Tranh cãi xung quanh những UAV 'lạ' trên bầu trời nước Mỹ

Nhiều người dân và chính trị gia đã kêu gọi bắn hạ các thiết bị bay không người lái khả nghi dọc bờ Đông nước Mỹ. Tuy nhiên, hành động này có thể coi là lợi bất cập hại, dẫn đến những hậu quả khó lường.

Thiết bị bay lạ

Thiết bị bay không người lái bí ẩn tại New Jersey ngày 8/12. Ảnh: USA Today

Thiết bị bay không người lái bí ẩn tại New Jersey ngày 8/12. Ảnh: USA Today

Theo kênh CNN (Mỹ), từ tháng 11, người dân phát hiện thiết bị bay không người lái khả nghi tại New Jersey, gây tâm lý lo ngại và căng thẳng. Thiết bị bay không người lái lạ cũng xuất hiện ở New York, Connecticut, Massachusetts, Pennsylvania và Virginia. Dư luận đồng thời gây sức ép yêu cầu các cơ quan liên bang cung cấp thêm thông tin.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin, vào ngày 16/12, Nhà Trắng đã lên tiếng khẳng định các thiết bị bay không người lái khả nghi gây hoang mang cho người dân ở một số khu vực thực chất được bay hợp pháp. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby nhấn mạnh rằng chính phủ đang “công khai và minh bạch,” đồng thời cho biết hầu hết các vụ phát hiện đều liên quan đến thiết bị bay không người lái hoạt động theo đúng pháp luật và quy định.

Ông Kirby nêu rõ với các phóng viên: “Chúng tôi đánh giá rằng tính đến nay, các vụ phát hiện đều liên quan đến thiết bị bay không người lái thương mại hợp pháp, thiết bị bay giải trí, thiết bị bay của lực lượng thực thi pháp luật, cũng như máy bay có cánh cố định, trực thăng và thậm chí cả các ngôi sao mà người dân nhầm tưởng là thiết bị bay không người lái. Chúng tôi chưa phát hiện điều bất thường hoặc nguy cơ đối với an ninh quốc gia, an toàn công cộng”.

Trước khi Nhà Trắng lên tiếng, trong khoảng thời gian còn mơ hồ về nguồn gốc của các thiết bị bay không người lái này, đã có ý kiến đề xuất bắn hạ chúng. Thậm chí, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đăng lên mạng xã hội Truth Social hôm 13/12: “Xuất hiện nhiều thiết bị bay không người lái bí ẩn trên khắp đất nước. Liệu điều này có thực sự xảy ra mà chính phủ không hay biết không? Tôi không nghĩ vậy! Hãy công khai cho người dân biết, và công khai ngay. Nếu không, hãy bắn hạ chúng”.

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, hiện là thành viên Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ của Thượng viện, vào ngày 12/12 cho rằng thiết bị bay không người lái bí ẩn "nên bị bắn hạ, nếu cần thiết” bởi chúng đang bay qua các khu vực nhạy cảm. Một số đã bay trên các căn cứ quân sự cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.

Dưới đây là video do người dân ghi lại về thiết bị bay không người lái lạ ở New Jersey, Mỹ, ngày 8/12 (nguồn: Reuters):

Lợi bất cập hại

Trong khi đó, CEO của công ty sản xuất công nghệ chống thiết bị bay không người lái Axon – ông Rick Smith cảnh báo rằng việc bắn hạ các thiết bị này tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng. Ông Smith nhấn mạnh, việc bắn hạ một thiết bị bay không người lái có thể biến nó thành “quả tên lửa”. Hơn thế nữa, các thiết bị bay không người lái cỡ lớn khi rơi xuống đất có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và chấn thương cho con người.

Bình luận của ông Smith tương tự phát biểu từ Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas. Bộ trưởng Alejandro Mayorkas nhận định với CNN rằng việc cố gắng bắn hạ thiết bị bay không người lái ở trên trời là nguy hiểm.

Về phần mình, FAA cảnh báo rằng người dân khi bắn vào bất kỳ thiết bị bay nào, bao gồm cả thiết bị bay không người lái, đều gây ra rủi ro đáng kể về an toàn. Một phát ngôn viên của FAA phân tích: "Thiết bị bay không người lái bị trúng đạn có thể rơi, gây thiệt hại cho người hoặc tài sản trên mặt đất, hoặc va chạm với các vật thể khác trên không”.

Ngoài ra, theo ông Vijay Kumar, trưởng khoa kỹ thuật tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), việc bắn vào các vật thể nhỏ, nghi thiết bị bay không người lái trên bầu trời đêm có thể dẫn đến thương tích ngoài ý muốn. Ông Vijay Kumar cho rằng có tiềm ẩn rủi ro khi người dân cố gắng bắn vào thứ họ nghĩ là thiết bị bay không người lái và dẫn đến bắn trượt, đạn lạc hoặc tai nạn, kéo theo hậu quả nguy hiểm. Ví dụ, một thiết bị bay không người lái bị bắn hạ trên rừng có thể gây ra cháy rừng.

Không những vậy, mọi người có thể vô tình làm hỏng thiết bị bay không người lái của các dịch vụ khẩn cấp như cứu hỏa, tìm kiếm cứu nạn và thực thi pháp luật.

Ngoài yếu tố rủi ro nguy hiểm, việc bắn vào thiết bị bay không người lái và cả máy bay có người lái đều bất hợp pháp tại Mỹ. FAA cũng nhấn mạnh, theo luật liên bang, việc bắn vào máy bay là bất hợp pháp.

Luật liên bang Mỹ quy định bất kỳ ai phóng hỏa, làm hỏng, phá hủy, vô hiệu hóa hoặc phá hoại bất kỳ thiết bị bay nào trong không phận nước này sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù lên tới 20 năm.

Thiết bị bay không người lái hiện khá phổ biến tại Mỹ. Có khoảng 792.000 thiết bị bay không người lái được đăng ký với Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), gần như chia đều giữa mục đích thương mại và giải trí. Chúng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm nhiếp ảnh, nông nghiệp và thực thi pháp luật…

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tranh-cai-xung-quanh-nhung-uav-la-tren-bau-troi-nuoc-my-20241217162157827.htm