Tranh chấp Mỹ - Trung: Từ xung đột thương mại đến cạnh tranh toàn diện?

Một ngày sau vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần thứ 12 kết thúc vào ngày 31/7 tại Thượng Hải, chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ đôla hàng hóa khác của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9, bỏ qua thực tế là hai bên đã kêu gọi các cuộc đàm phán 'mang tính xây dựng' và đồng ý tổ chức vòng đàm phán tiếp theo tại Washington.

Không hài lòng với điều đó, chính quyền Mỹ sau đó đã gán cho Trung Quốc là “thao túng tiền tệ" để gây "áp lực tối đa" cho Trung Quốc nhằm đạt được những mục tiêu của mình.

Đầu tiên, các chuyên gia phân tích rằng, nếu đánh giá theo ba tiêu chuẩn của Đạo luật Thực thi Thương mại và Thương mại của Mỹ năm 2015 đặt ra để xác định một quốc gia “thao túng tiền tệ", Trung Quốc chắc chắn không phải là một quốc gia như thế. Những thay đổi trong tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ là những biến động bình thường do thay đổi kỳ vọng của thị trường. Các động thái đơn phương và bảo hộ của Nhà Trắng, bao gồm cả việc tùy tiện áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, đã làm giảm kỳ vọng của thị trường. Và đồng nhân dân tệ suy yếu vượt quá mức 7 so với mỗi đôla Mỹ để đáp ứng với phản ứng của thị trường đối với các động thái đơn phương của Mỹ.

Thứ hai, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Trung Quốc đã nỗ lực để giữ cho tỷ giá nhân dân tệ ổn định, nghĩa là trong một phạm vi hợp lý. Cả trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cũng như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã dùng chính sách tiền tệ để giữ vững sự ổn định và thúc đẩy nền kinh tế. Trên thực tế, đồng nhân dân tệ là một trong những loại tiền tệ quốc tế mạnh và ngay sau những cáo buộc của Mỹ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ duy trì tỷ giá hối đoái của nhân dân tệ trong phạm vi hợp lý. "Áp lực tối đa" mà Mỹ đang cố gắng đặt lên Trung Quốc bằng cách gán “thao túng tiền tệ" đi ngược lại sự đồng thuận mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đạt được bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào cuối tháng 6 cũng như những kỳ vọng của thị trường rằng hai bên sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại để giải quyết tranh chấp của họ.

Trước những bất ổn của quan hệ Mỹ - Trung, Trung Quốc có lẽ sẽ tập trung vào sự phát triển của mình, bằng cách tận dụng sự tăng trưởng kinh tế ổn định, cơ sở hạ tầng vững chắc, công nghệ Internet tiên tiến và ảnh hưởng quốc tế, đặc biệt là vì nước này có sức mạnh và sự tự tin để cạnh tranh và/ hoặc hợp tác với Mỹ. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng nhất trong đàm phán song phương là tôn trọng lẫn nhau và cân bằng lợi ích. Vì vậy, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nước này cần tăng cường cải cách và mở cửa một cách toàn diện trong khi tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề song phương. Điều này sẽ cho phép Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới thấy sự cởi mở của Trung Quốc, và nhận ra các động thái đơn phương và bảo hộ của Mỹ là bất lợi cho toàn cầu hóa. Và vì các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung không thể được hoàn thành ngay lập tức, cả hai bên sẽ tăng cường liên lạc, để dần dần giải quyết xung đột thương mại. Từ thâm hụt thương mại và cạnh tranh đến tranh chấp về công nghệ và tỷ giá hối đoái, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng, với quan hệ song phương ngày càng trở nên phức tạp. Vì vậy, trong khi chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh toàn diện với Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết các tranh chấp song phương thông qua các cuộc đàm phán hòa bình.

Mặc dù chính quyền Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và hai nước có thể cạnh tranh với nhau trong dài hạn, trao đổi thương mại và kinh tế giữa hai bên vẫn rất rộng lớn. Theo sách trắng của Cơ quan thông tin Hội đồng nhà nước về lập trường của Trung Quốc tham vấn thương mại Trung - Mỹ vào ngày 02/6, tổng doanh thu của các công ty Mỹ tại Trung Quốc năm 2017 là khoảng 700 tỷ đôla, với lợi nhuận vượt quá 50 tỷ đôla. Và Báo cáo xuất khẩu năm 2019 của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung cho biết, từ năm 2009-2018, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giúp tạo ra hơn 1,1 triệu việc làm.

Tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ gây tổn hại cho cả hai bên khi xem xét nền kinh tế của hai nước phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Vì vậy, hai nước cần quan điểm bao quát và cởi mở hơn nhằm ổn định quan hệ Mỹ - Trung và đạt được sự cân bằng giữa hợp tác và lợi ích kinh tế, giúp các cuộc đàm phán thương mại đạt được thỏa thuận có thể chấp nhận được cho cả hai bên.

VD

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tranh-chap-my-trung-tu-xung-dot-thuong-mai-den-canh-tranh-toan-dien-124095.html