Tranh chấp bất động sản sau ly hôn, tòa nào giải quyết?

Dự thảo nghị quyết quy định tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn là bất động sản thì tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc giải quyết; nhưng nhiều ý kiến cho rằng nên để tòa án nơi có bất động sản giải quyết...

TAND Tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình (HN&GĐ).

Liên quan đến vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp chia tài sản là bất động sản (BĐS) sau khi ly hôn đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Hai luồng quan điểm

Điều 9 dự thảo (lần 4.1) quy định tranh chấp về chia tài sản sau khi ly hôn là BĐS mà nơi cư trú, làm việc của bị đơn và nơi có BĐS khác nhau thì tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.

Đây là vấn đề trước nay đã từng có nhiều tranh cãi.

Một số quan điểm cho rằng việc chia tài sản chung sau khi ly hôn vẫn là tranh chấp về HN&GĐ nên thẩm quyền sẽ là tòa án nơi bị đơn cư trú (theo điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015).

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng đối tượng tranh chấp là tài sản chung của vợ chồng (cụ thể là BĐS), còn quan hệ hôn nhân đã được giải quyết bằng bản án trước đó. Vì vậy, tòa án có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này là tòa án nơi có BĐS (điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015).

Khi hai quan điểm trên vẫn tồn tại thì dự thảo lần này vẫn nhận được nhiều ý kiến tranh cãi...

 Một phiên tòa giải quyết án ly hôn tại TAND TP Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Một phiên tòa giải quyết án ly hôn tại TAND TP Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Tòa nơi có bất động sản sẽ thuận lợi hơn

Theo ThS Huỳnh Quang Thuận (Trường ĐH Luật TP.HCM), quy định như dự thảo là chưa hợp lý bởi ba lý do.

Thứ nhất, quy định trên xuất phát từ lập luận mà TAND Tối cao đã đưa ra trong Công văn 212 ngày 13-9-2019.

Cụ thể, công văn này xác định quan hệ hôn nhân chấm dứt do vợ chồng đã ly hôn nhưng tranh chấp tài sản sau khi ly hôn vẫn là tranh chấp HN&GĐ theo Điều 28 BLTTDS nên tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.

ThS Huỳnh Quang Thuận cho rằng lập luận này không thuyết phục. Bởi lẽ theo điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 thì tất cả tranh chấp (tại các điều 26, 28, 30, 32 BLTTDS năm 2015) đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nơi bị đơn cư trú.

Do đó, nếu hiểu theo cách này thì tòa án nơi có BĐS hoặc tòa án nơi nguyên đơn cư trú theo thỏa thuận của các bên sẽ không có thẩm quyền giải quyết đối với bất kỳ loại tranh chấp nào, không giới hạn bởi tranh chấp về HN&GĐ.

Thực tế cho thấy các tranh chấp về quyền sử dụng đất hoặc tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở tại khoản 2, khoản 9 Điều 26 BLTTDS năm 2015 nếu xét theo lập luận của TAND Tối cao thì đều thuộc thẩm quyền của tòa án nơi bị đơn cư trú nhưng rõ ràng các trường hợp này thẩm quyền phải thuộc về tòa án nơi có BĐS.

“Do đó, việc chỉ căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 ghi nhận thẩm quyền của tòa án nơi bị đơn cư trú đối với tranh chấp HN&GĐ như TAND Tối cao lý giải ở trên là không hợp lý” - ThS Thuận nói.

Thứ hai, yêu cầu chia tài sản sau khi ly hôn là một vụ án độc lập, tách biệt hoàn toàn so với yêu cầu ly hôn đã được giải quyết trước đó. Tòa án khi giải quyết yêu cầu này không xem xét lại các vấn đề về nhân thân của các đương sự như khi giải quyết yêu cầu ly hôn, mà chỉ xác định, phân chia tài sản chung của vợ chồng chưa được giải quyết trong vụ án trước đó.

Vì thế, tòa án có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với tranh chấp chia tài sản chung sau khi ly hôn là khác biệt đối với tranh chấp chia tài sản chung khi ly hôn.

Thứ ba, điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 ghi nhận quyền ưu tiên giải quyết tranh chấp có đối tượng tranh chấp là BĐS cho tòa án nơi có BĐS xuất phát từ việc đây là nơi thuận tiện nhất cho việc thu thập chứng cứ. Đặc biệt là thẩm định tại chỗ, cũng như thuận lợi cho quá trình thi hành án.

Theo ThS Thuận, một số ý kiến cho rằng quy định này chỉ áp dụng đối với các tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất; ai là chủ sở hữu nhà…; còn đối với tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng, trong rất nhiều trường hợp, tòa án phải xác định đây là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, bản chất của việc này là xác định chủ sở hữu đối với BĐS thuộc về ai, là tài sản riêng của vợ hoặc chồng hay là tài sản chung của vợ chồng.

Trên thực tế, khi giải quyết, tòa án đều phải tìm hiểu nguồn gốc, quá trình sử dụng đất để xác định các phần đất này là tài sản chung hay tài sản riêng. Do đó, việc trao thẩm quyền cho tòa án nơi có BĐS sẽ là phương án phù hợp dưới góc độ thuận lợi cho tiến trình tố tụng.

Vì vậy, theo ThS Thuận, dự thảo cần thay đổi để phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn. Theo đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp chia tài sản chung là BĐS của vợ chồng sau khi ly hôn, nếu nơi có BĐS và nơi bị đơn cư trú là khác nhau sẽ thuộc về tòa án nơi có BĐS.

Một thẩm phán tại TP.HCM (chuyên xử án HN&GĐ) cũng cho rằng tranh chấp tài sản sau khi ly hôn nếu có BĐS nên quy định nơi có BĐS. Vì thực tế cho thấy việc quy định như vậy sẽ thuận lợi hơn cho cả đương sự và tòa án.

Theo vị này, họ từng thụ lý một vụ án tài sản là BĐS ở rất xa, việc thẩm định, xác minh về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất... gặp rất nhiều khó khăn.•

Chia tài sản chung khi ly hôn ở đâu?

ThS Nguyễn Thị Quỳnh Phương (Trường ĐH Lao động xã hội) đồng tình với ý kiến cho rằng thẩm quyền nên thuộc về tòa án nơi có BĐS.

Bên cạnh đó, ThS Phương cho rằng một vấn đề còn bỏ ngỏ, chưa có hướng dẫn là chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Thực tiễn xét xử cũng ghi nhận các quan điểm trái chiều. Có tòa án xác định tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi bị đơn cư trú (Bản án 267/2021/HNGĐ-ST ngày 27-9-2021 của TAND huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Có tòa án xác định thẩm quyền thuộc về tòa án nơi có BĐS (Bản án 21/2020/HNGĐ-PT ngày 31-7-2020 của TAND tỉnh Nghệ An).

Theo ThS Phương, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có bản chất giống với chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn, đó là không gắn liền với yêu cầu ly hôn.

Do đó, tòa án có thẩm quyền trong trường hợp này nên được quy định tương tự với chia tài sản sau khi ly hôn, theo đó nên thuộc về tòa án nơi có BĐS.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tranh-chap-bat-dong-san-sau-ly-hon-toa-nao-giai-quyet-post772223.html