Tranh chấp khí đốt Địa Trung Hải: Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ phản công

Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tuyên bố kéo dài thời hạn hoạt động của các tàu thăm dò khí đốt ở vùng tranh chấp Địa Trung Hải bất chấp sự phản đối ngày càng mạnh và rõ ràng từ nhiều nước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Ngày 23/8, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành một chỉ thị mới, nêu rõ công việc của tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis cùng hai tàu khác sẽ tiếp tục cho đến ngày 27/8.

Trước đó, ngày 10/8, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez thông báo tàu Oruc Reis đã "tới điểm đến trên biển Địa Trung Hải, nơi nó sẽ thực hiện các hoạt động nối lại hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 23/8. Khu vực thăm dò của Oruc Reis cùng hai tàu khác của Thổ Nhĩ Kỳ là vùng biển mà Hy Lạp, Síp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tuyên bố chủ quyền.

Việc Ankara nối lại hoạt động thăm dò là nhằm đáp trả lại thỏa thuận hàng hải giữa Ai Cập và Hy Lạp. Nhưng việc kéo dài thời hạn hoạt động của các tàu trên là nhằm đáp trả thái độ cứng rắn của Hy Lạp và châu Âu, nhất là động thái của Pháp. Thực vậy, kể từ hôm 10/8, khi đoàn tàu Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào vùng biển có tranh chấp, Hy Lạp đã phái lực lượng hải quân của mình đến nơi để giám sát. Theo tiết lộ của một nguồn tin quận sự Hy Lạp với hãng tin Anh Reuters, vào ngày 12/8, tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ và đoàn chiến hạm hộ tống di chuyển qua khu vực nằm giữa đảo Síp và đảo Crete của Hy Lạp, chiếc khinh hạm mang tên Limnos của Hy Lạp đã sáp lại gần đoàn tàu và khi bẻ lái để tránh đâm thẳng vào tàu Thổ Nhĩ Kỳ, chiếc Limnos đã vô tình chạm vào đuôi của khinh hạm Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Reis.

Nguồn tin Hy Lạp khẳng định rằng vụ việc chỉ là một “tai nạn”, chiến hạm Hy Lạp không hề bị hư hại và sau đó đã tham gia cuộc tập trận với Hải quân Pháp ngày 14/8. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, phản ứng có phần gay gắt hơn. Phát biểu tại Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut Cavusoglu, đã yêu cầu Hy Lạp có hành động chừng mực, “đừng tìm cách khiêu khích tàu khảo sát Oruc Reis như đã làm hai ngày trước đó, nếu không muốn bị trả đũa”. Cùng lúc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào tàu thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải sẽ phải trả giá rất đắt, hàm ý rằng Ankara đã thực hiện lời cảnh cáo đó.

Các tàu quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu thăm dò Oruc Reis

Các tàu quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu thăm dò Oruc Reis

Sau cuộc họp của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/8, các nước châu Âu khẳng định tình đoàn kết với Hy Lạp. Trước đó Pháp điều động tàu chiến và phi cơ chiến đấu đến khu vực Địa Trung Hải để hỗ trợ Hy Lạp. Đáp trả hành động này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng lời lẽ thậm tệ, khi ví sự hiện diện quân sự của châu Âu tại vùng biển này như các hoạt động của “quân lục lâm, thảo khấu”. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu đã cáo buộc Pháp hành động "giống như một đại ca giang hồ". Ông Cavusoglu nói: “Pháp nên ngừng thực hiện các biện pháp làm gia tăng căng thẳng” liên quan đến tình hình ở Địa Trung Hải không chỉ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp, mà còn giữa Libya và Syria.

Nội bộ châu Âu hiện không thống nhất trước việc Pháp điều động thêm quân đến khu vực này để hỗ trợ Hy Lạp. AFP cho biết, Pháp tạm thời đã điều hai chiến đấu cơ Rafale và hai tàu chiến đến vùng biển này. Đức giữ khoảng cách với biện pháp này và cố đứng ra làm môi giới hòa giải. Liêu minh châu Âu sẽ trở lại thảo luận về vấn đề này trong phiên họp ngày 27 và 28 tới Berlin, theo mạng thông tin châu Âu Euractiv. Căng thẳng Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã âm ỉ từ lâu. Giữa tháng 6/2020, Bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly cho biết tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ đã có những thao tác “vô cùng hung hăng” nhắm vào một chiến hạm Pháp tham gia một chiến dịch của NATO ở Địa Trung Hải. Bộ trưởng Pháp cho đây là một sự cố rất nghiêm trọng giữa thành viên NATO với nhau. Hộ tống hạm Pháp, Le Courbet, khi đang tìm cách nhận dạng một tàu chở hàng bị nghi ngờ chở vũ khí sang Libya, đã ba lần bị tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ dùng radar hướng dẫn bắn chiếu rọi, bà Parly nói. Trước đó, khẩu chiến giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên. Paris tố cáo Ankara vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Libya. Phủ tổng thống Pháp đã cho rằng thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể chấp nhận được”. Vào mùa thu 2019, Pháp cũng đã tố cáo sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các lực lượng Kurdistan, đồng minh của phương Tây ở Syria.

Lãnh đạo ngoại giao Liên minh châu Âu, Josep Borrel, cho rằng căng thẳng lần này ở Đông Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ rất nghiêm trọng. Trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này, Hy Lạp đã huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Ngày 20/8, Hy Lạp và Cộng hòa Síp đã kêu gọi Liên minh châu Âu cần có lập trường cứng rắn hơn khi đối mặt với những ý định của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải. Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias đã có chuyến thăm đến Cộng hòa Síp để hai quốc gia thuộc Liên minh châu Âu này hợp tác với nhau đối phó Thổ Nhĩ Kỳ. Tại một cuộc họp báo ở Nicosia, sau khi gặp người đồng cấp Síp Nikos Christodoulides và Tổng thống Síp Nicos Anastasiades, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ cử một hạm đội hải quân hộ tống tàu nghiên cứu địa chấn đến vùng biển tranh chấp là “Hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ hướng vào EU" và cáo buộc Ankara đóng “vai trò gây bất ổn” trong khu vực.

Trong một cuộc điện đàm mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ mối quan ngại của hai nước về tình hình căng thẳng “gia tăng” giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, các đồng minh trong khối NATO. Ngày 22/8, website của Hạm đội 6 Hải quân Mỹ cho biết tàu ngầm USS Seawolf đã được Mỹ điều động từ Bangor, bên bờ Thái Bình Dương, tới Hạm đội 6 hoạt động ở Địa Trung Hải. Hải quân Mỹ cho biết tàu ngầm USS Seawolf được điều động đến Địa Trung Hải "nhằm khẳng định năng lực tác chiến dưới mặt nước của Hải quân Mỹ ở châu Âu". Hiện Ankara chưa phản ứng gì trước thông tin này. Trước đó, ngày 19/8, Tổng thống Erdogan tuyên bố không gì cản được bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải. “Không một cường quốc thực dân hay mối đe dọa nào có thể cản trở đất nước chúng tôi từ bỏ nguồn lợi dầu mỏ, khí đốt được cho là tồn tại ở vùng biển này”, ông Edorgan nói, đồng thời cho biết Ankara sẵn sàng giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và ngoại giao thay vì làm leo thang căng thẳng. Theo giới quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ tự biết là mình bị cô lập trong vấn đề này và cũng không có quyền lợi gì hơn nước Hy Lạp láng giềng khi tình hình xấu đi. Ngoài ra, cho dù có cứng rắn đến đâu chăng nữa thì lời cảnh cáo của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn kèm theo kêu gọi đối thoại.

Việc phát hiện ra các mỏ khí đốt rộng lớn trong những năm gần đây ở Đông Địa Trung Hải đã kích thích sự thèm khát của các nước ven biển và làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, các thành viên của NATO, đồng thời gây bất hòa về việc phân định biên giới giữa các nước khu vực.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tranh-chap-khi-dot-dia-trung-hai-tho-nhi-ky-bat-ngo-phan-cong-576824.html