Tranh cãi xung quanh bức ảnh 'những cô gái trong lớp học trở thành quý tộc'
Không ít người đang cố gắng vượt lên giai cấp, gượng ép bản thân hòa nhập vào môi trường vốn không thuộc về mình, thậm chí không còn phù hợp với thời đại.
Mới đây, bức hình của một người vô tình chụp lại khi đang đi ăn trong nhà hàng thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc.
Lớp học "thục nữ" của những người muốn trở thành quý tộc
Trong bức hình là bàn tiệc của nhiều người phụ nữ mặc đầm dạ hội quý phái, ngồi nghiêm túc nghe diễn thuyết:
“Khi thưởng thức món ăn nên dùng mấy con dao phụ, khi múc canh nên múc từ trong ra ngoài; cắt thịt phải bắt đầu từ bên trái, cánh tay không được áp lên bàn, tư thế tay khi cầm ly rượu phải nho nhã…”.
Trên bàn, những cô gái, người phụ nữ đều chăm chú lắng nghe, sợ bản thân phát ra tiếng cười sẽ bị chê rằng “không có duyên, không thùy mị”.
Những năm gần đây, kiểu lớp học “bồi dưỡng lễ nghi thục nữ, quý bà” được đón nhận vô cùng mạnh mẽ.
Cũng giống như một sự việc đã được truyền thông Trung Quốc đưa tin không lâu trước đây về ngôi trường tư nhân chuyên dạy lễ nghi, bao gồm các khóa học như:
Lớp trải nghiệm 2 ngày 8.800 NDT (hơn 30 triệu đồng), lớp dạy trở thành “nữ chủ nhà quyền lực” 10 ngày có giá 80.000 NDT (gần 280 triệu đồng) cùng với hàng loạt lớp dạy thục nữ khác.
Nội dung các khóa học: lễ nghi trên bàn ăn kiểu Tây, cách thưởng thức trà chiều theo phương Tây, lễ nghi tham gia yến tiệc, cách thưởng thức rượu nho, cách giữ hình tượng quý phái và khí chất, tư thế chụp ảnh…
Những người có khát vọng bước chân vào xã hội thượng lưu chấp nhận đóng học phí đắt đỏ, muốn bản thân trở thành quý tộc chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Nhưng trên thực tế, cái gọi là quý tộc phải được rèn luyện từ khí chất và tố chất, kiến thức và tầm nhìn.
Và quá trình này phải được bồi dưỡng văn hóa trong thời gian dài, chứ không nhanh chóng như thức ăn nhanh, cấp tốc nhưng đa phần độc hại.
Hơn nữa, những kiểu lễ nghi trong các lớp học có mức phí cao như trên trời này lại là văn hóa châu Âu thời xưa. Nếu đặt trong bối cảnh thời đại ngày nay thì thật sự không còn phù hợp.
Đương nhiên, học tập văn hóa luôn là điều đúng đắn. Thế nhưng chúng ta phải xét đến mục đích của nữ giới tham gia những lớp học này. Họ muốn trở thành quý tộc, muốn bản thân có khí chất như Hoàng gia phương Tây thời xưa, chứ không phải đơn thuần học tập để làm phong phú tri thức.
Cũng giống như một ngôi trường cổ kính chuyên dạy lễ nghi thục nữ ở Thụy Sĩ. Trong khóa học có một cảnh thế này:
Học sinh được phân vai diễn trở thành nữ chủ nhà, nam chủ nhà, khách khứa và người hầu.
Nữ sinh đóng chủ nhà diễn màn ăn bánh mousse chocolate bị trừ điểm vì “ăn nhanh hơn chồng”.
Còn nữ sinh đóng người hầu phải chịu đói vì phải đợi khách khứa về hết và hoàn tất công việc dọn dẹp mới được ăn.
Có một dân mạng lên tiếng rất hay: “Tất cả những cách bồi dưỡng lễ nghi quý tộc chẳng qua chỉ là làm sao để lãng phí tiền bạc một cách ‘sang chảnh’ hơn và làm sao để lãng phí thời gian một cách nho nhã nhất”.
Cũng giống như việc “làm sao dùng dao ăn múi cam, quả chuối mà phần vỏ còn lại trên đĩa phải mỹ quan nhất”.
Tầng lớp khác nhau thì không cần thiết phải miễn cưỡng hòa nhập
Lễ nghi gia giáo thật sự là không cần phải biết cách dùng dao nĩa trên bàn ăn kiểu Tây, cũng không cần biết đi giày cao gót sao cho quyển sách đặt trên đầu luôn thăng bằng… mà phải là sự tích lũy văn hóa, giáo dục và nội hàm từng ngày, từng tháng, từng năm, là phẩm cách cao thượng lấy thiện làm gốc và biết tôn trọng người khác.
Không biết rằng những khóa học thục nữ quý tộc này đang đi theo trào lưu hay nhiều người tham gia chỉ đơn thuần vì có hứng thú nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhưng một sự thật không thể chối cãi là không ít người đang cố gắng vượt lên giai cấp, gượng ép bản thân hòa nhập vào môi trường vốn không thuộc về mình, thậm chí không còn phù hợp với thời đại.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây ở trường đại học Thanh Hoa. Phóng viên hỏi cô gái đã có bằng thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành thiết kế thời trang. Nhìn vẻ ngoài cũng đủ biết cô gái sở hữu gu thẩm mỹ riêng, biết cách phối đồ.
Khi được hỏi “bản thân là tiến sĩ ngành thời trang có bị nói ra nói vào không?”, cô gái tự tin trả lời: “Trước mắt vẫn chưa có ai ý kiến gì cả vì xung quanh tôi đều là người có trình độ khá cao. Học tập như biển trời bao la, thạc sĩ hay tiến sĩ suy cho cùng cũng chỉ là một hình thức”.
Do sự khác biệt tầng lớp và tư duy nên nhiều người trong chúng ta không thể hiểu được những lớp học thục nữ quý tộc kia rốt cuộc mang lại lợi ích gì. Có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu!