Tranh cãi việc VĐV bóng chuyền từ chối mặc bikini ở Olympic

Tại Olympic Paris 2024, nhiều VĐV bóng chuyền bãi biển nữ chọn mặc quần dài thay vì trang phục bikini theo quy định, gây ra cuộc tranh luận sôi nổi.

 Một số người cho rằng bóng chuyền bãi biển không còn hấp dẫn nếu thay bikini bằng quần dài. Ảnh minh họa: @shotbygomez/IG.

Một số người cho rằng bóng chuyền bãi biển không còn hấp dẫn nếu thay bikini bằng quần dài. Ảnh minh họa: @shotbygomez/IG.

Trong 2 ngày thi đấu đầu tiên của môn bóng chuyền bãi biển, nhiều VĐV đã lựa chọn quần dài thể thao thay vì bikini khi tranh tài tại địa điểm trước tháp Eiffel (Pháp), News.com.au đưa tin.

Cụ thể, các đội tuyển nữ, bao gồm cả Canada và Mỹ, xuất hiện cùng trang phục quần legging dài trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, gió và nhiều mây. Khung cảnh ảm đạm này trái ngược hoàn toàn với không khí lễ hội sôi động ban đầu dự kiến.

 Nhiều khán giả bày tỏ sự thất vọng trên Twitter về việc các đội tuyển mặc quần legging thay cho quần đùi kiểu bikini. Ảnh minh họa: FIVB.

Nhiều khán giả bày tỏ sự thất vọng trên Twitter về việc các đội tuyển mặc quần legging thay cho quần đùi kiểu bikini. Ảnh minh họa: FIVB.

Một ý kiến thu hút 12 triệu lượt xem cho rằng mặc quần yoga bó sát trong trận thi đấu bóng chuyền bãi biển nữ là "sự báng bổ với fan cuồng". Dù ủng hộ việc mặc quần yoga nơi công cộng, người này cho rằng rằng trang phục này không nên xuất hiện ở bộ môn bóng chuyền.

Trước đây, Ủy ban Olympic Quốc tế đã quy định tất cả VĐV phải mặc bikini. Cụ thể, quy định yêu cầu quần bikini không được dài quá 7 cm ở hai bên.

Một số khác lại ủng hộ sự thay đổi này và bày tỏ sự thích thú với đồng phục quần dài của đội bóng chuyền bãi biển nữ Mỹ.

"Xin chúc mừng các nữ VĐV đã đấu tranh không ngừng để có thể mặc quần dài khi thi đấu bóng chuyền bãi biển. Và những kẻ biến thái đang thất vọng kia thật kinh tởm. Hãy biến đi. Họ đâu chỉ xem VĐV thi đấu", một người dùng phản hồi.

Sang các ngày thi đấu tiếp theo, với nhiệt độ lên tới 30 độ C, các đội tuyển Mỹ và Canada lựa chọn đồng phục bikini.

Cặp đôi người Australia Mariafe del Solar và Taliqua Clancy cũng mặc bikini khi thi đấu. Trước đó, Del Solar mặc một chiếc áo ôm sát bên trong bộ đồng phục xanh vàng, nhưng đã chuyển sang áo bikini khi thời tiết nóng lên.

Đội tuyển bóng chuyền bãi biển Nhật Bản trong trận đấu với Brazil vừa qua. Ảnh: @shotbygomez/IG.

Đội tuyển bóng chuyền bãi biển Nhật Bản trong trận đấu với Brazil vừa qua. Ảnh: @shotbygomez/IG.

Sự khác biệt giữa đồng phục nam và nữ trong môn bóng chuyền bãi biển luôn gây tranh cãi. Đáng chú ý, đây không phải là môn thể thao duy nhất đối mặt với vấn đề này tại Thế vận hội Paris.

Tiến sĩ Paul Bowell, từ Nhóm nghiên cứu Đổi mới Thể thao của ĐH Công nghệ Swinburne (Melbourne, Australia), cho biết đồng phục có liên quan trực tiếp đến hiệu suất của các VĐV tại Olympic.

"Phụ nữ thường bị bắt phải mặc những bộ đồng phục khiến họ cảm thấy không thoải mái. Những bộ đồng phục này quá hở hang và có thể gây tình trạng tình dục hóa cơ thể của VĐV", ông nói.

Đội tuyển Ai Cập cũng đang thi đấu với trang phục hijab kín đáo. Ảnh: Reuters.

Đội tuyển Ai Cập cũng đang thi đấu với trang phục hijab kín đáo. Ảnh: Reuters.

Tiến sĩ cho rằng sức khỏe của VĐV là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà quản lý thể thao, nhất là vấn đề sức khỏe tinh thần. VĐV nên được chú trọng cảm giác thoải mái với những gì họ mặc. Theo đó, tiêu chuẩn về đồng phục thi đấu nên thuộc quyền tự chủ của VĐV.

Từ trước khi Olympic Paris 2024 khai mạc, đồng phục điền kinh nữ của đội tuyển Mỹ và đồng phục thể dục dụng cụ của đội tuyển New Zealand cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Tháng 6, màn ra mắt trang phục thi đấu của đội tuyển điền kinh Mỹ khiến nhiều người phẫn nộ. Trong khi trang phục cho VĐV nam bao gồm short dài ngang đùi và áo ba lỗ, đồng phục của nữ giới lại có thiết kế liền thân, tương đối giống set bikini thông thường hoặc trang phục 2 mảnh bao gồm quần tam giác, để lộ nhiều da thịt hơn, New York Times đưa tin.

Theo cựu vận động viên chuyên nghiệp Lauren Fleshman, nữ giới có thể cảm thấy không thoải mái khi thi đấu trong bộ đồng phục hở hang. Họ phải liên tục kiểm tra trang phục, tránh tạo ra tình huống hớ hênh trước khán giả và đảm bảo an toàn cho các bộ phận dễ bị tổn thương trên cơ thể.

“Nếu các nhà sản xuất lập luận rằng thiết kế này giúp gia tăng hiệu suất thi đấu của vận động viên nữ, tại sao nam giới không mặc chúng?”, Lauren Fleshman đặt câu hỏi.

Hơn nữa, trang phục để lộ nhiều da thịt có thể khiến các vận động viên nữ cảm thấy tự ti về hình thể khi thi đấu. Tâm lý này tất yếu làm giảm hiệu suất và thành tích của họ.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tranh-cai-viec-vdv-bong-chuyen-tu-choi-mac-bikini-o-olympic-post1489462.html