Tranh chấp đất rừng tại xã Nam Dương (Lục Ngạn): Sớm xác định rõ chủ sử dụng hợp pháp

Báo Bắc Giang nhận được phản ánh của ông Tô Văn Thanh (SN 1957), thôn Cảnh, xã Nam Dương (Lục Ngạn) về việc UBND xã và người thân cản trở ông khai thác rừng. Phóng viên Báo Bắc Giang đã tìm hiểu, làm rõ sự việc.

Anh em mâu thuẫn, khiếu kiện

Năm 1992, hộ ông Tô Văn Thanh được UBND huyện Lục Ngạn giao quản lý hơn 3,04 ha rừng và đất lâm nghiệp tại lô số 314, khoảnh 2, thuộc thôn Cảnh, xã Nam Dương trong thời hạn 50 năm. Cuối năm 1996, ông Thanh được đổi giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất lâm nghiệp (bìa xanh) đối với diện tích đất rừng này. Khi giao, toàn bộ diện tích đất đều chưa có rừng. Sau nhiều năm khoanh nuôi, đến nay cơ bản cây trên khu đất này đã mọc thành rừng. Hiện tại, ông Thanh đang được nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ với mức 290 nghìn đồng/ha/năm.

Theo ông Tô Văn Thanh và Tô Văn Cảnh (em ruột ông Thanh), năm 2006, các ông: Tô Văn Thành, Tô Văn Thạch, Tô Văn Thanh, Tô Văn Cảnh (là anh em ruột, cùng một số thành viên trong gia đình) lên phần đất trống trên đỉnh đồi giáp ranh với diện tích đất rừng được Nhà nước giao cho ông Thanh phát dọn thực bì trồng keo, diện tích hơn 1 ha. Năm 2016, keo được khai thác, thu về hơn 50 triệu đồng và chia theo mức đóng góp của mỗi thành viên. Sau khi cắt keo lần 1, các hộ tự để cây trau mầm tái sinh. Đến tháng 10/2022, ông Thanh thuê người khai thác keo tái sinh nhưng không thể thực hiện được vì anh em ngăn cản dẫn đến mâu thuẫn, khiếu kiện.

Ông Tô Văn Thanh chỉ tay về phía diện tích rừng đang bị tranh chấp.

Ông Tô Văn Thanh chỉ tay về phía diện tích rừng đang bị tranh chấp.

Ông Thanh cho rằng, sở dĩ ông tự ý khai thác keo là do rừng này là của ông. Trước đây, ông Thanh chỉ nhờ anh em và cháu ruột lên làm hộ theo hình thức chấm công, ai làm nhiều hưởng nhiều, mọi việc đã chia đứt đoạn, minh bạch. Tuy nhiên, hiện ông Thanh không đưa ra được bằng chứng là bảng chấm công. Tại buổi làm việc với Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn vào ngày 14/2/2022, ông Thanh thừa nhận Nhà nước chỉ giao cho gia đình ông quản lý rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích 3,04 ha. Dù vậy, khi trao đổi với phóng viên, ông Thanh vẫn cho rằng Nhà nước giao cho ông hơn 6 ha, vì thế ông có quyền phát cây bụi rậm để trồng rừng kinh tế phía trên lô số 314.

Ông Thanh cho biết, hiện tại, các anh em ruột của ông cũng đang yêu cầu chia đều cả phần đất rừng được Nhà nước giao (3,04 ha) và diện tích rừng keo hơn 1 ha nêu trên. Bởi anh và em ông cho rằng, trước đây ông chỉ là người đại diện đứng tên GCN quyền sử dụng đất rừng.

Sớm chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Nam Dương cho biết, ngoài các mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, từ năm 2020 đến nay, ông Thanh còn có đơn đề nghị UBND xã Nam Dương và huyện Lục Ngạn giải quyết với nhiều nội dung. Sau khi nhận đơn, chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm huyện đã có nhiều buổi làm việc với ông Thanh. Trong đó, không ít buổi làm việc, ông Thanh đã tỏ thái độ bất hợp tác, lăng mạ cán bộ làm nhiệm vụ vì cho rằng bị xã trù dập.

Gần đây nhất, ngày 16/1/2023, UBND xã Nam Dương có công văn số 10/CV-UBND gửi ông Thanh. Nội dung nêu rõ, toàn bộ diện tích rừng sản xuất (đang trồng keo) hiện chưa được giao cho ông Thanh nên đề nghị giữ nguyên hiện trạng (tạm dừng khai thác) đến khi xác định rõ quyền lợi hợp pháp. UBND xã Nam Dương cũng cho rằng, diện tích đất lâm nghiệp do ông Tô Văn Thanh đứng tên được giao chung cho các ông: Tô Văn Thanh, Tô Văn Cảnh, Tô Văn Thạch và Tô Văn Thành cùng quản lý, sử dụng, trồng rừng kinh tế. Đối với diện tích trồng keo khai khác lần 1 đã chia tiền theo thỏa thuận thì đến nay, khi khai thác cũng phải chia theo tỷ lệ. Đồng thời đề nghị ông Thanh đồng ý việc phân chia diện tích đất rừng được giao chung.

Theo quy định, việc UBND xã Nam Dương yêu cầu gia đình ông Thanh giữ nguyên hiện trạng rừng (tạm dừng khai thác keo) đến khi xác định rõ quyền lợi hợp pháp là đúng. Căn cứ pháp lý cho thấy, việc UBND xã đề nghị ông Thanh chia diện tích rừng ông được Nhà nước giao cho các ông: Thành, Thạch, Cảnh là không có cơ sở. Bởi GCN quyền sử dụng đất 3,04 ha chỉ có ông Thanh đứng tên. UBND xã đã thừa nhận diện tích trồng keo hơn 1 ha nêu trên chưa được Nhà nước giao cho ông Thanh nên đề nghị chia đều phần đất này cho anh em ông Thanh cũng không phù hợp.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chỉ mang tên ông Tô Văn Thanh.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chỉ mang tên ông Tô Văn Thanh.

Ông Phạm Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn cho biết, hiện diện tích đất rừng giáp ranh (có thể bao gồm cả 1 ha đất trồng keo của anh em ông Thanh) đã giao cho hộ ông Trình Văn Song và Trình Văn Sinh (cùng thôn Cảnh). Vì thế, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ thì mới đủ căn cứ để xử lý vụ việc. Ông Cường cho rằng, việc xử lý diện tích đất trồng keo của ông Thanh sẽ xảy ra 2 trường hợp. Thứ nhất: Nếu đất này chưa được giao cho ai thì sẽ thuộc quyền quản lý của UBND xã (căn cứ điểm c, Điều 102, Luật Đất đai năm 2013); thứ hai, nếu ông Thanh chứng minh và được người dân địa phương làm chứng là đã sản xuất trên diện tích đất này từ lâu thì UBND xã phải công nhận diện tích rừng này thuộc về ông Thanh vì có công khai khẩn, cơ quan chức năng có trách nhiệm cấp GCN quyền sử dụng đất cho ông Thanh (theo Điều 101, Luật Đất đai năm 2013).

Qua sự việc trên cho thấy, ông Thanh phản ánh UBND xã Nam Dương không cho khai thác rừng nhận khoanh nuôi bảo vệ là sai, vì xã chỉ yêu cầu tạm dừng khai thác rừng keo tái sinh. Nếu chính quyền địa phương không cho ông Thanh khai thác rừng khoanh nuôi cũng đúng, bởi đây là rừng tự nhiên cần bảo vệ nghiêm ngặt. Việc ông Thanh phản ánh UBND xã công nhận diện tích đất rừng sai với thực tế gây thiệt hại cho hộ dân là không có cơ sở. Thực tế, Nhà nước chỉ giao cho hộ ông Thanh 3,04 ha tại lô số 314, khoảnh 2.

Để tránh khiếu kiện kéo dài, trước mắt, chính quyền địa phương cần nhanh chóng xác định chủ sở hữu hợp pháp diện tích đất rừng hiện anh em ông Thanh đang trồng keo. Cùng đó, việc đề nghị chia đất rừng (đã có sổ) của ông Tô Văn Thanh cần dựa vào các chứng cứ pháp lý, không theo cảm tính, đẩy sự việc ngày càng phức tạp.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/399657/tranh-chap-dat-rung-tai-xa-nam-duong-luc-ngan-som-xac-dinh-ro-chu-su-dung-hop-phap.html