Tranh chấp bảo hiểm, những chuyện chẳng đặng đừng
Đôi khi, khách hàng và nhà bảo hiểm không tránh khỏi việc đưa nhau ra tòa như là tất yếu trong quá trình phát triển sản phẩm, gia tăng doanh thu...
1. Năm 2016, Tòa án nhân dân TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ kiện khá đặc biệt. Bên khởi kiện là một cổ đông lớn của Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist. Nội dung khởi kiện là yêu cầu tòa án buộc người lãnh đạo, điều hành Công ty phải bồi thường do vi phạm nghĩa vụ dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trong một công ty cổ phần, giám đốc làm thuê là không hiếm và bởi thế, câu chuyện về trách nhiệm của giám đốc khi để xảy ra những sai sót trong hoạt động điều hành doanh nghiệp đã được đặt ra từ khi xây dựng Luật Doanh nghiệp 2005. Luật quy định rõ, giám đốc/tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hàng ngày theo đúng quy định của pháp luật, điều lệ công ty, hợp đồng lao động và nghị quyết Hội đồng quản trị.
Nếu nhận thấy cán bộ quản lý có vi phạm trách nhiệm dẫn đến thiệt hại cho công ty, cho cổ đông thì cổ đông có quyền đệ đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường. Quy định này đặt nặng hơn vấn đề trách nhiệm pháp lý của người điều hành công ty. Do vậy, điều này sẽ khiến những người điều hành công ty phải thận trọng hơn và tìm kiếm một giải pháp bảo vệ mình trước những rủi ro pháp lý trên.
Nếu xảy ra sai sót, người quản lý phải chịu trách nhiệm cá nhân. Nhưng nếu thiệt hại tài chính quá lớn cho cổ đông, trong khi cá nhân cán bộ quản lý cũng không thể bồi thường toàn bộ, thì rủi ro đó ai sẽ gánh chịu? Cũng từ lý lẽ đó mà thị trường đã phát triển các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm, đặc biệt là đối với người quản lý trong các doanh nghiệp. Nhưng thực tế nhiều năm qua, các công ty bảo hiểm không mặn mà đẩy mạnh sản phẩm này, lý do có lẽ là vì rủi ro này ít xảy ra nên ít người mua.
Quy định về trách nhiệm bồi thường của người quản lý đã có từ thời Luật Doanh nghiệp 2005, nhưng suốt 10 năm qua, trong các vụ việc tranh chấp, rất ít trường hợp người quản lý bị kiện hoặc phải bồi thường. Nguyên nhân là do việc chứng minh thiệt hại cũng như thu thập chứng cứ của cổ đông gặp khó khăn. Chính vì vậy, rủi ro này dường như chỉ tồn tại trên luật và do đó, doanh nghiệp cũng không bận tâm đến việc mua bảo hiểm cho người quản lý.
Nhưng vụ kiện nói trên đối với Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist (khi đó là ông Kakazu Shogo) cho thấy, đến một lúc nào đó, rủi ro vẫn xảy ra. Ông Kakazu Shogo đã bị cổ đông khởi kiện đòi bồi thường 1,4 tỷ đồng bởi đã thiếu cẩn trọng, sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam không có giấy phép, sử dụng lái xe taxi không hợp đồng, không thực hiện đúng quy định về niêm yết giá cước.
Vị tổng giám đốc này cũng bị cổ đông yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc thay đổi trụ sở Công ty khi chưa có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cổ đông, buộc ông Kakazu Shogo phải bồi thường số tiền trên.
Mặc dù vụ án mới kết thúc giai đoạn sơ thẩm, ông Kakazu Shogo đã có đơn kháng cáo và chưa xét xử phúc thẩm, nhưng vụ án cho thấy, rủi ro trách nhiệm rõ rệt hơn. Với việc cổ đông ngày càng ý thức và làm chủ các quyền được luật pháp trao cho, cơ hội thúc đẩy sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nhà quản lý sẽ lớn hơn.
2. Năm qua, các tranh chấp giữa khách hàng và nhà bảo hiểm, giữa nhà bảo hiểm và nhà tái bảo hiểm không nhiều, nhưng kéo dài dai dẳng. Điều này chắc chắn sẽ khiến khách hàng - đương sự mệt mỏi và khách hàng chuẩn bị mua bảo hiểm e dè.
Một người đàn ông ở TP.HCM đã được tòa án tuyên thắng kiện trong một tranh chấp với hãng bảo hiểm nhân thọ Cathay. Bản án phúc thẩm được tuyên vào đầu năm 2016, nhưng sự kiện bảo hiểm thì diễn ra từ năm 2010.
Người vợ đã mua hai hợp đồng bảo hiểm vào năm 2008 và năm 2009. Đến năm 2010, người vợ mất vì ung thư nhưng Cathay từ chối chi trả bảo hiểm vì cho rằng, khách hàng không trung thực khi khai báo mua hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, tòa án xác định, các dấu hiệu bệnh tật của khách hàng xuất hiện sau khi ký hợp đồng nên không có cơ sở để cho rằng khách hàng không trung thực và tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người chồng.
Tại Hà Nội, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã có phiên họp xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC). Vào tháng 10/2013, chiếc máy bay ATR72-600 mang số đăng ký RDPL 34233 của Lào Airlines gặp tại nạn, nhiều hàng khách và thành viên phi hành đoàn tử nạn. Nhà bảo hiểm đã tiến hành chi trả bồi thường cho phần thân máy bay và thân nhân hành khách. Tuy nhiên, chuyện giải quyết giữa các nhà tái bảo hiểm Việt Nam vẫn chưa kết thúc.
BIC đã nhận tái bảo hiểm cho hợp đồng này, sau đó chuyển nhượng lại cho một số công ty bảo hiểm trong nước, trong đó có Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVIRe).
PVI Re nhận tái bảo hiểm từ BIC từ năm 2011, đến cuối năm 2013, khi đàm phán tái tục hợp đồng, BIC đề nghị nâng tỷ lệ tái bảo hiểm song PVI Re không đồng ý. Vào 15h30 ngày 16/10/2013, BIC gửi thư điện tử chấp thuận tỷ lệ tái bảo hiểm giữ nguyên và ngay chiều hôm đó, sự kiện rơi máy bay xảy ra.
Tranh chấp giữa hai bên xảy ra khi PVI Re không chấp nhận bồi thường bởi cho rằng, BIC biết trước sự kiện bảo hiểm đã xảy ra. Phán quyết trọng tài đã chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của BIC. Tuy nhiên, tòa án sau khi xem xét đã chấp nhận yêu cầu hủy bỏ phán quyết trọng tài của PVI Re.
Vụ việc trở lại điểm khởi đầu, hoặc là BIC tiếp tục theo đuổi vụ kiện ở tòa án/trọng tài kinh tế, hoặc là chấp nhận buông tay.
Dù thế nào thì vụ việc cũng là tình huống đáng để các chuyên gia pháp chế bảo hiểm xem xét các quy định nội bộ về các thỏa thuận, cam kết qua thư điện tử.
3. Một số tranh chấp liên quan đến các khoản đầu tư của nhà bảo hiểm có thông tin chính thức thông qua các phiên tòa xét xử. Năm 2012, các lãnh đạo cao nhất của Công ty Chứng khoán SME (SMES) bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Khi đó, dư luận xôn xao trước thông tin một số doanh nghiệp gồm có ngân hàng và công ty bảo hiểm đã cung cấp các khoản vay hợp tác đầu tư chứng khoán với SMES.
Thông tin từ các phiên tòa cho thấy, một số đơn vị trong đó có PVI đã kết hợp với SMES cho nhà đầu tư chứng khoán vay mua chứng khoán. Tuy nhiên, SMES đã xác nhận khống các mã và số lượng chứng khoán trong tài khoản. Sau khi các công ty tài trợ vốn chuyển tiền về tài khoản của nhà đầu tư, các lãnh đạo của SMES đã rút số tiền này ra để sử dụng dưới hình thức các hợp đồng ủy thác đầu tư.
Số tiền mà Ban lãnh đạo SMES đã chiếm đoạt lên tới gần 300 tỷ đồng. Một nhà bảo hiểm tham gia rót vốn qua SMES là đơn vị may mắn nhất trong vụ án khi đã tích cực thu hồi được gần hết số tiền 107 tỷ đồng.
Trong vụ án Phạm Công Danh, quá trình xét xử vụ án ghi nhận thông tin PVI đã đầu tư 450 tỷ đồng cùng hợp tác đầu tư với Tập đoàn Thiên Thanh. Để đảm bảo việc đầu tư an toàn, nhà bảo hiểm này yêu cầu Phạm Công Danh thế chấp hai bất động sản (mua từ trước khi Phạm Công Danh nắm quyền ở Ngân hàng Xây dựng). Quá trình hợp tác, mỗi năm nhà bảo hiểm này thu về khoản lợi nhuận với tỷ lệ 14 - 15%/năm.
Trước khi Phạm Công Danh bị khởi tố và bị bắt tạm giam, hai bên đã có thỏa thuận để chuyển nhượng hai tài sản bảo nhằm kết thúc nghĩa vụ trả nợ của Phạm Công Danh và sau đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã giải tỏa kê biên để PVI xử lý tài sản, thu hồi nợ. Nhìn chung, khoản đầu tư này của PVI đã thu hồi đủ gốc và vẫn có lãi.
Các vụ việc trên đã diễn ra từ lâu và gần như chắc chắn rằng, ngay sau khi xảy ra vụ việc, nhà bảo hiểm đã có những thay đổi để rào chắn rủi ro. Dù vậy, đây vẫn là kinh nghiệm không bao giờ cũ khi rủi ro luôn rình rập.