Tranh cãi việc sinh viên thực tập không được tan làm đúng giờ

Nhiều sinh viên cho rằng khi thực tập cần ở lại làm thêm giờ để được đánh giá thái độ tốt. Song không ít người nhận định có thể tan làm đúng giờ khi đã hoàn thành công việc.

Là sinh viên năm cuối, Lê Thị Hà Trang - học ngành Ngôn Ngữ Anh, ĐH Ngân hàng TP.HCM - băn khoăn tìm vị trí thực tập phù hợp với bản thân. Cô dự định làm việc ở lĩnh vực như xuất nhập khẩu, marketing hoặc nhân sự ở một số công ty được bạn bè giới thiệu.

Trước khi đi thực tập, vấn đề thời gian tan làm khiến Hà Trang suy nghĩ nhiều. Đây cũng là câu chuyện được nhiều sinh viên năm cuối, cử nhân mới ra trường quan tâm, đặc biệt sau khi một tài khoản mạng chia sẻ việc bị sếp nhắn tin nhắc nhở do tan tầm đúng giờ dù đã hoàn thành công việc.

 Lê Thị Hà Trang, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH Ngân hàng TP.HCM, đang chuẩn bị bước vào kỳ thực tập.

Lê Thị Hà Trang, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH Ngân hàng TP.HCM, đang chuẩn bị bước vào kỳ thực tập.

Sinh viên thực tập nên tan tầm khi xong việc

Đọc thông tin về câu chuyện sinh viên thực tập đã hoàn thành công việc, tan ca đúng giờ vẫn bị sếp nhắn tin phàn nàn thái độ, Lê Thị Ngọc Mai - sinh viên ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, đang làm tại một công ty phần mềm rất bức xúc.

"Nhân viên đã làm xong phần việc của ngày hôm đó có quyền ra về đúng giờ. Khi ký hợp đồng, doanh nghiệp cũng đã nêu rõ nhân viên làm việc đủ 8 tiếng/ngày. Nhân viên hay sinh viên thực tập cũng có cuộc sống bên ngoài và cần những mối quan hệ khác chứ không nhất thiết chỉ có công việc, không thể ép họ tan ca trễ hơn giờ quy định", Ngọc Mai nói.

Theo Mai, sinh viên thực tập hoặc nhân viên mới khi làm việc có sai sót sẽ được nhắc nhở ở những lần đầu. Sinh viên không cần phải sợ sệt cấp trên hoặc lo lắng bị đánh giá thái độ. Khi làm đúng việc được giao và hoàn thành tốt, sinh viên có thể tan ca đúng giờ.

 Lê Thị Ngọc Mai, sinh viên trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, đang làm việc tại một công ty phần mềm.

Lê Thị Ngọc Mai, sinh viên trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, đang làm việc tại một công ty phần mềm.

Với 2 năm kinh nghiệm làm việc ở lĩnh vực đồ họa, Hoàng Đức - học ngành Công nghệ Thông tin của ĐH Điện lực Hà Nội, nhận định sinh viên thực tập không nên ở lại quá lâu sau giờ tan tầm. Họ có thể tan ca muộn hơn giờ quy định 10-20 phút.

"Công ty không thể đánh giá thái độ nhân viên dựa trên việc tan làm ở thời điểm nào. Nếu năng lực xứng đáng với mức lương, thưởng, nhân viên chẳng cần lo đến việc tan ca đúng giờ hay không, cũng không cần cố làm thêm vì sợ bị đánh giá thấp", Đức nói.

Đồng quan điểm, N.N.H. - học ngành Luật Thương mại Quốc tế, ĐH Luật TP.HCM - nghĩ sinh viên thực tập đã hoàn thành công việc có quyền tan làm đúng giờ, không cần ở lại lãng phí thời gian của bản thân và tài nguyên của công ty.

Khoảng thời gian đi thực tập ở một công ty nước ngoài, bản thân H. thường tan làm vào lúc 17h. Theo H. những người tham vọng thăng tiến nhanh có thể cân nhắc làm thêm giờ. Nhiều bạn của H. tăng ca sau giờ làm vì được trả tiền lương xứng đáng với khoảng thời gian bỏ ra.

Tuy nhiên, H. nhận thấy không phù hợp với môi trường làm việc nhiều thời gian như vậy do sức khỏe không tốt. Nữ sinh chọn nơi cho phép nhân viên tan tầm đúng giờ để phù hợp với sức khỏe, nhu cầu bản thân.

Nguyễn Thị Minh Trang, hiện là freelancer, cho rằng công ty đã đặt ra giờ làm việc, sinh viên thực tập hoặc nhân viên mới có thể tan ca đúng giờ quy định. Khi đi làm, sinh viên chỉ nên để ý đến người quản lý chịu trách nhiệm trực tiếp với mình.

Trước đây, Minh Trang là sinh viên Y khoa, ĐH Y Dược TP.HCM. Sau này, Trang chuyển sang hướng marketing và đi thực tập tại một công ty. Khoảng thời gian 4 tháng thực tập, Trang thường phải nhìn sắc mặt đồng nghiệp và sếp trước khi tan làm vì sợ bị chấm điểm thực tập thấp.

"Môi trường công sở vốn là nơi hỗn tạp. Việc để ý thái độ của quá nhiều người khiến bản thân bị stress nặng và trầm cảm. Khi chúng ta hoàn thành công việc được giao, về hay không là quyền của mình. Đi đúng giờ, về đúng giờ là yếu tố kỷ luật. Đó cũng là lý do hầu hết người làm việc đúng giờ có hiệu suất cao hơn so với người đi trễ hay về muộn", Minh Trang nói.

Minh Trang cho rằng sinh viên có thể về trễ để giúp đồng nghiệp hoặc sếp với điều kiện được trợ cấp thêm tiền lương tăng ca hoặc được cung cấp thêm kiến thức mới.

Nhìn trước ngó sau trước khi tan tầm

Ở góc nhìn ngược lại, anh Nguyễn Thanh Sơn (36 tuổi) - đang làm việc ở lĩnh vực kiểm nghiệm tại TP.HCM - cho rằng thời điểm tan làm thích hợp của sinh viên thực tập phải phù hợp thực tế.

Cụ thể, theo anh Sơn, mỗi người đều có định mức công việc khác nhau. Sau khi hoàn thành định mức công việc của bản thân, sinh viên thực tập có thể tan làm đúng giờ.

Tuy nhiên, sinh viên thực tập hoặc nhân viên mới cần biết quan sát khối lượng công việc cấp trên giao cho đồng nghiệp xung quanh trước khi lựa chọn tan làm đúng giờ hay không.

"Họ có thể được giao định mức công việc ít hơn nhân viên chính thức vì chưa quen việc, làm mãi không xong hoặc phải đợi kiểm tra lại để tránh tình trạng sai sót. Nhiệm vụ của các bạn là phải làm sao để đạt tới định mức công việc của nhân viên thường trong thời gian thử việc. Việc hồn nhiên đi về khi còn cách quá xa định mức này là không được", anh Sơn nói.

Anh Sơn nói thêm thông thường, tập thể được giao khối lượng công việc chung. Để giảm bớt định mức công việc cho nhân viên mới hoặc sinh viên thực tập, nhân viên khác phải làm nhiều hơn. Nếu tan làm đúng giờ, không để ý các nhân viên khác, người mới sẽ bị đánh giá là gánh nặng của tập thể.

"Hơn 10 năm trước, lúc làm việc ở cơ quan đầu tiên, tôi phải chờ mọi người trong phòng đi về hết. Tôi tan làm sau cùng. Nhiều bạn trẻ hiện nay không chú ý về thái độ của mình. Đến hơn 30 tuổi, thấy mọi người vượt qua mình hết, họ mới hối hận thì đã muộn", anh Sơn nói.

Tương tự, dù ủng hộ việc tan làm đúng giờ, N.N.H. cũng phải "nhìn trước ngó sau" mới quyết định đi về hay ở lại làm thêm. N.H. cho hay khoảng thời gian thực tập, trước khi tan làm, cô thường hỏi anh, chị trong cơ quan cần mình hỗ trợ thêm gì không. Nếu không, cô tan ca theo đúng giờ quy định.

Từ những chia sẻ của người đi trước, Hà Trang dự định trong thời gian thực tập, cô sẽ hỏi ý kiến đồng nghiệp rồi mới tan tầm. Khi nhận thấy không còn công việc, Hà Trang mới quyết định ra về đúng giờ quy định.

Nguyễn Hằng

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-cai-viec-sinh-vien-thuc-tap-khong-duoc-tan-lam-dung-gio-post1313477.html