của từng lĩnh vực và ngành đào tạo. Trên quan điểm nhìn nhận chương trình đào tạo như một hệ thống, chuẩn chương trình đào tạo sẽ quy định các tiêu chuẩn chất lượng dựa trên mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, cấu trúc và nội dung chương trình, các điều kiện bảo đảm chất lượng (đội ngũ giảng viên/người hướng dẫn, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu…) cho từng lĩnh vực và ngành đào tạo.
Công bố khoa học sẽ là một trong những yêu cầu đối với giảng viên giảng dạy, hướng dẫn và đối với nghiên cứu sinh. Các hội đồng khối ngành sẽ phải thảo luận, thống nhất về số lượng, chất lượng và hình thức để phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực.
Yêu cầu tối thiểu trong Quy chế 18 mặc dù không bắt buộc có công bố quốc tế cho tất cả các lĩnh vực, nhưng chặt chẽ hơn về loại ấn phẩm, số điểm công trình (dựa trên đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước), thời gian công bố đối với người hướng dẫn và yêu cầu tác giả chính đối với nghiên cứu sinh.
Từ một góc nhìn khác, việc đào tạo tiến sỹ không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu trong tương lai, mà còn gắn với mục tiêu không kém quan trọng đó là thúc đẩy phát triển nghiên cứu trong các trường đại học và viện nghiên cứu, bởi ở hầu hết các trường đại học trên thế giới thì lực lượng nghiên cứu trực tiếp chủ chốt chính là nghiên cứu sinh tiến sỹ và sau tiến sỹ. Các giáo sư, phó giáo sư có nhiệm vụ tìm kiếm nguồn tài trợ cho nghiên cứu và tổ chức, hướng dẫn nghiên cứu, chứ không thể có đủ thời gian để trực tiếp thực hiện các nội dung nghiên cứu.
Trong khi quy mô đào tạo tiến sỹ của chúng ta hiện nay rất thấp so với khu vực và thế giới, cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích mạnh hơn, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu trong đó có chính sách học bổng đào tạo tiến sỹ trong nước. Nghiên cứu sinh sẽ được “học thật” và phải “học thật” thông qua tập trung toàn thời gian để trực tiếp thực hiện các đề tài nghiên cứu, được “thi thật” dựa trên đánh giá các kết quả nghiên cứu. Khi đó cơ sở đào tạo sẽ nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ đồng thời gia tăng thành tích nghiên cứu khoa học, trong đó có các công bố khoa học có giá trị.
Với cách tiếp cận tổng thể như vậy, các nhà khoa học có thể yên tâm rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không hạ chuẩn đầu ra nói chung mà sẽ xây dựng những chuẩn chất lượng toàn diện hơn và sát hơn với từng lĩnh vực, ngành đào tạo đồng thời tập trung vào những yếu tố cốt lõi của chất lượng đào tạo tiến sỹ gắn với phát triển nghiên cứu.
Tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng
- Theo giáo sư Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, hội đồng chấm luận án tiến sỹ ở Việt Nam hiện nay vẫn còn hiện tượng xuề xòa, nể nang, các tạp chí khoa học trong nước phần lớn chất lượng còn thấp. Giáo sư Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, cho rằng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, “yêu cầu luận án tiến sỹ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có ‘tiến sỹ thật’ và “không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật… không thể ngăn được việc cho ra lò các ‘tiến sỹ rởm’. Đây cũng là lo lắng của nhiều người dân.
Theo Thứ trưởng, liệu điều này có thể xảy ra hay không? Vì sao? Và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có giải pháp gì cho vấn đề này (nếu có)?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chất lượng đào tạo tiến sỹ dù được đánh giá thông qua luận án tiến sỹ, thông qua công bố khoa học hay thông qua những môn học và những kết quả nghiên cứu khác mà nghiên cứu sinh trải qua, thì cuối cùng những người cầm cân nảy mực để quyết định vẫn là các nhà khoa học, cộng đồng các nhà khoa học.
Ở thời điểm năm 2017, việc ban hành Quy chế 08 đã góp phần chấn chỉnh kỷ cương đào tạo tiến sỹ, nhưng tôi cho rằng điểm mấu chốt không phải nằm ở yêu cầu về công bố quốc tế. Ngay cả khi đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về công bố quốc tế cũng không hẳn sẽ đảm bảo được kỷ cương đào tạo và chất lượng đào tạo, nếu như vẫn còn những vấn đề về liêm chính khoa học, cụ thể như một số lùm xùm về công bố quốc tế mà dư luận phải lên tiếng trong thời gian qua.
Điểm mấu chốt chính là do sự quan tâm đặc biệt, sự đấu tranh của cả cộng đồng khoa học cùng với sự vào cuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm thay đổi quan điểm, nhận thức và trách nhiệm của những người làm công tác quản lý tại cơ sở đào tạo tiến sỹ, nhất là khi nhận thức chung của xã hội về tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình ngày càng rõ.
Chất lượng đào tạo tiến sỹ phản ánh rõ nhất uy tín khoa học của cơ sở đào tạo, sẽ không có cơ sở đào tạo nào muốn đánh đổi chất lượng, thương hiệu và uy tín với một lợi ích nào khác.
Mỗi khi băn khoăn về chất lượng, kỷ cương đào tạo tiến sỹ chúng ta vẫn hay nhắc lại một bài học cách đây vài năm. Nhưng gần đây thôi, chúng ta lại nhìn thấy một xu thế khác khi hàng loạt cơ sở đào tạo và nghiên cứu, trong đó có cả những cơ sở tư thục mới nổi, đã công bố những chương trình tài trợ học bổng hấp dẫn kèm theo điều kiện nghiên cứu tốt để thu hút nghiên cứu sinh giỏi tiềm năng, không những để củng cố và nâng cao uy tín, thương hiệu của mình mà còn thể hiện trách nhiệm đóng góp cho xã hội.
Chất lượng luận án tiến sỹ cũng sẽ phản ánh rõ nhất uy tín khoa học của người hướng dẫn và các thành viên hội đồng đánh giá, những nhà khoa học chân chính và tự trọng sẽ không muốn đánh mất uy tín của mình vì một sự xuề xòa, nể nang. Còn đâu đó có sự lỏng lẻo, thiếu nghiêm túc trong quy trình bình duyệt bài báo, trong phản biện hay đánh giá luận án tại hội đồng cần phải được thẳng thắn nhìn nhận và đấu tranh. Các cơ quan quản lý trước hết cần phải đặt niềm tin và cả trách nhiệm cho các nhà khoa học trong nước, và cùng với các nhà khoa học để tìm ra các giải pháp khắc phục, từng bước xây dựng văn hóa chất lượng trong đó cốt lõi là liêm chính khoa học.
Việc đưa ra tiêu chuẩn công bố quốc tế phù hợp với từng lĩnh vực chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nghiên cứu và hội nhập quốc tế, nhưng về lâu dài không nên được coi là một biện pháp để kiểm soát kỷ cương, chất lượng đào tạo.
Đứng về phía cơ quan quản lý nhà nước, để kiểm soát chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo tiến sỹ nói riêng cần có những giải pháp tổng thể, mang tính hệ thống, trong đó việc ban hành và triển khai quy chế tuyển sinh, đào tạo và chuẩn chương trình đào tạo là một giải pháp.
Trong phạm vi của Quy chế mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những quy định về trách nhiệm của cơ sở đào tạo, đơn vị chuyên môn và người hướng dẫn về quản lý quá trình học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh; về công khai minh bạch các thông tin trong toàn bộ quá trình tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá luận án và cấp bằng.
Nếu thực thi nghiêm túc các quy định này sẽ không có việc tổ chức đào tạo lỏng lẻo, buông lỏng chất lượng, không có cơ hội cho những người theo học chỉ vì bằng cấp. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác, thông qua ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và tranh thủ sự tham gia giám sát, phản biện từ cộng đồng xã hội, nhất là cộng đồng các nhà khoa học.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuẩn đào tạo theo ngành
- Nhiều ý kiến cho rằng việc chú trọng công bố khoa học trong nước sẽ tạo động lực thúc đẩy tạp chí trong nước phát triển, tuy nhiên, việc công bố quốc tế cũng là cần thiết để thúc đẩy hội nhập, tiệm cận quốc tế. Quy chế năm 2017 chú trọng công bố quốc tế nhưng còn chung chung gồm cả tạp chí quốc tế chưa đảm bảo chất lượng, tuy nhiên quy chế mới lại chú trọng công bố trong nước, trong khi nhiều tạp chí trong nước chất lượng chưa cao. Vì thế, bộ nên dung hòa hai yếu tố này và nên có tổng kết, đánh giá về tác động, hiệu quả của Thông tư 08 năm 2017 để có cơ sở điều chỉnh phù hợp trong Thông tư 18. Thứ trưởng có thể cho biết quan điểm của ông về ý kiến này?
Cũng có ý kiến khác cho rằng, Thông tư 08 mới triển khai được 04 năm, liệu đã đủ căn cứ để tổng kết, đánh giá tác động chưa? Vì sao bộ không đợi khi có bộ chuẩn mới cho tất cả lĩnh vực đào tạo rồi mới ban hành thông tư mới để đồng bộ?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Thông tư 18 tiếp tục có những quy định nhằm tạo động lực phát triển nghiên cứu thông qua đào tạo nghiên cứu sinh, qua đó góp phần gia tăng những công bố khoa học có giá trị, trong đó có khuyến khích công bố quốc tế đồng thời ghi nhận những công bố khoa học trong nước. Yêu cầu về chất lượng, uy tín các tạp chí, hội nghị được quy định rõ hơn dựa trên hai danh mục quốc tế thông dụng là Web of Science và Scopus, cùng với danh mục ấn phẩm trong nước được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá.
Nhiều nhà khoa học cũng đã đề xuất Hội đồng Giáo sư Nhà nước xây dựng được bộ tiêu chí khách quan và quy trình đánh giá tin cậy đối với chất lượng các tạp chí và ấn phẩm khoa học khác. Trên cơ sở đó các hội đồng ngành, liên ngành rà soát, phân loại và đưa ra được danh mục các ấn phẩm thực sự có uy tín trong lĩnh vực khoa học liên quan thì sẽ giúp giải quyết căn bản được vấn đề mà các nhà khoa học băn khoăn.
Thông tư về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ mới là một trong nhiều thông tư cần phải được ban hành sớm và đồng bộ để hướng dẫn thực hiện Luật 34. Để xây dựng thông tư mới, Bộ GDĐT cũng đã tiến hành khảo sát và đánh giá tác động của Thông tư 08 trên cơ sở số liệu thống kê cũng như ý kiến trực tiếp từ các cơ sở giáo dục đại học. Do thời gian triển khai Thông tư 08 mới được 4 năm, những nhận định có thể chưa đầy đủ, toàn diện, nhưng cũng là căn cứ quan trọng để xây dựng Thông tư 18.
Thông tư 18 tập trung vào tổ chức và quản lý các hoạt động tuyển sinh và đào tạo, Thông tư 17 quy định về chuẩn chương trình đào tạo, tổ chức xây dựng chuẩn chương trình đào tạo và chương trình đào tạo. Trong thời gian tới, khi chuẩn chương trình cho mỗi lĩnh vực và ngành đào tạo được ban hành sẽ được áp dụng ngay, nhưng sẽ phải mất từ 2 đến 3 năm mới có thể hoàn thành cho tất cả trình độ đào tạo, lĩnh vực và ngành đào tạo. Những chuẩn chương trình này cũng sẽ được rà soát, đánh giá định kỳ và trên cơ sở đó có thể được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là khi có những ngành mới ra đời theo xu thế phát triển của khoa học, công nghệ.
Như vậy, xét từ căn cứ pháp lý cũng như thực tiễn, các thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo và quy chế tuyển sinh, đào tạo cần được ban hành trước các chuẩn chương trình cho từng lĩnh vực, ngành đào tạo.
Lắng nghe với tinh thần cầu thị
- Ngày 15/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu “Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thi, nghiêm túc; có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sỹ”. Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chỉ đạo trên như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm của các nhà khoa học và các chuyên gia quản lý. Cá nhân tôi cho rằng, sự trao đổi, tranh biện trên một số diễn đàn vừa qua sẽ mang lại một tác động quan trọng, một sự thay đổi rất có ý nghĩa tới nhận thức và hành động của cả giới khoa học và quản lý giáo dục đại học.
Trên tinh thần nghiêm túc, khách quan và cầu thị, chúng tôi đã tổng hợp và phân tích những ý kiến đa chiều, đồng thời đã có trao đổi trực tiếp với một số nhà khoa học và nhà quản lý, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu tiếp thu theo một hình thức phù hợp, nhất là những giải pháp, sáng kiến hay để triển khai một cách hiệu quả quy chế đã ban hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ nghiên cứu để đẩy nhanh kế hoạch tổ chức xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực trước hết ở trình độ tiến sỹ.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!