Tranh cãi về tuyên bố khu ổ chuột ở Ấn Độ đạt miễn dịch cộng đồng

Các chuyên gia vẫn đang tranh cãi liệu rằng người dân tại khu ổ chuột lớn nhất thành phố Mumbai (Ấn Độ) đã đạt 'miễn dịch cộng đồng' trước dịch bệnh COVID-19 hay chưa.

Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 16/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 16/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Hindustantimes, trong cuộc khảo sát huyết thanh đầu tiên thực hiện hồi tháng 7, Hội đồng thành phố Brihanmumbai (BMC) nhận thấy có đến 57% trong tổng số gần 7.000 mẫu máu thu được tại khu ổ chuột và 16% trong các khu dân cư lân cận khác dương tính với virus SARS-CoV-2. Điều đáng chú ý tại đây là những bệnh nhân đó đã “âm thầm” hồi phục và sản sinh ra kháng thể. Những người có kết quả dương tính trong cả hai nhóm đều không biểu hiện triệu chứng.

Hiện BMC chuẩn bị tiến hành cuộc khảo sát huyết thanh thứ hai. Trong cuộc khảo sát này, giới chức sẽ kiểm tra xem liệu các kháng thể ở những người tham gia đợt trước tăng lên hay giảm đi.

Theo các chuyên gia, sự lây lan của dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19 có thể được ngăn chặn một khi tỷ lệ dân số đủ lớn miễn dịch với nó – đạt được ngưỡng gọi là “miễn dịch cộng đồng”. Bên cạnh vaccine, đây là cách duy nhất con người có khả năng miễn dịch nếu như họ mắc bệnh và hồi phục.

Ông Jayaprakash Muliyil – Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Khoa học thuộc Viện Dịch tễ Quốc gia Ấn Độ – tin rằng các khu ổ chuột tại Mumbai có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng.

“Các khu ổ chuột ở Mumbai có thể đạt được đến miễn dịch cộng đồng. Nếu như người dân tại Mumbai muốn một nơi an toàn để tránh lây nhiễm, họ có thể tới đó’, báo Bloomberg dẫn lời ông Muliyil.

Nhân viên phun thuốc khử trùng tại nơi ở của bệnh nhân mắc COVID-19 ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 31/3/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhân viên phun thuốc khử trùng tại nơi ở của bệnh nhân mắc COVID-19 ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 31/3/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, một vài nhà khoa học khác đưa ra ý kiến cẩn trọng hơn. Trích lời David Dowdy – Phó Giáo sư chuyên về dịch tễ tại Đại học Johns Hopkins, hãng CNN cho rằng rất có thể các nhà nghiên cứu đã dùng phương thức kiểm tra cho kết quả dương tính giả.

Trong khi đó, Om Shrivastav – một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mumbai – cũng giải thích với thời gian chưa đầy 8 tháng virus SARS-CoV-2 xuất hiện, vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ “tuyên bố nào có tính kết luận và khẳng định như vậy”.

Bộ Y tế Ấn Độ tuyên bố vẫn còn lâu người dân nước này mới đạt đến “miễn dịch cộng đồng”.

“Tại một quôc gia có số dân lớn như Ấn Độ, miễn dịch cộng đồng không thể trở thành một phương án chiến lược. Nó chỉ có thể là kết quả và muốn đạt được điều đó thì phải trả một cái giá rất đắt. Hàng trăm nghìn người sẽ phải mắc bệnh, nhập viện và nhiều người sẽ tử vong trong quá trình đó”, Rajesh Bhushan – cán bộ phụ trách công tác chống dịch thuộc Bộ Y tế Ấn Độ - tháng trước cho hay.

Chuyên gia David cũng cảnh báo hàng triệu người sẽ chết nếu như thực hiện miễn dịch cộng đồng với số lượng người dân như vậy.

Trong ngày 13/8, Mumbai ghi nhận thêm 1.132 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tại thành phố lên 126.356 trường hợp.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng chứng kiến số lượng ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục 66.999 trường hợp vào ngày 13/8. Theo thống kê trên trang Worldometers, tính đến 16h ngày 14/8, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 2.464.316 ca mắc COVID-19, trong đó có 48.177 trường hợp tử vong.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tranh-cai-ve-tuyen-bo-khu-o-chuot-o-an-do-dat-mien-dich-cong-dong-20200814160514168.htm