Tranh chấp chính trị, kinh tế Nhật Bản-Hàn Quốc ngày càng sâu sắc

Người tiêu dùng Hàn Quốc đang thể hiện cơn giận dữ bằng cách tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của Nhật Bản.

Không đơn giản ở việc dừng mua các mặt hàng như bia hơi, quần áo, người dân Hàn Quốc còn hủy các tour du lịch.

Ảnh minh họa: Nikkei.

Ảnh minh họa: Nikkei.

Hai cửa hàng tiện ích hàng đầu Hàn Quốc là CU và GS25, lần lượt do tập đoàn bán lẻ BGF và GS điều hành cho biết, doanh số bán bia Nhật sụt giảm khoảng 21% trong 2 tuần đầu của tháng 7. Nhiều siêu thị ở Hàn Quốc đã dỡ các thùng bia Nhật ra khỏi kệ hàng.

Một hành khách 55 tuổi quen tiêu thụ bia Nhật cho biết: “Dĩ nhiên chúng tôi nên tẩy chay hàng Nhật. Có rất nhiều hàng hóa tốt, cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Vậy tại sao phải bận tâm tiêu thụ hàng Nhật khi chúng tôi đang có khủng hoảng với Nhật Bản”.

Năm ngoái, Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ tới 61% lượng bia xuất khẩu của Nhật Bản và chi tới 7,9 tỷ yên nhập bia của Nhật Bản. Bên cạnh hàng hóa, du lịch cũng là mục tiêu tẩy chay của người dân Hàn Quốc. Ảnh chụp màn hình về hủy tour đi Nhật đang là trào lưu đăng tải trên các trang mạng xã hội Hàn Quốc.

Hãng thời trang Thương hiệu Uniqlo của Nhật Bản cũng đang cảm nhận tác động thực sự của làn sóng tẩy chay của người dân Hàn Quốc.

Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, các biện pháp trã đũa lẫn nhau giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang gây thiệt hại cho cả hai bên. Việc Nhật Bản siết chặt xuất khẩu sang Hàn Quốc có thể khiến GDP của Hàn Quốc mất đi 0,4% trong năm nay.

Trên mặt trận ngoại giao, tình hình chuyển biến xấu hơn khi sáng sớm nay, một người đàn ông Hàn Quốc châm lửa tự thiêu trước đại sứ quán Nhật Bản để phản đối. Người này đã qua đời vì vết thương quá nặng. Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã triệu đại sứ Hàn Quốc tới để phản đối việc Hàn Quốc từ chối tham gia hội đồng trọng tài giải quyết vấn đề lao động thời chiến với sự tham gia của một nước thứ 3. Phía Hàn Quốc đã có ý kiến đề xuất xem xét lại Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản nếu tranh chấp tiếp tục xấu đi.

Chính phủ Nhật Bản tuyên bố theo dõi sát tình hình, nhất là các động thái tẩy chay tour du lịch và hàng hóa của nước này. Nhật Bản khẳng định kiểm soát xuất khẩu là biện pháp cần thiết để tránh những mặt hàng nhạy cảm (có thể dùng để sản xuất vũ khí) trong quá trình xuất khẩu qua các nước có thể tới thị trường Triều Tiên. Nhật Bản tuyên bố hành động đúng luật pháp và bác bỏ động cơ đằng sau là sự trả đũa trước việc Hàn Quốc đòi bồi thường cho lao động thời chiến./.

Trần Nga/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tranh-chap-chinh-tri-kinh-te-nhat-banhan-quoc-ngay-cang-sau-sac-934163.vov