Tranh cãi việc xử lý vi phạm hành chính bằng cắt điện, nước

Nhiều ý kiến cho rằng xử lý vi phạm hành chính bằng cách cắt điện, nước chỉ là giải pháp tình thế. Trái lại, một số đại diện cơ quan chức năng khẳng định đó là giải pháp hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.

Ngày 11-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC).

Xử lý VPHC bằng cách ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại hội thảo. Không ít ý kiến góp ý cơ quan chức năng nên quy định cụ thể giải pháp trên trong luật. Trong khi đó, một số đại biểu không đồng tình vì nhận thấy đây là giải pháp thiếu căn cơ.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Nêu ý kiến về vấn đề trên, ông Nguyễn Nhật Khanh (Trường ĐH Luật TP HCM) phản ánh do cá nhân, tổ chức vi phạm không thi hành quyết định xử phạt nên địa phương đưa ra biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. "Sau khi cắt điện, nước có chắc chắn vi phạm chấm dứt hay không? Người dân có thể nối điện từ nhà bên cạnh, hay mua nước để dùng" - ông Khanh băn khoăn.

Ở một số quốc gia, nhà chức trách buộc tổ chức, doanh nghiệp lập sẵn một tài khoản tiền gửi trong ngân hàng. Khi họ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trừ thẳng tiền phạt từ tài khoản nói trên. Ông Khanh nhận thấy đây là giải pháp hữu hiệu trong thi hành quyết định xử phạt VPHC.

Tương tự, bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP) nhận thấy đây có thể là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Cơ quan thi hành pháp luật không nên quá kỳ vọng vào giải pháp này. "Trường hợp doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời thì việc ngừng cung cấp dịch vụ như vậy hoàn toàn không khả thi. Chưa kể, hợp đồng dịch vụ điện, nước là giao dịch dân sự giữa người dân và doanh nghiệp"- bà Văn Thị Bạch Tuyết dẫn chứng.

Trái lại, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM Phạm Văn Dũng khẳng định cắt điện, nước là giải pháp xử lý vi phạm mang lại hiệu quả, nhất là trong xử lý vi phạm về trật tự xây dựng. Đó là chủ trương cần đưa vào luật. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần quy định cụ thể, rõ ràng nhằm tránh tình trạng lạm quyền, gây khó người dân.

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Cầu (đại diện Sở Xây dựng TP) khẳng định ngừng cung cấp điện, nước khi xử lý VPHC là giải pháp rất hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng. Ở nhiều công trình vi phạm, dù cơ quan chức năng yêu cầu chủ công trình ngừng thi công nhưng họ cứ tiếp tục xây dựng. Cơ quan quản lý không có biện pháp cưỡng chế. Thực tế, việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước ở những công trình xây dựng có sai phạm hạn chế tình trạng tái vi phạm. Vì vậy, đại diện Sở Xây dựng TP thống nhất quan điểm đưa nội dung trên vào Luật Xử lý VPHC.

Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/tranh-cai-viec-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-bang-cat-dien-nuoc-20200911101924263.htm