Tranh chấp vì thỏa thuận bảo mật thông tin
Phương pháp xác định vi phạm thỏa thuận bảo mật thông tin trái ngược nhau của các bên liên quan lẫn tòa án gây khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp
Sau khi nghỉ việc, ông N.Đ.D, kỹ thuật viên của Công ty CP Công nghệ T.T (quận 1, TP HCM), bị doanh nghiệp (DN) khởi kiện yêu cầu bồi thường hơn 250 triệu đồng. Lý do công ty đưa ra là ông D. đã vi phạm thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh (NDA) đã ký trước đó.
Quan điểm trái ngược
Đại diện Công ty CP Công nghệ T.T cho hay với mong muốn bảo đảm bí mật kinh doanh và tránh tình trạng chảy máu chất xám, đầu tháng 10-2019, khi ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), công ty cũng đồng thời ký thỏa thuận bảo mật thông tin với ông D.
Công việc của ông D. là trực tiếp thực hiện các công việc của công ty theo thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế giữa Công ty CP Công nghệ T.T và Công ty TNHH lọc hóa dầu N.S tại dự án Nhà máy Lọc hóa dầu N.S (tỉnh Thanh Hóa). Theo thỏa thuận bảo mật thông tin, trong 12 tháng kể từ ngày nghỉ việc, ông D. không được làm việc hoặc cộng tác cho bất kỳ cá nhân/đơn vị/DN nào có liên quan đến công việc hoặc dự án tại Nhà máy Lọc hóa dầu N.S.
Tuy nhiên, vào ngày 15-6-2021, sau khi nghỉ việc được 3 tháng, ông D. đã ký HĐLĐ với Công ty TNHH Lọc hóa dầu N.S ở cùng vị trí công việc. "Hành vi của ông D. đã vi phạm HĐLĐ và thỏa thuận bảo mật thông tin đã ký với công ty" - đại diện Công ty CP Công nghệ T.T khẳng định.
Tuy nhiên, ông D. cho rằng lý do khởi kiện của DN là vô lý bởi Công ty CP Công nghệ T.T được Công ty TNHH Lọc hóa dầu N.S thuê thực hiện bảo trì thiết bị nên về bản chất quan hệ 2 bên là đối tác. Hơn nữa, danh mục đăng ký ngành nghề kinh doanh của 2 công ty cũng không giống nhau nên không phải là đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh.
Tại phiên xử sơ thẩm, đồng tình với lập luận của Công ty CP Công nghệ T.T, TAND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tuyên buộc ông D. phải bồi thường cho công ty hơn 251 triệu đồng. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm diễn ra đầu năm 2023, TAND tỉnh Thanh Hóa đã bác yêu cầu của công ty.
Theo HĐXX, mặc dù giữa Công ty CP Công nghệ T.T và ông D. đã ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin nhưng nội dụng không phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của công dân; trái với quy định của Bộ Luật Lao động (BLLĐ) về quyền tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm của NLĐ nên không có giá trị pháp lý. Mặt khác, Công ty CP Công nghệ T.T cũng không chứng minh được ông D. đã sử dụng hoặc đã làm lộ bí mật của DN. Hai DN cũng không cùng ngành nghề kinh doanh nên không phải là đối thủ cạnh tranh với nhau.
Tuân thủ quy định nào?
Hiện nay, việc ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin được DN ngày càng quan tâm, tuy nhiên, việc thực hiện còn khá lúng túng dù tại BLLĐ năm 2019 đã quy định về vấn đề này.
Cụ thể, tại điều 21 BLLĐ quy định khi NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
Bà Nguyễn Thanh Hằng, giám đốc nhân sự một công ty tại huyện Hóc Môn, TP HCM, thắc mắc đây là điều khoản quy định nội dung của HĐLĐ, vậy thỏa thuận bảo mật thông tin sẽ gộp chung trong HĐLĐ hay giao kết riêng? Mặt khác, trong thỏa thuận bảo mật thông tin, điều khoản quan trọng nhất để bảo đảm cho quyền lợi DN là NLĐ không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại các quan điểm khác nhau về tính pháp lý của thỏa thuận này.
Có quan điểm cho rằng nội dung này vi phạm quyền tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc của NLĐ (quy định tại điều 35 Hiến pháp và điều 5 BLLĐ) dẫn đến thỏa thuận vô hiệu. Ở quan điểm ngược lại thì cho rằng thỏa thuận đó là hợp pháp và có giá trị pháp lý vì đó là thỏa thuận dân sự. Theo Bộ Luật Dân sự thì tại thời điểm ký kết thỏa thuận, NLĐ có đầy đủ năng lực hành vi, hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc và các cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, trong khi tồn tại quan điểm khác nhau, để ngăn ngừa rủi ro, DN nên soạn thảo riêng thỏa thuận bảo mật thông tin tách biệt hoàn toàn với HĐLĐ. Khi đó, thỏa thuận bảo mật thông tin sẽ được coi là một hợp đồng dân sự và không phụ thuộc vào HĐLĐ, để trong trường hợp HĐLĐ chấm dứt hiệu lực thì thỏa thuận này vẫn có giá trị pháp lý để ràng buộc trách nhiệm với NLĐ. Bên cạnh đó, DN cần xây dựng các tiêu chí để xác định các thông tin mật nhằm làm căn cứ giải quyết khi xảy ra tranh chấp. "Đối với NLĐ, cách bảo vệ mình tốt nhất là sẵn sàng từ chối ký những thỏa thuận mà bản thân cảm thấy chưa hợp lý và không công bằng" - luật sư Phúc khuyến nghị.