Tranh chấp lối đi nhỏ, nguy cơ hậu quả lớn

Chỉ vì một lối đi nhỏ đã từ lâu không còn sử dụng, tuy nhiên do mâu thuẫn, xích mích không đáng có trong cuộc sống, hai gia đình vốn là anh em họ hàng tại thôn Bến Cả, xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường nảy sinh tranh chấp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, nguy cơ để lại những hậu quả lớn lâu dài về sau.

Phần lối đi ông Toản ý kiến nằm phía sau cổng vào nhà ông Hùng. Ảnh: Thiệu Vũ

Phần lối đi ông Toản ý kiến nằm phía sau cổng vào nhà ông Hùng. Ảnh: Thiệu Vũ

Từ tháng 12/2009, gia đình bà Nguyễn Thị Khoai, thôn Bến Cả, xã Yên Lập đã ủy quyền cho con trai là ông Nguyễn Sỹ Ninh làm đơn kiến nghị, phản ánh việc gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, giáp với gia đình ông xây dựng lấn chiếm lối đi chung. Về sau tiếp tục ủy quyền cho ông Nguyễn Sỹ Toản em trai ông Ninh làm đơn kiến nghị phản ánh.

UBND xã Yên Lập đã nhiều lần vào cuộc tuyên truyền, hòa giải lập biên bản xử lý nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Bởi ông Hùng cho rằng phần cổng đi của gia đình ông đã xây dựng từ lâu, khi xây dựng gia đình ông Hùng đã có ý kiến và được cụ Nguyễn Văn Yên (đã chết) bố ông Toản đồng ý, thống nhất.

Nội dung này ông này ông Toản cũng đã xác nhận là đúng tại các buổi làm việc vào tháng 6/2019 và tháng 3/2020. Vì vậy, ông Hùng không đồng ý tháo dỡ, di rời phần cổng vào bên trong thửa đất của gia đình mặc dù ông Hùng cũng đã tháo dỡ một phần công trình xây dựng trên lối đi chung.

Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND xã Yên Lập Nguyễn Văn Tứ cho biết: Phần lối đi chung mà gia đình ông Toản có ý kiến nằm phía sau phần cổng của gia đình ông Hùng có vị trí hẹp, rộng nhất chỉ khoảng 2m, diện tích ông Hùng lấn ra để xây dựng lán nuôi chim chỉ còn hơn 5 m2 do ông Hùng đã tự tháo dỡ một phần lán nuôi chim trước đó và lối đi này từ lâu chỉ có một mình gia đình ông Hùng sử dụng.

Hiện nay, địa phương đã cơ bản hoàn thiện quy trình, hồ sơ, thủ tục để sẵn sàng cưỡng chế vi phạm, nhưng xét thấy việc tổ chức cưỡng chế sẽ làm mâu thuẫn giữa hai gia đình thêm sâu sắc, nguy cơ để lại những hậu quả lâu dài về sau nên địa phương vẫn chưa thực hiện mà tập trung vào việc tuyên truyền, hòa giải.

Nguyên nhân là do thửa đất nhà ông Toản hiện nay có cổng đi khác rất thuận tiện, đường rộng, khang trang, ô tô có thể đi vào tận trong sân, gia đình ông Toản đã sử dụng lối đi này từ trước đến nay là cổng chính và tự bịt không sử dụng lối cổng nhỏ phía nhà ông Hùng từ nhiều năm nay.

Gia đình ông Toản cũng sinh sống ở Hà Nội, không thường xuyên ở đây mà chủ yếu sử dụng làm nhà thờ ngày lễ, ngày tết con cháu trong gia đình gặp mặt. Bên cạnh đó, hai gia đình vốn là anh em họ tộc, nếu cưỡng chế sẽ phát sinh thêm nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày, rất khó hàn gắn về sau.

Chính vì vậy, địa phương xác định việc tuyên truyền, hòa giải giữa hai gia đình là giải pháp tối ưu nhất. Xã đã thành lập Tổ tuyên truyền vận động với đầy đủ các thành phần liên quan. Tổ tuyên truyền đang tích cực vận động, tạo sự đồng thuận để vụ việc được giải quyết trên tinh thần tự nguyện giữa các gia đình. Phương án cuối cùng sẽ phải thực hiện cưỡng chế xử lý trong năm 2022.

Một lối đi nhỏ không sử dụng, nhưng vì một chút xích mích mà khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, mất tình thân trong gia đình liệu có đáng hay không? Xin được mượn câu chuyện về ngõ sáu thước từ vài trăm năm trước vẫn còn đến ngày nay ở thành phố Đồng Thành, tỉnh An Huy (Trung Quốc) thay cho lời kết, cũng là lời nhắn nhủ chân thành của tác giả tới đôi bên gia đình.

Chuyện rằng, vào những năm Càn Long triều Thanh, Trương Anh làm quan Thượng thư bộ Lễ, đồng thời là Đại học sỹ điện Văn hóa của triều đình, quyền thế vô cùng hiển hách. Người nhà ở quê của Trương Anh có tranh chấp về một bức tường với hàng xóm, không bên nào chịu nhường bên nào.

Khi tranh chấp đến hồi gay gắt, người nhà Trương Anh bèn viết một bức thư gửi cho ông, hy vọng ông dùng quyền thế của mình để dẹp yên việc này. Đọc thư xong, Trương Anh chỉ mỉm cười viết thư trả lời bằng một bài thơ: Viết thư ngàn dặm bởi tường cao/ Nhường ba thước đất hại gì sao?/ Vạn Lý Trường Thành nay còn đó/ Thủy Hoàng năm ấy giờ nơi nao?

Người nhà xem thư vô cùng xấu hổ, chủ động nhường ra 3 thước đất. Hàng xóm biết chuyện vô cùng hổ thẹn, cũng nhường ra 3 thước đất, thế là trở thành "ngõ 6 thước" và hai gia đình lại giữ được tình cảm hòa hợp như xưa.

Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/77522/tranh-chap-loi-di-nho-nguy-co-hau-qua-lon.html