Tranh cãi về việc học Lịch sử: Học sinh cần phải thuộc cả năm sinh, năm mất của nhân vật?

Dòng trạng thái trên Facebook của nhà văn Hoàng Anh Tú đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng khi chia sẻ về việc học sinh phải thuộc lòng cả năm sinh năm mất của các nhân vật lịch sử.

Môn Lịch sử từ lâu vẫn là một “nỗi ám ảnh” của không ít học sinh, bởi khối lượng kiến thức đồ sộ. Người học phải thuộc lòng quá nhiều sự kiện, con số để thi và rồi lại… quên hết sau mỗi bài kiểm tra. Câu chuyện dạy và học môn Lịch sử như thế nào để học sinh thấy hứng thú, thấy có trách nhiệm phải tìm hiểu về nguồn cội, luôn là một vấn đề “đau đầu” với không chỉ các thầy cô giáo, mà còn là của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Mới đây, trên Facebook của nhà văn Hoàng Anh Tú đã đăng tải những dòng chia sẻ về chuyện học lịch sử của cô con gái.

Dòng trạng thái đăng tải trên Facebook của nhà văn Hoàng Anh Tú.

Dòng trạng thái đăng tải trên Facebook của nhà văn Hoàng Anh Tú.

Dòng trạng thái đã nhận được nhiều sự đồng tình của cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng việc phải ghi nhớ quá nhiều dữ liệu như mốc thời gian chi tiết ngày/tháng/năm của các sự kiện, các con số định lượng quá cụ thể (như lượng máy bay bị bắn rơi, tổn thất về quân số,...) từ lâu cũng đã khiến môn Sử trở nên nặng nề với các bạn học sinh.

Bên cạnh đó, nhiều người lại đưa ra quan điểm trái chiều với nhà văn Hoàng Anh Tú. Một tài khoản cho rằng việc học sinh cần nhớ thời gian sinh, thời gian mất của các nhân vật lịch sử là quan trọng. Qua đó, người học có thể biết được bối cảnh sống của nhân vật, để từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về những quyết định, hành động ảnh hưởng quan trọng tới cả một thời kỳ lịch sử.

Status của nhà văn Hoàng Anh Tú tạo nên một diễn đàn tranh luận thú vị về việc học Lịch sử.

Status của nhà văn Hoàng Anh Tú tạo nên một diễn đàn tranh luận thú vị về việc học Lịch sử.

Những ý kiến bình luận đồng tình với cách dạy hiện tại.

Những ý kiến bình luận đồng tình với cách dạy hiện tại.

“Thực ra trong sách giáo khoa cũng chỉ giới thiệu về năm sinh năm mất, một vài nét tiểu sử của nhân vật và các thầy cô cũng hoàn toàn không yêu cầu phải nắm hết. Nhưng với nhiều nhân vật quan trọng, mình vẫn học và nắm rõ được họ sống trong khoảng thời gian nào, thời đại nào để từ đó hiểu được cách suy nghĩ và hành động của họ, là phần trực tiếp làm nên các sự kiện quan trọng có ảnh hưởng tới tiến trình lịch sử”, Thu Trà (THCS Him Lam) chia sẻ.

Trao đổi với Hoa Học Trò Online, cô Hằng Thu (Giáo viên Sử trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) chia sẻ:

“Với chương trình giảng dạy mới sẽ không yêu cầu học sinh phải nhớ rõ năm sinh năm mất của nhân vật lịch sử. Nhưng có thể ở nhiều trường, trong những bài kiểm tra miệng hay kiểm tra 15 phút, các thầy cô có đưa ra một vài câu hỏi nào đó liên quan đến nó.

Còn về việc học sinh phải nhớ những con số liên quan đến trận đánh, năm thành lập quốc gia thì đó sẽ là những con số liên quan đến sự kiện chính, có ý nghĩa quan trọng. Bởi đặc trưng của môn Lịch sử vẫn phải là gắn liền với mốc thời gian và con người.

Điều quan trọng ở đây là các thầy cô sẽ phải có cách dạy sao cho các em học sinh có hứng thú tìm hiểu và ghi nhớ dễ hơn. Ví dụ như gắn sự kiện riêng lẻ với giai đoạn lịch sử, gắn nhân vật lịch sử với những câu chuyện có ý nghĩa xoay quanh nhân vật đó…”

Hiền Vũ

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/hht-doi-song/tranh-cai-ve-viec-hoc-lich-su-hoc-sinh-can-phai-thuoc-ca-nam-sinh-nam-mat-cua-nhan-vat-1663150.tpo