Tranh cãi về viện trợ quốc tế ở Gaza, Israel tuyên bố ICJ đang bị lợi dụng
Ngày 28/4, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc (LHQ) đã mở phiên điều trần tại The Hague, Hà Lan về việc Israel thực hiện các nghĩa vụ đối với các tổ chức của LHQ tại Gaza.

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) bắt đầu phiên điều trần liên quan đến nghĩa vụ của Israel trong việc cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza và Bờ Tây, tại The Hague, Hà Lan, ngày 28/4. (Nguồn: ABC News)
Phát biểu tại lễ khai mạc phiên điều trần, Cố vấn pháp lý của LHQ Elinor Hammarskjöld cho biết, Israel có nghĩa vụ rõ ràng, với tư cách là lực lượng chiếm đóng, phải cho phép và tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo tới người dân Gaza.
"Những nghĩa vụ này yêu cầu phía Israel phải cho phép tất cả cơ quan liên quan của LHQ thực hiện các hoạt động nhằm phục vụ lợi ích của người dân địa phương", bà Hammarskjöld chỉ rõ.
Đặc phái viên Palestine tại Hà Lan Ammar Hijazi cũng tố cáo Israel sử dụng việc ngăn chặn viện trợ vào Gaza như một vũ khí xung đột.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Gideon Saar tuyên bố, phiên điều trần trên của ICJ là hành vi đàn áp với ý đồ làm mất tính chính danh của Israel.
Ông Saar cũng khẳng định Tel Aviv sẽ không hợp tác với Cơ quan cứu trợ và việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) vì tổ chức này có nhiều phần tử khủng bố.
"Họ lại tiếp tục lợi dụng Tòa án để cố ép Israel hợp tác với một tổ chức bị Hamas xâm nhập. Mục tiêu là tước đi quyền cơ bản nhất của Tel Aviv trong việc tự vệ", ông Saar nhấn mạnh.
Israel nhiều lần tuyên bố sẽ không cho phép hàng hóa và nhu yếu phẩm vào Gaza cho đến khi Hamas thả toàn bộ các con tin còn lại. Nước này cũng cáo buộc Hamas chiếm đoạt viện trợ nhân đạo song nhóm vũ trang đã lên tiếng phủ nhận.
"Vụ việc này liên quan đến việc Israel hủy hoại nền tảng cuộc sống ở Palestine, đồng thời ngăn cản LHQ và các nhà cung cấp viện trợ khác thực hiện sứ mệnh cứu sống người dân", Trưởng phái đoàn Palestine tại Hà Lan Hijazi tuyên bố tại phiên điều trần.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/4 cho biết đã gây sức ép buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho phép đưa lương thực và thuốc men vào Gaza. Tuần trước, Đức, Pháp và Anh cũng đã kêu gọi cho phép viện trợ nhân đạo được lưu thông tự do vào vùng lãnh thổ Palestine đang bị vây hãm.
Các ý kiến tư vấn của ICJ có trọng lượng pháp lý và chính trị, nhưng không mang tính ràng buộc và Tòa án này cũng không có quyền cưỡng chế thi hành.
Sau các phiên điều trần, ICJ dự kiến mất vài tháng để đưa ra ý kiến chính thức.